Tết té nước (Buôn huột nặm) của đồng bào dân tộc Lào tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được diễn ra vào khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm. Té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều xui xẻo gặp phải trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn năm tới sẽ có những điều tốt lành. Mục đích chính của té nước là mong muốn tiễn mùa khô và cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới.

Tết té nước (Buôn huột nặm) diễn ra trong nhiều ngày theo hai phần: Phần lễ gồm các hoạt động như: cúng bản, cúng tổ tiên… thể hiện tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý thể hiện sự biết ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn. Sau các nghi lễ là đến phần hội, mọi người trong bản cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian. Các trò chơi đều được bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục thiên nhiên, chống thiên tại, dịch họa, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho dân bản.

  Các trò chơi dân gian trong tết té nước gồm:

Táu lasa (rùa ấp trứng): Là trò chơi không giới hạn người tham gia, cả nam và nữ đều có thể chơi. Người đóng vai rùa mẹ là một người phụ nữ có nhiệm vụ phục ấp trứng và một người con trai đóng vai rùa bố có nhiệm vụ canh chừng, bảo vệ rùa mẹ trong quá trình ấp trứng, có khoảng 05 – 06 quả trứng đã được chuẩn bị từ trước bằng cách dùng vải hoa khâu thành hình tròn như quả trứng, nhồi hạt bông vào và khâu kín lại. Để bước vào trò này, hai người tiến hành oản tù tì, ai thua thì làm nhiệm vụ ấp trứng (nếu là đôi nam nữ thì oản tù tì đến khi người con gái thua), đồng thời cử một người con trai làm rùa bố phối hợp với rùa mẹ giữ không để mất trứng. Khi vào chơi, mọi người đứng xung quanh cổ vũ, ai muốn vào trộm trứng thì vào.

Mọi người sẽ tìm cách nhặt từng quả trứng, khi còn một quả trứng cuối cùng, người chơi đẩy rùa mẹ dời ra để lấy nốt quả trứng đó, trong quá trình chơi vì giữ trứng mà rùa mẹ đá phải chân người chơi khiến họ bị ngã, làm không khí trở lên sôi nổi.

Trò chơi này có ý nghĩa: cùng với sự bảo vệ của con người thì còn phải có sự thuận lợi của thời tiết giúp trứng của động vật được bảo vệ tốt và có khả năng sinh nở. Do đó, con người phải cầu cho thời tiết thuận lợi, mong trời cho mưa xuống để muôn vật được sinh sôi, nảy nở.

Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe): Trò chơi này có 01 người phụ nữ tượng trưng cho mẹ của đàn ngóe (đàn ngóe từ 10 -12 người đóng làm ngóe con). Người mẹ này luôn đứng đầu dang tay bảo vệ đàn con, đàn con lần lượt túm áo nhau nấp sau lưung mẹ. Con rắn là một người nam hoặc một người nữ đến trước mặt ngóe mẹ xin con ngóe. Ngóe mẹ hỏi rắn ma hết lơ (xin về làm gì)? Rắn trả lời:

          “Ma kin khiết tang na

          Ma kin pa tang soản

          Ma ỏn ẻn tắp puông

          Ma kin chuông loóc mạy

          Ma kin sảy lục non

          Ma kin tắp kin tơ lỉnh nọi hay cang khưm”

          Dịch:

          “Đến ăn ếch trên ruộng

          Đến ăn cá bên sông

          Đến vui chơi cùng nhau

          Đến ăn hoa trên núi

          Đến ăn ruột non của con mày (con ngóe)

          Đến ăn cơm mùa mới

          Đến ăn lũ con nhỏ của nhà này…”

Nói xong, rắn đuổi đòi ăn con ngóe, rắn vồ được con nào thì người đóng vai ngóe ở vị trí đó dời khỏi hàng (bị lôi ra). Khi chỉ còn một mẹ một con, mẹ ngóe tìm mọi cách không cho rắn bắt nữa và cuối cùng là hai mẹ con ngóe bỏ chạy, kết thúc trò chơi.

Trò chơi này cho thấy một quy luật tự nhiên diễn ra hết sức logic, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn đó là khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, nước ngập ruộng đồng, nước ăm ắp bờ thì những chú ngóe sau một thời gian ngủ đông sẽ thức giấc và tiếp tục sinh sôi nảy nở, chúng xuất hiện rồi cất tiếng kêu, nghe thấy tiếng kêu của ngóe thì rắn biết đó là miếng mồi ngon nên tranh thủ đi tìm bắt.

Sưa khốp mu (hổ bắt lợn):  Trò chơi này, người đóng vai hổ phải là nam thì mới đủ sức mạnh đế bắt lợn. Người đóng vai lợn là nam hay nữ đều được (thường nữ đóng vai lợn để tạo thành cặp nam nữ cùng tham gia). Những người còn lại đứng xếp hàng xung quanh, cầm tay nhau làm chuồng lợn (khoảng 20 người), không quan niệm số chắn hay lẻ, trai hay gái đều tham gia được.

Cách chơi trò chơi: người đóng vai hổ và lợn sẽ oản tù tì, ai thua thì làm hổ, ai thắng thì làm lợn, tất nhiên khi oản tù tì họ ngầm hiểu phải ra các ký hiệu bằng tay tới khi nào người đóng vai lợn thắng. Hàng rào người ngăn không cho hổ vào, khi hổ nhảy vào chuồng, hàng rào người mở lối cho lợn chạy thoát ra ngoài, khi hổ ra ngoài, hàng rào lại tự mở lối cho lợn chạy vào chuồng. Khi hổ vồ được lợn thì người đóng vai lợn kêu “éc, éc”; hổ thì miệng chóp chép như đang ăn thịt lợn. Hổ vồ được lợn cũng là lúc trò chơi kết thúc.

Thông qua trò chơi hổ vồ lợn, nhận thấy rằng trong chăn nuôi phải có chuồng trại bảo vệ gia súc. Trò chơi còn là một bức tranh gợi lên những tư duy cho người xem về đời sống xã hội cộng đồng dân tộc Lào còn thô sơ, đơn giản cho đến những sáng tạo để có được hiệu quả năng suất lao động, từ khi dân bản không làm chuồng trại để chăn nuôi, chỉ thả rông nên bị thú rừng ăn thịt cho tới sau này dân bản đã tiến bộ hơn, đã biết làm chuồng trại nhằm bảo vệ vật nuôi của mình, ngăn cản thú dữ.

Pít mắc tanh (hái dưa chín): Trò chơi này có một người con trai đứng giữ một cái cột tre, trên ngọn cột buộc cành lá xanh để tạo thành một cây nhỏ, có một hàng người là nữ, người ngồi đầu tiên ôm gốc cây mà người đàn ông đang giữ, những người sau đó ngồi ôm eo nối đuôi nhau lại vừa lắc lư mông.

Một người phụ nữ đi tìm quả dưa chín bằng cách đi lần lượt từ đầu hàng, dùng tay nắn đầu từng người (ngụ ý xem quả nào đã chín) thường thì người cuối hàng lần lượt là quả chín, khi tìm thấy quả chín thì người đó bị lôi ra khỏi hàng, nếu kéo người ngồi cuối mà những người còn lại cũng ngã theo thì coi như đã tìm thấy hết quả chín, kết thúc trò chơi. Trò chơi này muốn gợi lên vấn đề xã hội trước đây người dân còn nghèo lại đông con, cuộc sống không đủ ăn và phải đi xin từ những gia đình khá giả hơn.

Phăn viêng (chém trên đầu, chém dưới chân): Tham gia trò chơi này chỉ dành cho nam giới, phụ nữ chỉ đứng ngoài cổ vũ. Người chơi chia làm 02 đội, mỗi đội 03 người, ở giữa là một vạch kẻ hoặc một đoạn tre đặt làm ranh giới đường biên. Hai đội đứng 2 bên, người chơi chỉ được dùng tay chém linh hoạt vào đầu hay đầu gối của đối phương, ai chạm được đối thủ dù chỉ một lần là thắng, chân không được chạm vạch, chạm vạch thì sẽ thua. Đây là trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, mang ý niệm và ý chí kiên cường của người dân trong lịch sử khai hoang, vỡ đất, dựng bản, tạo mường, chống lại giặc ngoại xâm và thiên nhiên hung dữ. Với ý niệm đầu đội trời, chân đạp đất, đầu minh mẫn nhanh nhạy, chân tay khéo léo, vững vàng.

Nối tiếp những trò chơi truyền thống là điệu múa lăm vông truyền thống được người Lào hào hứng thể hiện. Lăm vông rất phổ biến trong cộng đồng người Lào, đã trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vừa là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, vừa có tác dụng giáo dục. Lăm vông có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Động tác của nữ là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tiến, một bước lùi. Còn nam giới thì lắng nghe lời ca, tiếng nhạc để tự điều chỉnh mình cho nhịp nhàng với từng động tác của nữ.

Tết té nước được coi là ngày để sum họp các thành viên trong gia đình, dù bất kể ai đi xa hay ở gần cùng tìm về với gia đình trong những ngày này. Tết còn có vai trò kích thích khả năng sáng tạo nghệ thuật của người Lào trong nghệ thuật bố trí vật lễ, nghệ thuật chế tác và sử dụng một số loại nhạc cụ cùng nghệ thuật trình diễn dân gian thông qua thể hiện những trò chơi, điệu múa mang nét văn hóa tiêu biểu của người Lào.

  Có thể nói, các trò chơi dân gian trong Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, đậm tính nhân văn cần được giữ gìn và phát huy để mãi là nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.319.580
Online: 65