Người Kháng là dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me, có quan hệ với các thứ tiếng Khơ Mú, Xinh Mun (Puộc) và Vọng ở nước CHDCND Lào. Họ cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc nước ta, tại tỉnh Điện Biên người Khơ Mú sống tập trung thành bản ở một số xã thuộc huyện Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo.
Phụ nữ dân tộc Kháng
Ngày nay, dân tộc Kháng sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trang phục truyền thống của dân tộc Kháng khá phong phú như: Trang phục ngày thường, trang phục ngày lễ, trang phục thầy mo. Mỗi bộ trang phục thể hiện những giá trị thẩm mỹ riêng và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đối với từng giới tính và lứa tuổi, dân tộc Kháng có những cách thức trang trí riêng cho bộ trang phục sao cho phù hợp.Trang phục của dân tộc Kháng được người phụ nữ mua vải về may và trang trí các hoa văn truyền thống thành các bộ trang phục để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trong các lễ hội. Nghệ thuật trang trí trên trang phục của đồng bào Kháng được thể hiện ở kiểu dáng hay các họa tiết hoa văn. Các hoa văn trang trí trên trang phục thường được tạo ra bằng cách thêu chỉ hoặc ghép các loại vải nhiều màu. Các hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục truyền thống còn là thông điệp, ý niệm về cuộc sống mà dân tộc Kháng gửi gắm trong đó.
Trong cộng đồng dân tộc Kháng, việc khâu vá, thêu thùa đã hình thành từ rất lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bất cứ người phụ nữ dân tộc Kháng nào đến tuổi trưởng thành cũng đều biết khâu vá, thêu thùa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Việc khâu vá, thêu thùa còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Chính vì thế từ lúc trưởng thành, những người phụ nữ Kháng tranh thủ thời gian nông nhàn mua vải về tự tay đo, cắt, sau đó khâu, thêu và hoàn thiện bộ trang phục.
Áo nữ dân tộc Kháng được may từ chất liệu vải bông nhuộm chàm, dáng ngắn, cổ áo và vạt áo được may trang trí bằng 2 đường viền vải vàng, đỏ và 1 dải vải xanh. Trên dải vải màu xanh được đính 13 đôi cúc bướm. Từ vai xuống ngực được trang trí bằng 2 dải vải đỏ viền vàng, trên dải vải đỏ mỗi bên được trang trí 9 hình tròn bằng nhôm và 3 đồng xu mệnh giá 500 đồng. Lớp trong gấu áo được táp 3 khổ vải màu trắng và may lật ra ngoài tạo thành đường viền trắng ở mặt phải của áo. Cổ tay áo được táp 2 khổ vải xanh, đỏ và 1 đường viền màu vàng. Áo được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Ngược lại với chiếc áo, váy dài được thiết kế không cầu kỳ, được may từ 4 khổ vải bông nhuộm chàm màu đen, không trang trí hoa văn. Váy được cấu tạo gồm ba phần: cạp váy, thân váy và gấu váy. Phần cạp váy và thân váy được lót thêm một lớp vải bông màu trắng bên trong. Váy được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Trang phục nữ dân tộc Kháng trong Lễ Pang Phóong
Bộ phận không thể thiếu trong bộ trang phục nữ đó là thắt lưng. Với thiết kễ khá đơn giản, họ không trang trí hoa văn và tông màu xanh được lựa chọn làm thắt lưng, hai đầu thắt lưng được khâu 2 khổ vải đỏ. Thắt lưng là một bộ phận trong trang phục nữ dân tộc Kháng, không chỉ có tác dụng dùng để thắt quanh váy giữ chắc váy không bị tuột mà còn để tô thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục truyền thống.
Khăn đội đầu nữ được làm từ vải bông dệt thủ công, nhuộm tràm, hai đầu khăn được thêu trang trí bởi những đường kẻ song song và được thêu xen kẽ các hình tết đuôi sam và hình sóng nước, ở giữa có hình hoa. Bốn góc khăn được thêu hình khau cút đơn, hình ngôi sao. Các họa tiết thêu trên khăn được thêu vô cùng cầu kỳ, tỉ mỷ bởi những đường chỉ màu sặc sỡ trên nền vải màu đen. Khăn được đồng bào dùng trong sinh hoạt hàng ngày và trong những ngày lễ tết.
Ngày nay xã hội ngày càng đổi thay, sự giao thoa văn hóa ngày càng trở nên sâu rộng, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn trang phục truyền thống, kỹ thuật tạo hình trên vải của các dân tộc thiểu số là vấn đề hết sức cấp thiết, đòi hỏi quan tâm triển khai các chương trình, đề án bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung và trang phục truyền thống của dân tộc Kháng nói riêng.