Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc chiến đấu có quy mô lớn, dài ngày trên một chiến trường xa hậu phương. Với những điều kiện tác chiến mới và hoàn cảnh khó khăn đó, công tác phòng, chữa bệnh và đảm bảo sức khỏe cho bộ đội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành quân y.
Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng quân y bao gồm các Đội điều trị 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 đóng tại Bản Tấu, Mường Ẳng và các trạm chuyển thương dọc theo tuyến đường từ Cò Nòi đến Tuần Giáo. Tỷ lệ chị em y sỹ, y tá, dược tá ở các đội điều trị xấp xỉ 1/3 quân số của đội điều trị. Một số đội điều trị của các đại đoàn chủ lực như Đại đoàn 316 cũng có gần 30 nữ chiến sỹ. Đa số chị em đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu từ 19 đến 23 tuổi, đều là sinh viên y khoa những khóa đầu tiên. Đang ở độ tuổi sôi nổi nhất của cuộc đời nên các nữ chiến sỹ quân y ai cũng hăng hái, xung phong và mong muốn được phục vụ thương binh ở tiền phương. Đi phục vụ chiến dịch tuy gian khổ, hành quân xa trên những con đường mà kẻ địch điên cuồng bắn phá, các nữ chiến sỹ quân y vẫn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để tiến kịp với đội hình đơn vị. Hình ảnh người nữ quân y đi phục vụ chiến dịch là: đầu đội mũ nan có lớp vải bọc lưới ngụy trang, chân đi dép lốp, ngang lưng đeo ruột tượng đựng gạo, vai mang túi bông băng, thuốc hoặc dụng cụ chuyên môn tùy theo sự phân công của đơn vị. Ngoài ra có chiếc ba lô đựng quần áo, màn, miếng nilon để che mưa và một vài đồ dùng cá nhân… Hành quân xa, phải vượt qua nhiều đèo dốc, sông suối, nhiều đoạn đường bị máy bay địch bắn phá ác liệt; thậm chí còn phải dừng lại để cấp cứu khi các đơn vị mở đường có chiến sỹ bị thương. Ban ngày, họ trú quân ở những cánh rừng ven đường quốc lộ, ban đêm lại tiếp tục đi, cứ đi miết hàng tháng nên đôi chân của chị em bị sưng phồng, lúc đó họ lại có sáng kiến: đào một hố rộng bằng hai bàn chân, lót nilon, rồi đổ nước nóng ngâm cho chân đỡ sưng để tiếp tục hành quân. Ngoài những khó khăn, vất vả chung khi hành quân, những người nữ chiến sỹ quân y còn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả riêng của phụ nữ.
Hầu hết các nữ chiến sỹ quân y tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ khi ấy còn đang là sinh viên nên đa số họ chưa có điều kiện thực hành. Công việc của nữ quân y trong chiến dịch không đơn thuần như lý thuyết đã học ở trường. Trong thực tế công tác ở từng lúc, từng nơi, chị em y tá hay y sỹ đều phải tự suy nghĩ và có sự sáng tạo mới hoàn thành được nhiệm vụ. Thương binh khi về đến đội điều trị thường vào 1-2 giờ sáng, trong khi kỷ luật chiến trường là không được để lọt ánh sáng ra ngoài vì sợ lộ địa điểm; những lúc như vậy chị em đều khẩn trương thực hiện nhiệm vụ: y sỹ thì kiểm tra chọn lọc, y tá thì nhanh chóng lau rửa vết thương cho thương binh để chuyển nhanh vào hầm mổ. Ở chiến dịch lúc này, nhiều khe suối cạn, nước rất thiếu, có đoạn nhiều nước thì bị đóng váng nên phải bảo đảm tiệt trùng tối đa. Những khi trời mưa, chị em phải lấy nilon, vải bạt của mình ra để che cho thương binh, còn mình thì chịu ướt, với suy nghĩ: “Anh em đã đau đớn rồi, không để cho họ phải chịu rét nữa”. Có những ngày nhiều thương binh, chị em y sỹ phải đứng mổ hay phụ mổ suốt ngày đêm, buồn ngủ díp mắt, lại còn bị ruồi vàng đốt, đau tái người nhưng không có cách nào phản ứng được vì tay còn đang phải làm nhiệm vụ, phải bảo đảm vô trùng.
Chế độ trực thương binh ở các khu trọng thương rất nghiêm, mỗi đêm chị em phải đi kiểm tra 3 lần vào lúc 21 giờ, 24 giờ và 3 giờ sáng. Trực đêm, lo nhất là theo dõi sức khỏe của thương binh bị vết thương ở sọ não. Đèn dầu phải che kín, chỉ để chừa một lỗ nhỏ, mỗi lán có 5-7 thương binh, phải đi hết lán này đến lán khác, thấy thương binh nào nằm im thì phải kiểm tra xem thương binh đang ngủ hay đã tử vong. Để có đủ dịch truyền cho thương binh, chị em dược tá ở ban dược thuốc các đội điều trị đã thực hiện pha chế tại chỗ. Dụng cụ pha chế khi hành quân bao gồm: nồi nước cất, vỏ chai đựng dịch truyền, cân, màn để căng buồng pha chế, phễu lọc thuốc… phải đóng gói sao cho gọn gàng, không được vỡ, đến nơi đào hầm pha chế xong là triển khai ngay được.
Công tác cứu chữa thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đòi hỏi các đội điều trị phải cố gắng chăm sóc để thương binh mau chóng hồi phục sức khỏe, sớm trả lại quân số chiến đấu cho các đơn vị. Đến nơi tập kết, chị em hộ lý đã lo chuẩn bị, tự tạo dụng cụ như: chặt ống nứa thay mỏ vịt, đan phên tre và lót lá để thay bô, đào hố để xử lý các chất thải, khỏi ô nhiễm môi trường. Chị em cấp dưỡng thì phải khắc phục khó khăn, dù thương binh có đông đến mấy cũng phải có cơm dẻo canh nóng kịp thời phục vụ thương binh. Dụng cụ đựng cơm, đựng canh cũng phải tự tạo, học tập đồng bào thiểu số đan rá, đan giỏ bằng cây rừng để đựng cơm, cưa các ống vầu có mắt hai đầu để đựng canh, thìa thì lấy các hộp sắt chiến lợi phẩm nhờ các chiến sỹ cắt gò lại.
Những công việc tưởng chừng như rất bình thường đó nhưng nếu không sống trong hoàn cảnh ác liệt của chiến trường thì không thể hiểu, không hình dung và thông cảm được những thiếu thốn khó khăn, vất vả mà chị em đã trải qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ sự tận tình, trách nhiệm, đầy sáng tạo của các nữ chiến sĩ quân y, công tác thu dung, cấp cứu, điều trị thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được những kết quả quan trọng, với nhiều thành tích ngoài dự kiến, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.