Hằng năm, vào những ngày tháng 8 lịch sử, cả dân tộc Việt Nam lại không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, nhân vật lịch sử, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại nhiều cuộc tiến công lớn của địch trên các chiến trường. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử  năm 1975 đã làm nên tên tuổi của Đại tướng đã vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ, như Nhà sử học Mỹ - Cecil Curry đã viết trong cuốn “Victory at any cost”:  “Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”.

Không chỉ là một vị tướng, một nhà chính trị - quân sự tài năng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà sử học - tác giả của nhiều công trình, bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng, về quân đội, về chiến tranh cách mạng Việt Nam với nhiều bộ hồi ký có giá trị. Những bộ hồi ký này đã tái hiện một cách sinh động, có hệ thống những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong hành trình đấu tranh giải phóng. Những công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi còn đọng lại trong ký ức của mỗi người Việt Nam. Chúng ta hãy cùng điểm lại những dấu ấn về thân thế, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.

Chân dung Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 04/10/2013) quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Từ nhỏ, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp được chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong mình ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, đồng chí sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Đồng chí được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, đồng chí ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Tư liệu)

Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, đồng chí  trở về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, đồng chí phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên. Dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.

Tháng 12/1944, Đồng chí được Chủ Tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, Đồng chí đã chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đánh thắng 2 trận đầu ở Phai Khắt và Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944

Tháng 10/1946, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam (Đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ tháng 10/1946 - 8/1947; 8/1948 - 12/1979).

Tháng 01/1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và là Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi).

Tháng 02/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ năm 1950 đến năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Biên Giới (tháng 9 - 10/1950), Trung Du (12/1950), Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951 - 02/1952), Tây Bắc (10 - 12/1952), Thượng Lào (4 - 5/1953).

Đặc biệt, đến năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy, kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thức sâu sắc rằng chỉ có đánh bại hình thức phòng ngự chiến lược của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch mới mở đường cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Để biến quyết tâm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị thành hiện thực thắng lợi, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch bàn bạc, đưa ra phương án sáng suốt có tính chất quyết định làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Việc thay đổi phương án tác chiến được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình. Đó là quyết định dựa trên cơ sở khoa học, xem xét khách quan, toàn diện cục diện chiến tranh, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao trước lịch sử, trước sinh mệnh cán bộ, chiến sỹ của người chỉ huy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo đen) cùng Bộ chỉ huy chiến dịch họp bàn kế hoạch tại hang Huổi He

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp ra thực địa quan sát, chỉ đạo chiến dịch

Với quyết định sáng suốt đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi. Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là chiến công của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và can thiệp Mỹ, đánh bại “Kế hoạch Navarre” của Thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được giải phóng hoàn toàn.

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm DeCastries ngày 7/5/1954

Hiệp định Geneve ký kết chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã nhanh tay hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình cách mạng mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Năm 1980, Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật.

Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80. Từ năm 1992 đến lúc từ trần, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”; Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội khuyến học Việt Nam; Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, dù ở cương vị nào,  Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản. Dù trong lúc cách mạng gặp thuận lợi hay khó khăn, Đồng chí vẫn tin tưởng, thủy chung, son sắt với Đảng, với nhân dân, đúng như lúc sinh thời Đồng chí đã từng nói “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. 

 Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. 

Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để mỗi chúng ta học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.315.290
Online: 63