Là huyện “cửa ngõ” của tỉnh, Tuần Giáo không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn ẩn chứa kho tàng văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc. Vì thế, nhiều năm trở lại đây huyện đã huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”; mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Huyện Tuần Giáo đã xây dựng được nhiều điểm du lịch thu hút du khách, như: Khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass, Pha Đin PU; danh lam thắng cảnh Hang động Há Chớ, Khu căn cứ cách mạng Pú Nhung; di tích khảo cổ cấp quốc gia hang Thẳm Khương (xã Chiềng Đông)... Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: Trung bình hàng năm huyện đón từ 30.000 - 40.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Để phát triển du lịch, ngoài linh hoạt sử dụng các nguồn lực đầu tư; huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án để tạo ra những sản phẩm du lịch mới; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Huyện cũng khuyến khích các đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch chủ động nghiên cứu thị trường, thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch, tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Cùng với các giải pháp trên, huyện đẩy mạnh chương trình quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng phục vụ để thu hút khách. Nhiều đơn vị, cá nhân, cơ sở kinh doanh du lịch đã quan tâm phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng; đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, cải tạo không gian du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Hiện trên địa bàn huyện có 16 cơ sở lưu trú du lịch với trên 200 buồng, phòng; 20 nhà hàng quy mô phục vụ 15 bàn trở lên; một số dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách du lịch phát triển mạnh (karaoke, taxi, vui chơi giải trí cho trẻ em…).

Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đổi mới cách làm du lịch, trên cơ sở bản sắc văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đã và đang tạo điều kiện, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, biến những mảnh đất thuần nông trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách đến thưởng ngoạn, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng. Đơn cử như huyện Tuần Giáo nghiên cứu, xây dựng quy hoạch khu du lịch nước nóng bản Sáng (xã Quài Cang) với diện tích 5,5ha gồm các hạng mục kinh doanh: Bể tắm khoáng, ăn uống, vui chơi, giải trí, nhà nghỉ, du lịch cộng đồng... Các mô hình homestay; khu du lịch văn hóa và sinh thái; mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng... đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tới tham quan, chụp ảnh, kết nối các chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn... Một số bản có thể phục vụ về ẩm thực, văn hóa văn nghệ, tìm hiểu về văn hóa cộng đồng: Bản Sáng (xã Quài Cang), bản Chiềng Chung, Chiềng Khoang (thị trấn Tuần Giáo); Hua Sa A (xã Tỏa Tình), bản Bó (xã Chiềng Đông).

Nằm trên đỉnh đèo Pha Đin hùng vĩ, con đèo nối giữa 2 tỉnh Sơn La - Điện Biên, khu du lịch sinh thái “Pha Đin Pass” được xây dựng từ năm 2016, đến nay đã trở thành điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn thung lũng hoa tràn ngập sắc màu; không gian nghỉ ngơi, vui chơi, chụp ảnh với ngọn đồi. Khu du lịch sinh thái “Pha Đin Pass” đón từ 150 - 200 khách/ngày; thứ bảy và chủ nhật đón 500 - 700 khách. Bà Trần Thị Mỹ Linh, Giám đốc Hợp tác xã Pha Đin - chủ sở hữu Pha Đin Pass chia sẻ: Để thu hút du khách, khu du lịch đã và đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đầu tư nhiều cho không gian, cơ sở vật chất (chòi, tiểu cảnh...); trang hoàng các địa điểm để du khách đến chụp ảnh và tận hưởng những khoảnh khắc hòa mình cùng cây cỏ, hoa lá...

Theo Báo Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.149.784
Online: 124