Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, đa dân tộc với 19 dân tộc cùng đoàn kết sinh sống. Trải qua quá trình lịch sử, các dân tộc đã lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo nên nền văn hóa chung của Điện Biên vừa phong phú, đa dạng, vừa mang bản sắc riêng độc đáo. Để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh Điện Biên bên cạnh bảo tồn, phát huy những giá trị tiến bộ, tích cực đã từng bước đẩy lùi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Trong nhiều năm qua, cùng với những thay đổi, phát triển đi lên chung của nền kinh tế - xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại, trở thành rào cản cho việc xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ. Bên cạnh đó, những mặt trái của nền kinh tế thị trường và giao lưu văn hóa đã làm phát sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh, đặc biệt phổ biến là hiện tượng tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, mê tín dị đoan. Những hiện tượng trên trở thành vấn đề xã hội nhức nhối, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, phá hoại thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới đời sống tinh thần vật chất của nhân dân.

Nhìn nhận thực trạng này, Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo, thuỷ chung của dân tộc. Xuyên suốt là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được Đảng khởi xướng và cả nước chung tay thực hiện cùng nhiều Chỉ thị của Đảng, Chính phủ như Chỉ thị số 27-CT/TW ngày về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trên cơ sở đó, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Với sự đồng thuận của đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Điện Biên đã được đẩy mạnh, thiết thực bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp đồng bộ với các địa phương trong toàn tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đưa tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào xây dựng và thực hiện quy ước thôn, bản, tổ dân phố và bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá; nhân rộng các mô hình, điển hình văn minh, tiến bộ, tiết kiệm. Đấu tranh, phê phán những trường hợp tổ chức lễ cưới, lễ tang linh đình, phô trương, lãng phí, vụ lợi, bài trừ các hủ tục.

Qua nhiều năm triển khai, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước chuyển biến căn bản và nhất định, các nghi lễ rườm rà, tốn kém, các hủ tục lạc hậu trong quá trình tổ chức đã dần được rút gọn, giảm bớt. Hầu hết các lễ cưới trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình. Các đôi nam nữ trước khi tiến hành đám cưới đều đăng ký kết hôn, hiện tượng tảo hôn đã giảm so với các năm trước, không có hiện tượng thách cưới, ép duyên. Đám cưới được tổ chức vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống dân tộc, điều kiện kinh tế gia đình. Việc cưới vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục vừa đúng với nếp sống văn hoá mới đã góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc. Từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 7.283 đám cưới, trong đó có 6.984 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh chiếm 95,9%.

Trong việc tang cũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhân dân thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước của thôn, bản, tổ dân phố về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai tử. Việc tổ chức đám tang đều thực hiện đúng những quy định về giữ gìn vệ sinh trong việc chôn cất. Các hủ tục trong tổ chức đám tang dần được xoá bỏ, không tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày, không mê tín, đảm bảo theo phong tục lễ nghi của địa phương và quy định quy ước của khu dân cư. Giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh có có 3.899 đám tang, trong đó có 3.745 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh chiếm 96,1%. Có 349 đám tang thực hiện hỏa táng.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật với chủ trương lành mạnh, tiết kiệm phù hợp với thuần phong mỹ tục nhằm ôn lại truyền thống và giữ gìn những giá trị tốt đẹp. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên với các hoạt động lễ hội. Thông qua công tác thanh, kiểm tra lễ hội cho thấy nghi thức được tiến hành trang nghiêm, đúng nội quy, quy định của ban tổ chức, trang phục tham gia lễ hội đẹp, lịch sự phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, các hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà đã giảm bớt; các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung bổ ích, lành mạnh được tổ chức phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của từng lễ hội.

Có thể thấy, với sự tích cực triển khai của ngành chức năng và các địa phương, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại Điện Biên đã được triển khai có hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Tiêu biểu như nhận thức trách nhiệm và công tác chỉ đạo, kiểm tra tại một số địa bàn còn thiếu tính kịp thời, các biện pháp phê bình, điều chỉnh còn chưa cụ thể. Công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, nhất là đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Một bộ phận người dân vẫn tổ chức đám cưới, lễ tang linh đình, lãng phí. Ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại nạn tảo hôn, không đăng ký kết hôn trước khi cưới, trong tang ma vẫn còn lưu giữ một số phong tục, hủ tục lạc hậu; hiện tượng mê tín dị đoan còn khá đậm nét thể hiện qua việc xem ngày, giờ; nhiều người dân còn nhận thức chưa đúng về tín ngưỡng, tâm linh dẫn đến vẫn còn hiện tượng lợi dụng hoạt động lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan như xem bói, rút thẻ, giải hạn…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng thời phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tỉnh Điện Biên cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng vào các cán bộ đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; rà soát, hướng dẫn những nghi thức cưới, tang phù hợp vào quy ước của thôn, bản, tổ dân phố; gắn nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang với bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nhân rộng các điển hình tiên tiến và hạt nhân tích cực. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ cơ sở; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm để chỉ đạo sát sao trong việc thực hiện nếp sống văn minh.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp, việc thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó tạo sự đồng thuận, sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, hình thành môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh; góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.291.989
Online: 63