UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Kế hoạch về Tổ chức tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo kế hoạch, chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” được triển khai từ ngày 15/11 - 15/12/2022 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường của tỉnh Điện Biên.
Các hoạt động chủ yếu trong Tháng hành động gồm: Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo; Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động; Cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, cán bộ truyền thông viết về HIV/AIDS; Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 phù hợp với điều kiện thực tế, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương và diễn biến mới của dịch Covid-19.
Tùy từng điều kiện của các địa phương, đơn vị, Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội, tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo chuyên đề. Các đơn vị, địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về phòng, chống HIV/AIDS, sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông; xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.
Truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động. Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương. Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi. Vận động các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động...
Thông qua Tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.