Qua mỗi chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh hay của Trung ương tổ chức, khán giả yêu âm nhạc dân tộc của vùng núi Tây Bắc trong những năm gần đây ai cũng biết đến các ca khúc “Tẳng cẩu em về làm dâu”; “Về miền hoa ban” hay “Áo cóm yêu thương”….giai điệu, ca từ của bài hát rất hay và ý nghĩa. Nhưng tác giả của ca khúc đó là người như thế nào, thì lại ít người biết đến. Với dáng người thư sinh, tri thức lại không phải là người con sinh ra ở núi rừng Tây Bắc, nhưng anh am hiểu khá tường tận những giá trị Văn hóa bản địa để rồi chắp bút trên khuông nhạc, thành công ở những ca khúc đi vào lòng người, được đông đảo khán, thính giả yêu nhạc mến mộ, đó là nhạc sĩ Nguyễn Huy Thông.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 18 tuổi với niềm đam mê yêu nghệ thuật, anh theo học tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Ra trường được người quen giới thiệu, anh bước chân lên với mảnh đất Tây Bắc xa xôi. Trên đường đi, cảm nhận đầu tiên trong anh Tây Bắc đẹp huyền thoại như người con gái Thái dịu dàng, những con đường hùng vĩ, bạt ngàn trắng muốt những cánh hoa ban bên đường bồng bềnh mây núi…có lẽ nơi đây sẽ là quê hương thứ hai, là điểm đến mà anh sẽ gắn bó trọn cuộc đời mình với mảnh đất này.

Chân dung nhạc sĩ Huy Thông.

 Đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên là nơi anh công tác từ năm 1997 cho đến tận bây giờ. Bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với những tháng ngày vất vả của quãng thời gian tập luyện và huy hoàng trong những phút giây của khoảnh khắc đêm diễn bằng những tràng pháo tay động viên từ khán giả yêu mến mới trân trọng và tự hào về nghề của mình. Là một trong những nghệ sĩ lâu năm cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà, nhạc sĩ Huy Thông luôn đau đáu trong tim, mình luôn phải phấn đấu trong chuyên môn thật tốt, nếu chuyên môn vững thì mới có thể làm những việc lớn hơn thế nữa, và rồi anh quyết tâm theo học lớp Cao đẳng sáng tác âm nhạc tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội, Hà Nội.  

Ở lĩnh vực biểu diễn, anh là một cây solo chính trong một dàn nhạc dân tộc của Đoàn. Để có một tác phẩm hòa tấu hay, đi vào lòng công chúng yêu nhạc, phải đổi bằng công sức của những buổi tập luyện vất vả, vỡ bài, chau truốt từng nốt nhạc sao cho chỉn chu nhất mới có được một bản hòa tấu hay. Những tác phẩm anh đầu tư chất sám để tham gia Hội diễn ca, múa, nhạc chuyên nghiệp là cả một quá trình tập luyện không ngừng nghỉ, chỉ có những con người yêu mảnh đất và am hiểu văn hóa nơi đây mới có thể sáng tác được những khúc triết mang hơi thở, âm thanh của nhịp sống bản mường nơi vùng cao Tây Bắc. Tác phẩm đầu tiên anh sáng tác cho dàn nhạc ngay từ lần đầu được Đoàn nghệ thuật tỉnh dàn dựng để tham gia Hội diễn đã gây sự chú ý đặc biệt bởi cung bậc tiết tấu và sắc thái lôi cuốn người nghe, xem. Tác phẩm “Tiếng vọng của bản” tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 đạt huy chương Bạc, đây cũng là bước đệm để anh có động lực phấn đấu trong chuyên môn và cống hiến với nghề nhiều hơn. Trải qua các kỳ tham gia hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, anh đã cùng với dàn nhạc góp sức mình, làm nên thành công ở các tiết mục biểu diễn trong chương trình, giành nhiều huy chương Vàng, Bạc, mang vinh quang về cho đoàn.

25 năm công tác tại đoàn cũng là bằng đấy thời gian anh được sống với núi rừng Tây Bắc. Được trải lòng, cảm nhận, am hiểu tường tận những giá trị Văn hóa của các dân tộc tỉnh Điện Biên với những chuyến đi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân tại cơ sở, các ngày điền dã, cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm với đồng bào các dân tộc, anh cảm nhận được những nét độc đáo trong tâm hồn, tình cảm của người dân trước vẻ đẹp thiên nhiên, tình người mộc mạc trong sáng. Những kho tàng tri thức văn hóa dân gian đồ sộ của cộng đồng 19 dân tộc anh em chứa đựng những tập quán, đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc như những lớp trầm tích lâu đời rất có giá trị để anh khai thác, phát triển trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Những chuyến đi ấy để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm, thôi thúc anh tìm tòi, sáng tạo, vận dụng chất liệu văn hóa dân tộc vào sáng tác của mình. Các ca khúc “Về miền hoa ban” giải A - Liên hoan âm nhạc năm 2013; “Chợ xuân” giải A - Liên hoan âm nhạc năm 2014; “Áo cóm yêu thương” giải A - Liên hoan âm nhạc năm 2016 đã ra đời từ sự đam mê ấy. Không chỉ kế thừa, phát huy để khai thác sâu các âm điệu bản sắc, hồn cốt các dân tộc, anh còn giành nhiều thời gian dày công nghiên cứu phát triển, tìm lời bài hát độc, lạ, làm cho tác phẩm âm nhạc của mình trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn. Cho đến nay anh đã có hơn 200 ca khúc viết về các đề tài khác nhau và được vang lên trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh và Trung ương, tiêu biểu như: “Hương sắc vùng cao”, “Tẳng cẩu em về làm dâu”, “Một thoáng Điện Biên”, “Anh chiến sĩ Công an về bản”, “Khăn piêu thương nhớ”, “Thay lời muốn nói”…..và mới đây nhất ca khúc: “Áo cóm yêu thương” của anh lại được vang lên trong chương trình nghệ thuật “Lung linh miền hoa ban” khai mạc Lễ hội Hoa ban, năm 2022.

Nhạc sĩ Huy Thông biểu diễn tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 2018

 Nhạc sĩ Nguyễn Huy Thông chia sẻ: Sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng có lẽ tôi tâm huyết và thích nhất “Hương sắc vùng cao” đây là ca khúc được phát triển theo chất liệu dân tộc Mông. Với nhịp 4/4, ca khúc viết giành cho tốp ca nam nữ, bài hát nói về vẻ đẹp vùng núi cao với ngày hội giao duyên khi mùa xuân về nơi núi rừng Tây Bắc. Ca khúc này như một món quà tôi giành tặng cho khán giả yêu nhạc khắp cả nước, ở vùng, miền nào cũng có thể sử dụng được”.

Đam mê với nghề và lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi, những sáng tác của anh luôn được giới truyền thông đón nhận và đưa vào các chương trình nghệ thuật lớn. Mỗi bài hát anh gửi gắm vào đó bằng tất cả tấm lòng, tình cảm của mình để toát lên niềm tự hào dân tộc qua mỗi ca khúc và cung bậc cảm xúc ở những quãng lên cao trong từng nốt nhạc. Hiện nay anh đang giữ chức vụ đội trưởng đội nhạc, là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Những đóng góp của nhạc sĩ Huy Thông không chỉ thổi luồng sức sống mới trong sáng tạo nghệ thuật mà còn cống hiến, góp phần làm phong phú hơn những sắc màu văn hóa dân tộc trong vườn hoa nghệ thuật âm nhạc của đất nước.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.425.931
Online: 37