Sáng ngày 24-11-1946, trong khi trên nhiều đường phố chính của Hà Nội, các loại xe cơ giới, xe bọc thép, cùng các loại sắc lính của thực dân Pháp trang bị nhiều loại vũ khí đi lại nghênh ngang khiêu khích, chuẩn bị gây chiến để chiếm nước ta một lần nữa, tại Nhà hát lớn Hà Nội, hơn 200 văn nghệ sĩ- trí thức khắp Trung - Nam - Bắc đã họp Hội nghị Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất. Hội nghị nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa dân tộc.Chương trình dự kiến họp 3 ngày, nhưng do tình hình chiến sự căng thẳng, nên chỉ rút lại trong một ngày.

Đang phải lo giải quyết trăm ngàn công việc, khi thù trong giặc ngoài ngổn ngang, Nhà nước mới còn nhiều việc cần trực tiếp giải quyết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tới dự và có bài phát biểu dài đến 40 phút. Người tha thiết mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Hãy học tập cái hay của văn hóa Đông – Tây để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.Chính tại diễn đàn này, Người đã khẳng định:

Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và tự chủ. ( Báo Cứu quốc số 416 ngày 25-11-1946 ).

Kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất (1946- 2021): Tiếp tục thắp sáng ngọn đèn "soi đường cho quốc dân đi" - Ảnh 1.Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nghệ sĩ nhiếp ảnh. (Ảnh tư liệu/nhandan.vn))

Trở lại thời điểm lịch sử 1945-1946. Sau Cách mạng tháng 8, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố việc ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ - Cộng hòa.Nhưng mấy năm liền, không nước nào công nhận nền độc lập của nhà nước non trẻ. Giữa trùng vây kẻ thù : 2 vạn quân Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật, các Đảng phái đối lập gây rối, thực dân Pháp tìm cách lập lại nền thống trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn một nước đi táo bạo : Xông thẳng vào nước Pháp, buộc họ thương lượng, nghĩa là một cách công nhận Nhà nước Việt Nam mới. Người đã có một chuyến công du ngoại giao kỷ lục : Gần 5 tháng trên đất Pháp, từ 31-5 đến 20-10-1946( rời nước Pháp ngày 18-9 ).Nhưng khi , Người sang, Chính phủ mới của Pháp chưa thành lập để đón tiếp chính thức, và tiến hành thương lượng. Trong thời gian đó, người đã có nhiều hoạt động, tiếp xúc với Việt kiều, các bạn bè Pháp mà người đã thân quen từ những năm 1917-1922, các nhà văn hóa lớn, báo chí rộng rãi để tuyên truyền và giới thiệu về Nhà nước mới. Đặc biệt, Ban tổ chức Hội nghị văn hóa toàn nước Pháp có ý mời Người tham dự- Người vốn là một nhà báo, nhà văn từng có nhiều tác phẩm xuất bản ở đây- nhưng do Nhà nước Pháp chưa tổ chức chính thức lễ đón nguyên thủ quốc gia, nên Người phải từ chối. Sau Hội nghị, nhiều nhà văn hóa, nghệ sĩ lớn đã tới thăm Người và bày tỏ sự ủng hộ đối với nền Độc lập của Việt Nam.Rất có thể, đó là thêm một gợi ý, để ngay khi trở về nước, mặc dầu tình hình chính trị đang rất rối ren, Người vẫn quyết định triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đích thân Người tới dự và nói chuyện với các đại biểu. Trong câu chuyện, Người có kể lại việc Đại hội Văn hóa toàn nước Pháp mời Người.

Thời gian không nhiều, nhưng nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ đã đóng góp sôi nổi, biểu thị quyết tâm xây dựng một nền văn hóa mới. Chúng ta đều biết, ngay từ năm 1943, Tổ chức Văn hóa Cứu quốc đã ra đời, với bản Đề cương Văn hóa lịch sử, nêu rõ những tính chất cơ bản của nền văn hóa mới : Dân tộc- Khoa học- Đại chúng. Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng đã có mặt, là nòng cốt cho mặt trận văn hóa mới. Non một tháng sau, toàn quốc kháng chiến, hầu hết văn nghệ sĩ tham gia Hội nghị đã có mặt ở các vùng hậu cứ kháng chiến. Nhà thơ Thanh Tịnh từ Huế ra dự, những ngày đó tản cư lên vùng Chèm – Vẽ. Trên đường lên Việt Bắc, từ những buổi nói chuyện, tuyên truyền, thông tin tin chiến sự, kể những mẩu chuyện kháng chiến cho dễ nghe, đã sáng tạo ra thể loại văn vần, gọi là Độc tấu. Nhà thơ tham gia kháng chiến, rồi nhập ngũ trong đội hình Đoàn kịch Chiến thắng. Ba mươi năm Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân.Ngày rời Huế, để lại vợ và hai con thơ. Ngày trở về, gia đình tan tác.Một số văn nghệ sĩ Nam Bộ như Lưu Hữu Phước, Diệp Minh Châu.. cũng không kịp trở về, nên ở lại và theo các cơ quan lên Việt Bắc. Sau những ngày tùy nghi di tản, từng địa bàn, bắt đầu tập hợp để hoạt động, nên các trung tâm như Khu III, Khu IV, Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Khu X, các cơ quan Dân Chính, đơn vị quân đội dần được tổ chức, ra khá nhiều báo, tạp chí. Phần thơ văn luôn được chú ý, bên cạnh tin tức chiến sự và tăng gia sản xuất.

Lý do lịch sử, là từ đầu năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn phòng ngự, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc Thi đua Ái quốc. Các đoàn thể quần chúng lần lượt tiến hành các Hội nghị, củng cố tổ chức, phát động thi đua sản xuất và giết giặc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba- Phú Thọ trong 5 ngày, từ 16-20-7-1948, với hơn 200 đại biểu trí thức toàn quốc.Hội nghị được nhận thư của Hồ Chủ tịch, và Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, trình bày bản báo cáo lịch sử Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam.Đây là Văn kiện hoàn chĩnh đầu tiên về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng, cụ thể hóa và phát triển những luận điểm cơ bản của bản Đề cương Văn hóa Cứu quốc năm 1943. Đại hội đã chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam. Hội nghị nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng Danh dự. Ủy ban chấp hành: Hội trưởng : Đặng Thai Mai.

Tiếp đó, cũng gần địa điểm này, hơn 80 Văn nghệ sĩ đã dự Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần đầu tiên từ 23-25 tháng 7- 1948, có ý nghĩa như một Đại Hội thành lập chính thức Hội Văn nghệ Việt Nam, ngày 25-7-1948.

Kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất (1946- 2021): Tiếp tục thắp sáng ngọn đèn "soi đường cho quốc dân đi" - Ảnh 2.Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân (Ảnh tư liệu/baovanhoa.vn)

Hội nghị nằm trong phong Trào Thi đua Ái quốc, nên có một nội dung quan trọng là phát động cuộc thi dưới khẩu hiệu : Văn, Họa, Nhạc, Kịch thi đua sáng tác. Có các bản Giao kèo được ký giữa các tập thể, và các cá nhân. Hội trưởng Hội Văn hóa Việt Nam Đặng Thai Mai, Đoàn Văn nghệ Khu IV, Đoàn Sân Khấu Việt Nam, Đoàn Kiến trúc Việt Nam vừa được thành lập trong Đại hội đã treo các Giải thưởng có giá trị bằng tiền. Độc đáo nhất là nhà văn Nguyên Hồng, từ ngày kháng chiến đưa gia đình về ấp Cầu Đen (Còn có tên Ấp Đồi Cháy ) cày ruộng, chăn nuôi, treo thưởng hai gánh thóc và hai con gà cho một bài thơ hay, một truyện ngắn có giá trị. Nhà văn Nguyễn Công Hoan yêu cầu đích thân Nguyên Hồng gánh thóc tới cho người được giải. Một ai đó yêu cầu, tặng gạo thì tiện hơn !

Cũng trong Đại hội, nhiều nhóm nghệ sĩ ký kết thi đua với những con số tác phẩm trong thời gian cụ thể Thơ : Huy Cận,Xuân Diệu, Tố Hữu,Xuân Sanh, Anh Thơ,Lê Đại Thanh, Trần Huyền Trân, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, hẹn đến cuối 1948, mỗi người làm được 5 bài thơ, trong đó ít nhất, có 1 bài thơ hay.Những bài khá nhất sẽ in một tập thơ chung, Các ngành Nhạc, Họa, Kịch, Tiểu thuyết đều có những tác giả đăng ký những chỉ tiêu tác phẩm cụ thể, có cả mấy tiểu thuyết. Đoàn Văn nghệ Khu IV còn có chỉ tiêu tập thể về số lượng tác phẩm cho các loại hình nghệ thuật. Không chỉ sáng tác, mà còn xuất bản,, biểu diễn, triển lãm…

Sở dĩ, sau Đại hội, đặt rất trọng vấn đề sáng tác, là vì có một thực tế, sau cả ngàn ngày kháng chiến, hầu hết văn nghệ sĩ, tham gia mọi công việc, vì lòng yêu nước, căm thù bọn xâm lược, nhưng vẫn chưa tìm ra tiếng nói nghệ thuật MỚI mà cuộc sống yêu cầu. Quá trình Nhận đường ( Tên một bài viết của Nguyên Đình Thi ), gần như đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm. Nhà văn hiện thực tiêu biểu nhất của thế kỷ XX, từng có nhiều tác phẩm về những người dân nghèo trong xã hội cũ là Nam Cao ( 1917- 1951 ), trong mấy kỳ Nhật ký Ở Rừng ( Văn Nghệ số 6- tháng 10-11 và số 7 tháng 12-1948), đã thể hiện rất rõ nỗi dằn vặt của một nhà văn từng nổi tiếng trong chế độ cũ, mà vẫn thấy bất lực trong sáng tác, dù sống gần, sống và làm những việc cuộc kháng chiến yêu cầu một cách tích cực.

Trong Hội nghị Tuyên truyền toàn quốc lần thứ 3, tổ chức vào các ngày 19 đến 22-6-1948, nhà văn Nguyễn Đình Lạp, Trưởng ban Văn nghệ Quân đội Liên khu IV trong báo cáo, sau khi tổng kết văn thơ của bộ đội, đã nói: Thực ra mà nói, các văn nghệ sĩ tự nguyện nhập ngũ là có ý đi tìm lối thoát cho chính bản thân họ, tâm hồn họ. Họ đi tìm một nhân loại linh động nhất, hy sinh nhất, tích cực tranh đấu nhất để mong rũ bỏ cái bế tắc, ngột ngạt của sự sáng tác trong bấy lâu nay. Quả là một bầu trời mới. Họ đã bắt đầu nhận thấy những tia nắng hồng, những ngọn gió mát. Lồng ngực họ đã thở đều đặn, Họ đã sống lại. Và nhiều tác phẩm nho nhỏ đã thấy xuất hiện với những tình cảm đằm thắm.

Từ tâm sự, nhận định về sáng tác Văn học nghệ thuật giai đoạn này của chính người trong cuộc cho chúng ta thấy cuộc vận động chuyển mình từ từng cá nhân nghệ sĩ riêng lẻ, cô đơn, hành nghề tự do, được Cách mạng và Kháng chiến động viên, tập hợp vào những đoàn thể , tổ chức nghề nghiệp, có mục tiêu, lý tưởng xã hội cụ thể, để có nhiều sáng tác nhằm xây dựng một Nền văn nghệ mới là những hoạt động sáng tạo , có tầm nhìn xa, vừa về tổ chức, lý luận, phương pháp sáng tác, …của Đảng ta, ngay cả trong những thời điểm đất nước khó khăn nhất.

Kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất (1946- 2021): Tiếp tục thắp sáng ngọn đèn "soi đường cho quốc dân đi" - Ảnh 3.Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở (Ảnh tư liệu/dangcongsan.vn)

Để làm rõ hơn vai trò của Văn hóa – văn nghệ, và Văn nghệ sĩ trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc,trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : Văn hóa- Nghệ thuật cũng là một mặt trận.Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.Cũng như các chiến sĩ khác,chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến,phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là Công Nông Binh.Văn học nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài,mà phải ở trong kinh tế và chính trị.

Có một cứ liệu lịch sử bằng Văn bản đặc biêt là ngay từ năm 1949, mở đầu bản báo cáo về Văn thơ bộ đội, tác giả của Tống biệt hành, đã phát hiện : Hồ Chủ tịch không rảnh việc nước, nhưng khi nghe giao thông chạy ngựa đưa tới tin thắng trận liên tiếp,nhưng khi nghe du kích đi giết giặc đã quay về với tiếng tù và dưới núi, vị Cha già của chúng ta cũng rung cảm thành thơ. Mà cả những bức thư từ hơn ba năm nay Người gởi cho mọi từng lớp dân chúng thời thường cũng là thơ, những đoạn văn có vần.Chúng ta đọc một lần, không bao giờ quên được.

Hồ Chủ tịch là Người lính số Một của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người lính số Một, trong khi đuổi giặc vẫn làm thơ. Vì hay thơ là một trong những dân tộc tính của chúng ta. Tiếp tục truyền thống văn nghệ ấy, những người lính con cháu đứng dậy cầm súng giết giặc giữ nước ngay từ phút đầu cũng đã rập với tiếng đạn nổ ngân lên những vần thơ - mầm mống của văn nghệ bộ đội mà hôm nay chúng tôi có dịp trình bày trước Hội nghị.

May mắn cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là Người Anh hùng Giải phóng dân tộc, mà còn là một Danh nhân Văn hóa được quốc tế tôn vinh, Người đã luôn nêu cao ngọn cờ Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi, bằng chính cuộc đời của Người.

Nhìn lại chặng đường 75 năm Văn hóa - văn nghệ tham gia vào cuộc cách mạng và kháng chiến của dân tộc, lớp hậu sinh trân trọng và tự hào về những sáng tác văn học nghệ thuật mỗi thời kỳ, mà ngày nay vẫn hiện diện trong Những giai điệu tự hào thuộc mọi loại hình nghệ thuật. Trên những nẻo đường kháng chiến, tại nhiều chiến trường, hàng trăm văn nghệ sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đang thời kỳ sáng tác sung sức. Tên tuổi, tác phẩm, và cuộc đời của các Văn nghệ sĩ tài năng tham gia sáng lập những Tổ chức Văn nghệ Cách mạng và kháng chiến - mãi mãi nằm trong lòng kính yêu, trân trọng của nhân dân, có ý nghĩa nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ với công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

(Các trích dẫn trong bài ,sử dụng Tư liệu trong Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954 của NXB Hội Nhà Văn – 1998 và Tập Văn Cách mạng và Kháng chiến – Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản -1949)

Theo Cổng TTĐT BỘ VHTTDL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.149.276
Online: 63