Bằng tình yêu với những hoa văn truyền thống, sự tìm tòi, dám nghĩ, dám làm của những người phụ nữ dân tộc Mông huyện biên giới Nậm Pồ, những chiếc váy áo thân thuộc hàng ngày nay đã trở thành hàng hóa giá trị, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều chị em. Đó là mô hình thêu may trang phục dân tộc của hội viên phụ nữ xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ.
Từ hai năm trở lại đây, chị Cháng Thị Cầu, bản Nậm Tắt, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ đã từ bỏ phương thức canh tác trên nương lạc hậu để chuyên tâm vào thêu may trang phục dân tộc Mông bán theo các đơn đặt hàng. Những đơn hàng này có được đều do chị tuyên truyền, giới thiệu về trang phục truyền thống trên mạng xã hội facebook và đưa chúng trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Sau gần 2 năm đưa trang phục dân tộc mình trở thành hàng hóa, chị Cầu từ bản Nậm Tắt ra trung tâm xã Nà Bủng mở cửa hàng, vận động chị em phụ nữ cùng tham gia để mở rộng quy mô. Với sự quan tâm của các cấp, nhất là Hội LHPN huyện Nậm Pồ, Hội LHPN xã Nà Bủng, mô hình thêu may trang phục dân tộc của chị đã được nhân rộng, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Các hội viên đều là những chị em có nhiều kinh nghiệm trong thêu may trang phục truyền thống. Chị Cầu cho biết: Trong quan niệm của người Mông, vẻ đẹp của người phụ nữ được phản ánh một phần qua trang phục: “Muốn biết người tốt xem gác bếp, muốn hay người đẹp xem áo quần”. Vậy nên, một người phụ nữ được xem là đẹp trước hết phải là người khéo tay thêu thùa, dệt vải, may vá, đặc biệt là may đồ cưới. Nói cách khác, giỏi nghề dệt vải thêu hoa là một thước đo giá trị người phụ nữ Mông truyền thống. Có lẽ vì vậy nên mô hình thêu may trang phục dân tộc này có xuất phát điểm thuận lợi là phát huy tay nghề sẵn có của chị em phụ nữ trong xã.
Từ khi mô hình thêu may trang phục dân tộc của hội viên phụ nữ xã Nà Bủng ra mắt đã có 30 hội viên tham gia. Trung bình chị Cầu và chị em trong mô hình có thể xuất bán từ 50 - 300 sản phẩm/lô hàng ra thị trường nước ngoài. Đó là còn chưa kể các đơn đặt hàng lẻ từ các khách hàng trong nước. Công việc mới này cũng đã mang lại nguồn thu nhập tương đối cho chị em. Chị Thào Thị Sú, bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng chia sẻ: Trước đây tôi chỉ thêu trang phục cho mình, cho các con để mặc thôi. Bây giờ mới biết váy áo truyền thống mình làm ra lại có thể bán được nhiều tiền thế. Có bộ bán 2 - 3 triệu đồng, có bộ bán được 5 - 6 triệu đồng tùy theo sự cầu kỳ của từng loại hoa văn và số đo của người đặt. Tôi cùng các chị em ở đây thêu các mẫu hoa văn, sau đó chị Cầu may thành bộ váy áo mang đi bán trên facebook. Làm thế này vừa có thu nhập cao, vừa không vất vả như đi làm nương.
Chị Sùng Thị Chư, Chủ tịch Hội LHPN xã Nà Bủng cho biết: Nà Bủng là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ với tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 72,51%. Trong đó, hội viên phụ nữ nghèo cũng chiếm tới trên 70%. Với hình thức phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp, để cải thiện đời sống cho bà con nhân dân vẫn còn là vấn đề nan giải của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Chính vì vậy, mô hình thêu may trang phục này đang là đáp án của bài toán xóa đói giảm nghèo cho hội viên phụ nữ của xã. Điều đáng mừng là mô hình đã nhận được nguồn vốn 100 triệu đồng do ông Đoàn Ngọc Hải đến từ TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ. Với số vốn này, các hội viên được vay không lãi suất để mua vải, chỉ, máy khâu... phát triển mô hình. Trước mắt, đây là mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc, nên cũng là hướng đi được Hội LHPN xã định hướng phát triển lâu dài.
Với những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của hội viên phụ nữ Nà Bủng, nhiều hoa văn truyền thống của trang phục dân tộc đang được phục dựng lại, giữ gìn cho nhiều thế hệ sau. Cùng sự năng động của chị em, trang phục truyền thống không chỉ đơn giản mặc hàng ngày mà đang từng bước trở thành hàng hóa, đem lại giá trị đáng kể, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để mô hình nghề thủ công truyền thống này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phát huy hết giá trị thì vẫn rất cần sự quan tâm định hướng của các cấp, ngành.