Ngày 11/8, Chính phủ khóa XV họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại cuộc họp, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất 5 nhiệm vụ.
Văn hóa đã mang đến một liều vaccine tinh thần cho nhân dân
Thống nhất cao với báo cáo những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó có đề cập cụ thể các vấn đề về văn hóa, tại phiên họp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nêu một số đề xuất cụ thể.
Được Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL luôn ý thức sâu sắc rằng: Văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Lược lại một số văn kiện liên quan tới chính sách văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, thời gian qua, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam chúng ta cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Một trong những kết quả tích cực đó là, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại được tỏa sáng.
"Nhìn vào cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay khi lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, ý Đảng quyện với lòng dân và nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ sát đúng thì càng khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc" – Bộ trưởng nhấn mạnh và nhận xét, "văn hóa đã mang đến một liều vaccine tinh thần cho nhân dân đồng lòng đồng sức cùng với Đảng, Nhà nước vượt qua đại dịch".
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.
Thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của ngành tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ VHTTDL cần quyết liệt hơn nữa để thực hiện các công việc mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL sớm trình dự thảo Chiến lược Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với các nhiệm vụ khả thi, mang tính đột phá. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, sau khi làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan bộ ngành trong tháng 8 này, Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ và coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Đề xuất 5 nhiệm vụ
Dẫn lại kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm việc với Bộ VHTTDL rằng: Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn liên quan tới tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, vì vậy cần nhiều giải pháp căn cơ và đồng bộ. Sức mạnh mềm của văn hóa thể hiện ở sự hấp dẫn, tỏa ra các giá trị văn hóa, giá trị của thực thể, tinh thần, giá trị của con người Việt Nam; phải tạo ra các giá trị văn hóa, phải xây dựng cho được thương hiệu quốc gia có sức hút với cộng đồng quốc tế.
Thực hiện được những quan điểm lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cùng với việc quán triệt nghiêm túc các luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khi đặt vấn đề phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh tạo động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc…, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề xuất 5 nhiệm vụ.
Thứ nhất, đó là nhận thức đúng – hành động đẹp. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị cần phát huy mạnh mẽ công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức.
"Chỉ khi có nhận thức đúng chúng ta sẽ có hành động đúng và vì vậy tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa, nhận thức sâu sắc hơn để có có chương trình hành động"- Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu và đề xuất định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị, diễn đàn để đánh giá lại, nếu có điều kiện thì điều chỉnh cả chiến lược cho sát trúng hơn.
Hai là, chọn việc – làm điểm – đánh giá – nhân rộng. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần lựa chọn để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất "đòn bẩy, điểm tựa" để phát triển. Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL phối hợp với UNESCO xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa Quốc gia nhằm làm rõ sự đóng góp của văn hóa trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để đưa bộ chỉ số này vào trong đánh giá. "Làm như vậy thì mới có được sự phấn đấu, xếp hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về văn hóa chung của quốc gia, cấp tỉnh và coi đây là động lực của sự phát triển".
Ba là, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú ý hơn môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân và tổ chức thực hiện tốt các nội dung này.
Bốn là, tiếp tục xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong đó chú ý đến các giá trị của gia đình. Cùng với đó phát triển văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng tâm hồn phát triển nhân cách, nhất là trong thế hệ trẻ.
Và cuối cùng, phải có nguồn lực đầu tư cho văn hóa, phát triển nguồn nhân lực. Dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa", Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa, trước hết cần có những con người văn hóa. Do vậy, cần đầu tư chăm lo nguồn lực con người, nhân lực văn hóa cũng như quản lý văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ và đầu tư cơ sở vật chất giúp cho ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.