Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban và Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2022, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao và trò chơi dân gian sẽ được tổ chức sôi nổi, phong phú từ ngày 11 - 13/3/2022 trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Một trong những môn thi đấu đặc sắc được coi là điểm nhấn trong hoạt động thể thao là môn xe đạp thồ - hình ảnh đẹp tái hiện lại lịch sử hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Ngược dòng thời gian

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện nhằm giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc với đỉnh cao chói lọi là chiến dịch Điện Biên Phủ. Để làm nên thắng lợi cuối cùng của chiến dịch, nhân dân khắp mọi miền đất nước vừa tích cực tham gia sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm,... động viên chồng con, anh em tòng quân, lên đường nhập ngũ tham gia vào các đơn vị lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Riêng lực lượng dân công đã thồ gạo bằng xe đạp thô sơ để chuyển tới chiến địa hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm giúp bộ đội “ăn no, đánh thắng”.

Từ hoàn cảnh đó, Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương được thành lập do đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Cùng với đó, Hội đồng cung cấp mặt trận cấp liên khu như Liên khu 4, Liên khu 3, Liên khu Việt Bắc và cấp tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La... được thành lập. Các Hội đồng đó làm nhiệm vụ tổ chức huy động sức người, sức của ở hậu phương chi viện cho tiền tuyến, nhất là cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Tính riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 261 nghìn dân công (tính ra khoảng 12 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn hai chục nghìn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 62  tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn lương khô.

Đây là nguồn lực hậu cần vô cùng cần thiết, mang ý nghĩa trọng yếu góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những chiếc xe đạp thồ huyền thoại

Trong chiến thắng vĩ đại ấy, không thể không nhắc tới sự đóng góp của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường. Những chiếc xe thồ đã làm nên con đường vận tải “huyền thoại”, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Chiếc xe đạp thồ từ một sáng kiến của nhân dân trong cuộc sống bình thường đã trở thành phương tiện vận chuyển “thần thánh”. Mỗi chiếc xe đạp thồ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được gia cố vào khung một đoạn tre hoặc gỗ, các nan hoa 2 bánh được kẹp thêm tre, ở đầu và giữa xe có 2 khúc tre, một khúc dài phía trước làm tay lái, khúc lớn hơn dựng dọc thân xe để giữ thăng bằng và thắng phanh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Mỗi xe thồ lúc đầu chở được 100 kg sau đó nâng lên 200 kg, 300 kg. Năng suất xe thồ gấp 10 lần dân công gánh bộ. Gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi 10 lần". Như vậy 1 dân công với chiếc xe đạp thồ bằng 100 dân công gánh bộ. Chỉ tính riêng đội quân xe đạp thồ đã đông hơn số quân chủ lực. Đã có hai vạn chiếc xe đạp được dùng để thồ lương thực và trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của quân đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố lại toàn bộ từ vành, săm, lốp, nan hoa tới cả tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy. Chiếc xe thồ của ông Ma Văn Thắng, dân công tỉnh Phú Thọ đã chở tới 337 kg lương thực - con số khó tưởng tượng nổi dành cho một phương tiện thô sơ, trọng tải nhẹ, vận hành bằng sức người.

Chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên từng khiến cả thể giới kinh ngạc là một biểu tượng sống của sự sáng tạo, sức mạnh của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.

Tri ân và tái hiện

Nhằm giáo dục, tri ân, ôn lại truyền thống, đồng thời tái hiện lại hình ảnh các dân công thồ gạo và tải đạn năm xưa, Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Ban Điện Biên nhiều năm qua đã lấy nguyên mẫu từ chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử để tổ chức cho các đội thi đấu, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia trải nghiệm.

Từ ngày 11-13/3/2022, trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban và Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2022, cùng với các hoạt động văn hóa, du lịch, hoạt động giao lưu, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ được diễn ra, đặc biệt là môn xe đạp thồ của các đội.

Trong thi đấu cũng như trải nghiệm, Ban Tổ chức quy định các vận động viên, nhân dân và du khách tham gia, đẩy xe thồ ngược dốc cự ly là 600m. Đội hình nữ sẽ có 03 người, trong đó 01 người cầm lái, 02 người vừa giữ vừa đẩy xe vận chuyển 02 bao tải, mỗi bao trọng lượng 50kg. Số người đội nam cũng vậy nhưng chỉ khác về trọng lượng, trên xe đội nam chở 03 bao tải, mỗi bao trọng lượng 50kg. Kết quả thi đấu được tính cho các đội căn cứ vào thời gian về đích. Trong quá trình thi đấu hoặc trải nghiệm, các đội phải tuân thủ theo những quy định chung của Ban Tổ chức như khi lái và đẩy xe không lấn sang phần đường của đội cùng chơi, các đội chơi không được trợ giúp từ người bên ngoài…

Để tham gia các nội dung thi và trải nghiệm môn xe đạp thồ tại Lễ hội Hoa Ban năm 2022, các đơn vị, nhân dân, du khách có thể đăng ký với Ban Tổ chức để được tham gia thi đấu và có những trải nghiệm thú vị ở bộ môn này./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.281.620
Online: 75