Ngày 9/7/1960, ngành Du lịch được thành lập theo Nghị định số 26/CP của Hội đồng Chính phủ, đánh dấu sự khởi đầu của một ngành kinh tế được định hướng phát triển trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị tài nguyên của đất nước. Trải qua 61 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của một ngành kinh tế đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước. Hiện nay, ngành Du lịch đang bước vào giai đoạn phát triển ở tầm cao mới với nhiều thời cơ và khó khăn, thách thức mới.

Những năm 1990 đến nay là giai đoạn ngành Du lịch Việt Nam chuyển mình với những bước đột phá quan trọng. Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành Du lịch đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Những thành quả đó có được nhờ vào sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước với những cơ chế, chính sách tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.

Năm 1990 là thời điểm khởi đầu của thời kỳ đổi mới, ngành Du lịch đón tiếp và phục vụ được 250 nghìn lượt khách quốc tế thì đến năm năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm, khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Sự tăng trưởng không ngừng về lượng khách đã thúc đẩy nhanh chóng hiệu quả kinh tế đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. Tổng thu từ khách du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đạt 755 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 1990 đạt 1.340 tỷ đồng. Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng, tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng, đến năm 2019 đóng góp 9,2%. Cùng với đó là sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, vận chuyển và nhiều khu du lịch, tổ hợp dịch vụ đã hình thành và khẳng định quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ của ngành Du lịch trong những bước phát triển vượt bậc, thu hẹp khoảng cách với khu vực và quốc tế.

 Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế ngày càng lớn mạnh, năm 2019 cả nước có 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, so với năm 1990 chỉ có 4 doanh nghiệp, năm 1996 có 76 doanh nghiệp, năm 2005 có 428 doanh nghiệp. Tính đến năm 2019, cả nước có 27.683 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 17.825 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9.134 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 724 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Về cơ sở lưu trú du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước được đầu tư ngày càng mạnh mẽ, tăng 85 lần về số cơ sở và tăng 39 lần về số buồng. Cụ thể: Năm 1990 mới có 350 cơ sở với 16.700 buồng thì đến hết năm 2019 cả nước đã có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng. Về tổng thu từ khách du lịch, từ 1.340 tỷ đồng năm 2019 lên 755 nghìn tỷ đồng năm 2019.

 Trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trước sự tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 gây nên. Thị trường du lịch quốc tế đã tạm dừng từ cuối tháng 3/2020 đến nay. Du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng mạnh do các đợt dịch bùng phát ở trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy du lịch trong nước, ngay từ trong năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị trước các phương án đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, cập nhật theo tình hình thực tế. Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã đề xuất tới các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch khắc phục khó khăn; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới: Năm 2019, Du lịch Việt Nam vinh dự nhận hàng loạt giải thưởng danh giá từ các tổ chức quốc tế uy tín trên toàn cầu. Nổi bật nhất là các giải thưởng do World Travel Awards trao tặng như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf hàng đầu thế giới và châu Á; Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á...

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, Ngành, địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự hợp tác, giúp đỡ của các đối tác, bạn bè quốc tế. Với nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn ngành, Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đang từng bước khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.311.413
Online: 56