Nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1407/KH-SVHTTDL ngày 16/6/2021 về cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Trên cơ sở đó, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nhất là các DVCTT mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Phấn đấu 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021
Ngày 16/6/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1407/KH-UBND về cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch trong năm 2021. Chính vì thế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nỗ lực đưa các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 ngay trong năm 2021 để các tổ chức, cá nhân thay đổi thói quen và sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí.
Sử dụng DVCTT mức độ 4 mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Khi tham gia DVCTT mức độ 4, tổ chức, cá nhân có thể điền thông tin vào các mẫu văn bản điện tử, nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Với dịch vụ này, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ đều được thực hiện trên môi trường mạng.
Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, sử dụng các hình thức thanh toán điện tử. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Sử dụng DVCTT là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp tổ chức, cá nhân có thể giải quyết TTHC ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi.
Việc gửi hồ sơ qua DVCTT còn giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây, muốn giải quyết TTHC, tổ chức, cá nhân phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu theo thứ tự và chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ để xử lý. Còn hiện nay, khi sử dụng DVCTT, mọi việc liên quan đến TTHC, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình.
Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, hách dịch; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thể hiện tính ưu việt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Chính phủ đã nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Tiếp tục tái cấu trúc quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh tích hợp dịch vụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang phải nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng DVCTT đã cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.