Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng đắc lực bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều chiến dịch quan trọng. Từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, với tài năng và sự cống hiến của mình Đại tướng Hoàng Văn Thái là con người ưu tú, vị anh hùng dân tộc xuất sắc dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Tài liệu có ghi, tên thật của ông là Hoàng Văn Xiêm, (cuối năm 1944 mới đổi thành Hoàng Văn Thái), sinh năm 1917, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, sớm có lòng yêu nước từ nhỏ. Từ năm 18 tuổi, Hoàng Văn Thái tham gia nhiều phong trào công nhân, chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa cộng sản, trực tiếp tổ chức, tập hợp thanh niên tham gia các đoàn, hội đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ.

Từ năm 1940 đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Hoàng Văn Thái hoạt động cách mạng tại Bắc Giang, Lạng Sơn, tham gia các đội du kích và được học tập quân sự tại Trung Quốc. Cuối năm 1943, ông đã trực tiếp gặp nhà cách mạng Hồ Chí Minh, bấy giờ mới vừa được Tưởng Giới Thạch trả lại tự do. Cuối tháng 9 năm 1944, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam, sau đó một tháng, Hoàng Văn Thái cũng về nước, trở thành nhà hoạt động cách mạng nhiệt huyết sau này.

Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái là một trong 34 người đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trong năm 1944. Ngay sau đó, tổ chức này đã giành được chiến thắng quan trọng tại Phay Khắt và Nà Ngần. Sau đó, trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, Hoàng Văn Thái dẫn dắt nhiều đơn vị Giải phóng quân đánh chiếm nhiều địa phương, góp phần vào thành công của cách mạng. Cách mạng tháng 8 thành công, tháng 9/1945, ông Hoàng Văn Thái được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu của Quân đội quốc gia và giữ chức Tham mưu trưởng đầu tiên.

Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Mnh kêu gọi kháng chiến toàn quốc, Hoàng Văn Thái cùng với Võ Nguyên Giáp lần lượt chỉ đạo các mặt trận Hải Phòng, Hà Nội. Ngày 26/8/1947, Hoàng Văn Thái giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Việt Nam kiêm chức Đại đoàn trưởng Đại đoàn Độc Lập. Đến tháng 1/1948 trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội, Hoàng Văn Thái được phong Thiếu tướng.

Cuối năm 1950 trong chiến dịch Biên Giới, ông là Tổng Tham mưu trưởng kiêm tham mưu trưởng chiến dịch, chỉ huy trận đánh then chốt Đông Khê. Trong trận này đích thân ông ra tận chiến hào chỉ đạo, động viên bộ đội giữ chốt. Kết thúc chiến dịch Biên Giới, ông tiếp tục giữ chức Tham mưu trưởng các chiến dịch khác như Chiến dịch Trung du (1951), chiến dịch Hòa Bình (1951), chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch thượng Lào (1953) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320, được triệu về Việt Bắc giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái được phân công nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng và nhận lệnh lên Điện Biên tiếp tục vai trò Tham mưu trưởng trong chiến dịch quan trọng mang mật danh Trần Đình. Tại Điện Biên Phủ, ông đã phối hợp tốt với cố vấn Trung Quốc, cùng đưa ra và thực hiện những quyết sách quan trọng của Bộ chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ việc chuyển phương châm tác chiến, cho đến công tác chuẩn bị, hậu cần, từng trận đánh, ... Sau hơn 5 tháng có mặt tại Điện Biên Phủ, Pháp đã chấm dứt những ngày tháng cuối cùng có mặt ở Việt Nam bằng thất bại vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Ta giành thắng lợi quan trọng nhất, kết thúc kháng chiến chống Pháp, chấm dứt chế độ Thực dân đã tồn tại gần 100 năm.

Sau khi quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ, tháng 7 năm 1954, đồng chí Hoàng Văn Thái được triệu tập về Việt Bắc để đảm nhận chức vụ Tổng Tham mưu trưởng thay cho tướng Văn Tiến Dũng chuyển sang nhận nhiệm vụ Trưởng Đoàn Đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị Trung Giã. Ông giữ nhiệm vụ này cho đến hết năm 1954, đến khi tướng Văn Tiến Dũng thôi làm Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp đình chiến trung ương và trở lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng.

Ngày 10/4/1958, ông là Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn theo sắc lệnh 61/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 31 tháng 8 năm 1959, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Năm 1960, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao đầu tiên của đất nước. Từ năm 1961 đến năm 1963, ông đi học ở Học viện quân sự cấp cao Bắc Kinh, Trung Quốc. 

 Với những kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, trong kháng chiến chống Mỹ, ông được tăng cường cho mặt trận miền Nam, điều phối hoạt động tại khu V trong Chiến tranh cục bộ 1965. Năm 1966 ông là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu 5. Từ năm 1967 đến năm 1973 ông là Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó bí thư Trung ương cục và Phó bí thư Quân uỷ Quân Giải phóng miền Nam. Đây là thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, ông đã chỉ đạo chỉ huy nhiều chiến dịch lớn ở Nam Bộ như sự kiện Tết Mậu Thân, cũng như Chiến dịch Xuân hè 1972, là người chỉ huy chính và trực tiếp tại chiến trường miền Nam trong toàn bộ thời gian quân đội Mỹ tham chiến.. 

 Cuối tháng 01/1974, ông ra Bắc nhận chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất, trực tiếp chỉ đạo công tác chi viện chiến trường và chỉ đạo tác chiến. Tháng 4 cùng năm, ông được thăng quân hàm Thượng tướng.

Năm 1980, ông được phong hàm Đại tướng, được phân công công tác chỉ đạo tổng kết chiến tranh, chỉ đạo công tác nhà trường quân đội và công tác tổ chức cán bộ. Giai đoạn này ông đã tập trung nghiên cứu và hoàn thành nhiều tác phẩm tài liệu có giá trị về quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1974 đến năm 1986, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1974 đến năm 1981, ông là Uỷ viên thường vụ Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III đến khoá V, đại biểu Quốc hội khoá VII. 

Ngày 02/7/1986, ông đột ngột qua đời sau một cơn đau tim tại Viện Quân y  108, thọ 71 tuổi. 

Với tài năng, đạo đức và phẩm chất cách mạng trong sáng, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh; hai Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng nhì); Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.312.766
Online: 63