Ngày truyền thống ngành văn hóa Việt Nam (28/8) được hình thành từ năm 1945 gắn với gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống Văn hóa.

Ngày truyền thống ngành VH gắn liền với sự ra đời của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Trải qua 76 năm phát triển và trưởng thành, ngành đã luôn hoàn thành sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng, giai đoạn nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa đã dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và tình yêu nước làm vũ khí sắc bén. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa, nghệ thuật đã trở thành vũ khí, là đường dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến. Với quyết tâm “Tiếng hát át tiếng bom”, cùng với nhân dân cả nước, hàng ngàn cán bộ, văn nghệ sĩ đã sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta.

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới đất nước, văn hóa tiếp tục đóng góp không nhỏ vào quá trình khai thác, phát huy mọi nguồn lực nội sinh. Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực của sự phát triển. Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã trở thành kim chỉ nam cho định hướng hoạt động và mục tiêu phấn đấu của ngành. Tuy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do bối cảnh mang lại song ngành vẫn vững bước đi lên, ngày càng lớn mạnh hơn và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa trên các mặt công tác.

18 năm sau khi ngành văn hóa nước ta ra đời, ngành văn hóa Lai Châu (nay gồm Lai Châu và Điện Biên) được thành lập. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên hôm nay có tiền thân là Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Lai Châu, được thành lập ngày 22/8/1963, được thay đổi qua nhiều mô hình, tên gọi như: Ty Thông tin tỉnh, Ty Văn hóa và Thông tin, Sở Văn hóa, Thông tin.

Những giai đoạn đầu đầy thăng trầm, trong bối cảnh đất nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ngành Văn hóa Thông tin Lai Châu đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động như: Chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, sáng tác thơ ca, tuyên truyền cổ động ở mọi lúc mọi nơi. Cơ sở vật chất của ngành từng bước được ổn định, trang thiết bị kỹ thuật được thay thế, các thiết chế ngày càng được củng cố, hoàn thiện và mở rộng. Vượt qua bao gian khổ, các thế hệ văn nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ lão thành trong những tháng năm ban đầu ấy đã gắng sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đời sống của nhân dân được nâng lên; di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và phát huy…

Đến năm 2008, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên được thành lập. Qua 13 năm trưởng thành, đến nay, ngành đã đoàn kết, thống nhất khắc phục khó khăn, cùng tạo đà đưa hoạt động văn hóa nhanh chóng đi vào ổn định, đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ văn hóa ngày càng được bổ sung về số lượng lẫn chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sự nghiệp không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh hơn về thiết chế, tổ chức, về trình độ quản lý, hoạt động nghiệp vụ và đã đạt được thành tựu có ý nghĩa trên các mặt công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền được tổ chức phong phú, sôi nổi, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước. Tiêu biểu nhất là các hoạt động gắn với đại lễ cấp Quốc gia chào mừng kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ theo chu kỳ năm tròn (10 năm/lần). Các sự kiện trong đại lễ đã được nâng tầm phát triển, đặc biệt trong đó là Lễ hội Hoa Ban được tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay đã trở thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Điện Biên.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền được đổi mới thường xuyên về nội dung và hình thức, trở thành nhịp cầu nối liền giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, miệt mài đưa ánh sáng chủ trương của Đảng, tiếng nói của Nhà nước vào cuộc sống.

Phong trào văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân và phục vụ bạn bè, du khách. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đạt được nhiều thành tựu mới, ngày càng đi lên theo hướng kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, trong đó tiêu chí là phát huy bản sắc truyền thống các dân tộc gắn với tiếp thu tinh hoa nhân loại và mang hơi thở thời đại.

Hoạt động thư viện, phát hành sách, phát hành phim tiếp tục duy trì và phát triển, luôn quan tâm đưa ra nhiều giải pháp thu hút người dân trước bối cảnh bùng nổ thông tin và sự cạnh tranh của các thiết bị nghe nhìn cá nhân. Nhiều hình thức, mô hình mới được tổ chức như thư viện lưu động, truy cập internet công cộng miễn phí, gắn tổ chức quầy sách lưu động, chiếu phim lưu động với biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, lực lượng trong tỉnh để đưa văn hóa thông tin trực tiếp về cơ sở.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" không ngừng phát triển sâu rộng và nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong tỉnh.

Lĩnh vực di sản văn hóa được quan tâm đổi mới hoạt động. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, bản sắc các dân tộc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó trở thành nền tảng, tài nguyên quan trọng cho văn nghệ và du lịch khai thác, tạo thành thế mạnh góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội chung của tỉnh phát triển.

Năm 2021, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Trải qua hơn nửa thế kỷ trưởng thành, đến nay, văn hóa Điện Biên có vinh dự và trách nhiệm được thừa kế bề dày thành tựu, tuy còn nhiều hạn chế về điều kiện nhưng đã nói lên tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân Điện Biên. Những cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành văn hóa tỉnh Điện Biên đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý mà Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên trao tặng. Điển hình là Huân chương lao động Hạng Ba (năm 2021); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014); Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh (năm 2009, 2016); Cờ thi xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra còn nhiều Bằng khen do UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng.

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, phát huy những thành tựu đã đạt được, trong giai đoạn tới, ngành cần tiếp tục tổng hợp sức mạnh cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ, đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, góp phần nâng cao vị thế văn hóa Điện Biên, đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng văn minh, giàu đẹp.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.131.697
Online: 29