Đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng, nghe giới thiệu, tìm hiểu những hiện vật góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trong đó có khẩu pháo 105mm - Đây là một trong những khẩu pháo của đại đội 806, Tiểu đoàn 954, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 đã bắn những phát đạn đầu tiên vào Trung tâm đề kháng Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Pháo 105mm trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị 24 khẩu Pháo 105mm, trong đó 4 khẩu là chiến lợi phẩm thu được của Quân đội Viễn chinh Pháp từ chiến dịch Biên Giới (1950) và chiến dịch Tây Bắc (1952), 20 khẩu được nước bạn Trung Quốc viện trợ. Số pháo này thuộc biên chế Trung đoàn 45, Đại đoàn công pháo 351.
Sau hơn 3 tháng cho công tác chuẩn bị, những trận địa pháo đã sẵn sàng chờ ngày nổ súng. Đến ngày 11/3/1954, những khẩu trọng pháo cuối cùng của ta đã vào chiếm lĩnh trận địa bao vây Điện Biên Phủ.
17 giờ 10 phút ngày 13/3/1954, Đại đội lựu pháp 806, cùng 5 đại đội lựu pháo của Trung đoàn 45, 2 Đại đội sơn pháo 75mm, 3 Đại đội súng cối của Trung đoàn 675 đã bắn những phát đạn đầu tiên vào Trung tâm đề kháng Him Lam, sân bay Mường Thanh, phân khu Hồng Cúm mở màn chiến dịch. Sau 5 giờ 30 phút chiến đấu, Trung tâm đề kháng Him Lam bị tiêu diệt hoàn. 2 ngày sau ta đã tiêu diệt cứ điểm Độc Lập, đến ngày 17/3/1954, Bản Kéo bị bức hàng. Như vậy, chỉ sau 5 ngày chiến đấu, phân khu Bắc và Đông Bắc bị thất thủ, mở toang cánh cửa phía Bắc vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, uy hiếp nghiêm trọng sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch. Trong trận đánh mở màn, từ các triền núi trên cao xung quanh lòng chảo, các khẩu pháo của ta đã khiến các khẩu pháo uy lực của quân viễn chinh Pháp trở nên vô tác dụng, Piroth – Chỉ huy pháo binh không thể xác định chính xác vị trí các khẩu pháo của quân đối phương để bắn trả. Bất lực, xấu hổ với những lời nói huênh hoang Piroth đã tự sát bằng quả lựu đạn trong chính căn hầm chỉ huy trận địa pháo của mình ở cầu Mường Thanh vào đêm 15/3/1954.
Phất cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” trên cứ điểm Him Lam
Kết thúc đợt tấn công thứ nhất, quân Pháp đã sử dụng hơn 10.000 quả đạn pháo phản kích lại quân ta nhưng không gây cho pháo binh của ta nhiều tổn thất. Còn về phía Quân đội nhân dân Việt Nam, ta đã bắn gần 2000 viên đạn pháo, một lượng đạn pháo chưa từng được bắn nhiều đến như vậy của quân đội ta
Sang đợt tấn công thứ hai: cùng với các đơn vị cao xạ, sơn pháo và súng cối, pháo 105mm trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E1, chế áp pháo binh của quân Pháp và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở tung thâm phía Đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh của quân Pháp. Trong suốt nhiều ngày tiếp theo của chiến dịch, bộ đội pháo binh tiếp tục “sát cánh” với bộ binh tấn công các cứ điểm của quân Pháp.
Bước sang đợt tiến công thứ ba của chiến dịch, cao điểm phía Đông – cứ điểm C2 cũng được ưu tiên 200 quả đạn pháo 105mm. Ngay sau đó, đại bác của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục chế áp quân Pháp tại cánh đồng Mường Thanh. Lần lượt từng cứ điểm xung quanh hầm chỉ huy của quân Pháp bị tiêu diệt, binh lính Pháp hoảng loạn, nhiều tên vứt súng xuống sông Nậm Rốm, giơ cờ trắng, ra hiệu đầu hàng. Thừa cơ, bộ đội ta từ các hướng tiến lên, bao vây hầm De Castries. Tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luât tiến vào hầm bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của địch. 17 giờ 30 phút, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của “Pháo đài quân sự bất khả xâm phạm”.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh của quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Pháo 105mm của ta lần đầu xuất trận đã thành công trong việc tổ chức đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh mà trước giờ ta chưa từng áp dụng. Pháo 105mm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên chiến thắng quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khẩu pháo 105mm trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là hiện vật tiêu biểu và quý giá là minh chứng cho chiến công của bộ đội pháo binh trong chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.