Ngày 17-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Trong đó, đồng chí nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nền tảng tinh thần của xã hội
Trong bài viết nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định giá trị và sức mạnh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, nhấn mạnh quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946). Cũng cần nhắc lại ý kiến (năm 1988) của Tổng Thư ký Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Federico Mayor: “Kinh nghiệm của hai thập niên qua cho thấy rằng, trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau... Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều...”.
Như vậy, ở cả trong nước lẫn bình diện quốc tế, văn hóa luôn được xem là có vị trí quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của đất nước. Sở dĩ văn hóa có được vị trí đặc biệt quan trọng như vậy vì văn hóa là tài sản tinh thần quý giá nhất của dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 đã nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Giá trị văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Đây là những tài sản hết sức quý báu, trở thành nền tảng, hành trang để dân tộc ta tiến bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Do văn hóa là những giá trị, lịch sử, truyền thống nên văn hóa chính là cột mốc chủ quyền quốc gia quan trọng nhất. Kinh nghiệm lịch sử trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, văn hóa còn thì đất nước còn; văn hóa mất thì đất nước mất; văn hóa suy vong thì đất nước nguy vong. Những chia sẻ về giá trị, những câu chuyện lịch sử đã giúp đất nước hình thành ý thức chung về quốc gia - dân tộc, hình thành nên truyền thống yêu nước, đoàn kết để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi kẻ thù, cho dù kẻ thù đó có hùng mạnh đến đâu chăng nữa. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đền thờ Quốc tổ vua Hùng, thờ Đức Thánh Trần, thờ Mẫu Tam Phủ, chính là những cột mốc chủ quyền của người Việt, thể hiện tâm hồn và ý thức về Việt Nam. Cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất, trường tồn nhất.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo
Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Như vậy, nếu không hướng đến mục tiêu văn hóa, mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ trở nên vô nghĩa.
Không chỉ có những giá trị tinh thần, văn hóa giờ đây còn đang chứng minh những giá trị vật chất của mình. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo đang là một xu thế mới, mang tính đột phá cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và đúng với cả Thủ đô Hà Nội. Các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo có doanh thu cao và tốc độ tăng trưởng luôn gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của mỗi quốc gia. Đây là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa, trong đó tài năng sáng tạo và vốn văn hóa chính là lợi thế của chúng ta. Hơn nữa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo không chỉ khai thác những giá trị, tiềm năng của văn hóa cho phát triển kinh tế, mà còn là cách chúng ta xây dựng sức mạnh mềm cho đất nước.
Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là định hướng rất quan trọng để văn hóa góp sức vào sự phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thành phố, trung tâm sáng tạo như Hà Nội vừa được UNESCO vinh danh cuối tháng 10-2019, sẽ là những điểm nhấn để hình thành hướng đi mới cho sự phát triển đất nước. Ở đó, các thành phố thông minh, không gian sáng tạo trở thành hạt nhân không chỉ đối với sự phát triển kinh tế mà còn tạo ra những xã hội đáng sống trong tương lai. Ở đó, Hà Nội, với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội diễn ra trong năm, khoảng 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu chính là những chất liệu cho sáng tạo để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của Thủ đô.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho chúng ta thấy bài học quan trọng của tập trung phát triển văn hóa đất nước, củng cố thêm quan điểm của Đảng ta trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 về “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Đó cũng là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô”.
Hà Nội - thành phố ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo của UNESCO - chắc chắn là thành phố hội tụ và tỏa sáng những tinh hoa văn hóa của đất nước. Những giá trị văn hóa đã, đang và sẽ làm nên bản sắc và sự độc đáo, kết tinh trong những con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, giúp Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực và trên thế giới như cam kết và cũng là kỳ vọng của chúng ta với UNESCO và với chính dân tộc Việt Nam.