Giỗ tổ Hùng Vương còn gọi là Lễ hội Đền Hùng, là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc Việt Nam nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa về đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một trong những ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Lễ được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Truyền thuyết kể rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là thuỷ tổ của dân tộc từ hàng ngàn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của tổ tiên để người dân đất Việt, thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Truyền thuyết tại Đền Hùng ghi lại: Sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề nguyện sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu Tổ tiên. Sang những năm đầu Công nguyên (40 - 43), Hai Bà Trưng phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán đã đọc lời thề trên cửa sông Hát “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng...” . Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước : trưng bày triển lãm, trình diễn đánh trống đồng, hát xoan làng cổ, múa rối nước, thi gói, nấu bánh chưng - giã bánh giày ... Tại mỗi gia đình, với tấm lòng thành kính các gia đình chuẩn bị mâm cơm đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc trong ngày 10/3 âm lịch.

Lễ rước kiệu tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

 Với giá trị trị nổi bật mang tính toàn cầu, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Và điều đó đã chứng minh cho cho toàn thế giới rằng, văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.151.294
Online: 59