Sau 05 năm thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021, công tác PBGDPL của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện Kế hoạch số 1720/KH-SVHTTDL ngày 19/9/2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, trong 05 năm qua, công tác PBGDPL đã được triển khai sâu rộng, toàn diện. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để thực hiện; Sở đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL. 

Trong giai đoạn 2017-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trong công tác PBGDPL. Trên cơ sở cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chương trình, Đề án phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn được giao, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, tự giác học tập, tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-LĐ) và Nhân dân.

Năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh) PBGDPL đến Nhân dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; phối hợp thực hiện kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện quy ước tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện Mường Ảng (kiểm tra tại Phòng Tư pháp và xã Mường Lạn). Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Quy chế số 2191/QCPH-SVHTTDL-CAT ngày 21/7/2017); phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị, gắn với công tác PBGDPL. Và đạt được một số kết quả như sau:

Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (nay là Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh) phối hợp, hỗ trợ cùng Trại giam Nà Tấu hoàn thành bộ phim tài liệu phòng sự: “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” và trình chiếu tại Hội nghị gia đình phạm nhân. Đây là một bộ phim phản ánh một cách sâu sắc, giàu tính nhân văn về tình cảm, tư tưởng, niềm tin hướng thiện của phạm nhân, đồng thời thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm và những nỗ lực, cố gắng của Ban giám thị, cán bộ chiến sĩ Trại giam Nà Tấu trong việc giáo dục, cải tạo và giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhận cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Bộ phim được lãnh đạo Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng, Bộ Công an đánh giá cao.

Thư viện tỉnh phối hợp Trại giam Nà Tấu thành lập 01 thư viện trong khu vực giam giữ của phạm nhân. Đồng thời trao tặng 1.000 cuốn sách, báo (trong đó: 800 cuốn sách cố định, 200 cuốn sách luân chuyển theo năm). Nội dung các sách, báo, tài liệu: ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh; lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chính trị, pháp luật, văn học, lịch sử, nghệ thuật, mỹ thuật, đạo đức, kỹ năng sống, dạy nghề, khoa học đời sống... Qua đó hình thành, phát triển, duy trì văn hóa đọc trong phạm nhân, giúp phạm nhân thấy được giá trị của văn hóa và tác dụng của đọc sách trong việc xây dựng, định hướng tư tưởng, tình cảm, nâng cao hiểu biết về pháp luật, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống…

​Nội dung, hình thức PBGDPL có nhiều đổi mới, đa dạng, phù hợp yêu cầu thực tiễn và các đối tượng, địa bàn khác nhau như: tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng các cụm pa nô, áp phích, căng treo băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm; chiếu phim lưu động phục vụ Nhân dân vùng cao, biên giới; lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, chung thủy; đăng nội dung thông tin về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị; trên các ấn phẩm của Ngành… Trong giai đoạn 2017-2021, Sở đã chỉ đạo xây dựng 03 chương trình về phòng chống tội phạm ma túy và tội phạm mua bán người, phục vụ tuyên truyền cổ động mặt đường và công tác tuyên truyền tại cơ sở với trên 100 buổi/năm.

Hiện nay, công tác pháp chế, hoạt động PBGDPL của Sở giao cho Văn phòng tham mưu, triển khai thực hiện; bố trí 01 công chức có trình độ Đại học Luật trực tiếp theo dõi công tác PBGDPL. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh của Sở: tính đến thời điểm báo cáo có 08 đồng chí, 100% có trình độ đại học, 8/8 đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức PBGDPL. Tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến CBCCVC-LĐ trong toàn ngành. Bên cạnh đó đội ngũ báo cáo viên pháp luật còn đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền PBGDPL luôn được Sở quan tâm thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ báo cáo viên pháp luật tham gia hoạt động. Năm 2019, Sở đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên với 45 công chức, viên chức tham gia.

Việc triển khai Chương trình và các Đề án của Chương trình đã tác động tích cực tới công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCCVC-LĐ trong thực thi pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp; đổi mới các hình thức PBGDPL theo hướng phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của cơ quan, đơn vị cũng như tình hình thực tế tại địa phương. Qua thực hiện Chương trình, Đề án đã phổ biến kịp thời các quy định của pháp luật gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống của CBCCVC-LĐ và Nhân dân.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL của Sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện vì thiếu nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở, vật chất), nhất là kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được lồng ghép trong kinh phí hoạt động chuyên môn và sự nghiệp của Ngành nên rất hạn chế, khó khăn trong triển khai thực hiện. Hoạt động PBGDPL đôi khi còn mang tính hình thức; các đơn vị chưa khai thác hết các hình thức tuyên truyển, chủ yếu lựa chọn căng treo băng zôn, khẩu hiệu trên các trục đường hoặc tại trụ sở cơ quan; nội dung tuyên truyền còn đơn điệu. Chưa tổ chức được các hội nghị, hội thảo chuyên đề cho công tác này do thiếu kinh phí khi mời chuyên gia, báo cáo viên cấp tỉnh hoặc in ấn, cấp phát tài liệu. Hệ thống văn bản quy phạm pháp của Trung ương và của tỉnh ban hành hàng năm nhiều, thường xuyên có sửa đổi, bổ sung, thay thế, nên khó khăn trong việc phổ biến đến các đối tượng thực hiện. Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác PBGDPL chủ yếu kiêm nhiệm, kỹ năng, phương pháp thực hiện còn thiếu; năng lực về chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Do đặc thù của tỉnh là địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; nhận thức của người dân không đồng đều đặc biệt khu vực vùng cao, biên giới nên việc tiếp cận, tuyên truyền, PBGDPL còn những hạn chế nhất định, dẫn đến hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL chưa cao.

Trong thời gian tới, thông qua việc tổng kết đánh giá hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2017-2021, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới gắn với việc cụ thể hóa các nội dung của Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến công tác PBGDPL trong nhà trường, tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, PBGDPL cán bộ, nhân dân vùng biên giới, người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.316.336
Online: 78