Không biết từ bao giờ, chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người Lào trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Từ xa xưa chiếc khèn bè đã được dùng làm nhạc đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho những điệu dân vũ, những điệu xòe, điệu múa lăm vông, hát đối, hát giao duyên, trong các dịp tết, lễ hội hay tiếng khèn dùng để gọi bạn tình đêm khuya của những chàng trai cô gái Lào khi yêu nhau.

Khèn bè thường được làm bằng ống nứa, để làm khèn bè đồng bào Lào thường lựa chọn những ống nứa bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp theo trình tự từ thấp đến cao. Khèn của dân tộc Lào được làm thành 2 bè, mỗi bè 7 ống, cấu tạo ống theo số chẵn, thường là 8, 10, 12 hoặc 14 ống. Thông thường người ta xếp 2 ống trong 1 hàng có chiều dài bằng nhau để tạo dáng cân đối. Có thể nói đây là cách quy định chiều dài mang tính hình thức, vì chiều dài thực của mỗi ống căn cứ vào 1 lỗ lớn nằm ở 2 ống úp vào nhau, đây là lỗ đánh dấu để biết chính xác độ dài của ống. Với 5 cung và 1 quãng 8. Bầu khèn làm bằng gỗ nhẹ, dẻo nên khó nứt, ở đầu bầu khèn có 1 lỗ để thổi. Những ống nứa được nghệ nhân khéo léo chế tác  luồn qua bầu khèn, họ sử dụng sáp ong để làm kín các khe hở giữa ống nứa và phần bầu khèn. Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh. Mỗi ống phát ra 1 âm nhất định, bên trong ống có lưỡi gà bằng đồng hay bạc giát mỏng, việc tra lưỡi gà vào trong ống là một trong các kỹ thuật chế tác khó nhất, nghệ nhân phải xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt sao cho khi thổi phát ra âm thanh tốt nhất. Trên mỗi ống có 01 lỗ bấm gần lưỡi gà, các lỗ bấm có tác dụng điều chỉnh âm mỗi khi thổi khèn. Khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các làn điệu dân ca hay nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Lào và cả trong các tiết mục sân khấu.

Khèn bè sử dụng trong hát dân ca dân tộc Lào

Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng khoảng 1,5 quãng tám. Theo truyền thống, nam giới sử dụng nhạc cụ này và thường dùng để đệm hát hay làm nhạc nền cho các điệu múa, trò chơi, ngoài ra còn sử dụng  kết hợp với một số các loại nhạc cụ khác tạo nên bản hoà tấu nhạc cụ dân tộc. 

Khi thổi, người thổi ốp hai bàn tay vào các nốt nhạc, miệng ngậm vào lỗ thổi trên bầu khèn và thổi các làn điệu thích hợp theo hoàn cảnh và giai điệu của bài hát, điệu múa hay trò chơi. Có những giai điệu cần lên cao thì bắt buộc người thổi phải lấy hơi dài, có những làn điệu cần xuống thấp thì người thổi lại phải kìm hơi và từ từ nhả hơi để kéo xuống, đồng thời các ngón tay chỉ đạo các nốt nhạc theo từng cung bậc của bản nhạc hoặc giai điệu của bài hát.

  Nhìn chiếc khèn bè tương đối đơn sơ, nhưng khi các nghệ nhân cất lên nhịp điệu thì vô cùng mê đắm lòng người, lúc trầm bổng, da diết, khi sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo. Điều đặc biệt là khèn bè của dân tộc Lào có những âm thanh sóng đôi mà các nghệ nhân gọi là "ò -  êm" tức là bố mẹ. Đó cũng là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.

Khèn bè sử dụng trong vui hội và chơi trò chơi dân gian

Khèn bè của đồng bào dân tộc Lào như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, yêu dân tộc của người Lào. Đối với dân tộc Lào, khèn bè là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa văn nghệ, mang đậm bản sắc, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào và đã trở thành nhạc cụ truyền thống mang lại giá trị tinh thần, một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng. 

Không biết từ bao giờ, chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tộc Lào, được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, tiếng khèn đã làm nền cho các trò chơi, điệu múa của người Lào, đặc biệt tiếng khèn bè như lời mời gọi bà con dân bản hãy cùng nhau múa hát rộn ràng trong các dịp lễ hội. Với những ý nghĩa và vai trò quan trọng của khèn bè, cộng đồng người Lào cần tiếp tục gìn giữ và phát huy có hiệu quả các nhạc cụ dân tộc nói chung và khèn bè nói riêng ./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.131.162
Online: 66