Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ và Phó Chủ tịch TP Hải Phòng Lê Khắc Nam tặng hoa cho Hội đồng Nghệ thuật

Tới dự Lễ Khai mạc có TS. Trịnh Thị Thủy- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan; Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố Hải Phòng - Thành viên Ban chỉ đạo; Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo; Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng - Đồng Trưởng Ban Tổ chức; Ông Phạm Xuân Thanh, Bí thư Đảng Ủy khối các cơ quan Thành phố Hải Phòng…. đại diện lãnh đạo các cơ quan Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các Sở, Ban, ngành thành phố Hải Phòng.
Tham gia Liên hoan có 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc, trong đó, 18 đơn vị thuộc khu vực phía Bắc và 01 đơn vị thuộc khu vực phía Nam cùng hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên. Liên hoan được tổ chức định kỳ 03 năm một lần theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt. Vì vậy, mỗi kỳ liên hoan là một cơ hội nghề nghiệp để các nghệ sĩ, diên viên cùng giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tìm ra những tài năng nghệ thuật trẻ kế tiếp để quan tâm bồi dưỡng, là nơi để tôn vinh các đơn vị, nghệ sĩ, diễn viên đã cống hiến tài năng, công sức để ngành biểu diễn nghệ thuật ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Đó cũng là ý nghĩa của Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 lần này. 
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực phòng, chống đại dịch Covid-19. Vì vậy, Ban Tổ chức đã quán triệt việc thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thành phố Hải Phòng về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tạm thời về phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần 5K. Các đại biểu và khán giả đeo khẩu trang, khai báo y tế và ngồi giãn cách. Nhà hát chỉ đón tối đa 50% lượng khách vào xem. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL, TS Trịnh Thị Thuỷ phát biểu khai mạc Liên hoan

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng  Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh: Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh gần 2 năm qua, thế giới nói chung, Việt Nam của chúng ta nói riêng đã chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch phải hủy bỏ hoặc tạm dừng trong thời gian dài để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung ưu tiên cho việc bảo vệ sức khoẻ của người dân. Đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, vì vậy trong thời gian qua mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng sức sáng tạo trong lao động nghệ thuật của các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không ngừng nghỉ. Nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật hay, có chủ đề tư tưởng, chất lượng tốt đã kịp thời truyền tải những thông điệp có ý nghĩa của ngành văn hoá, thể thao và du lịch gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước và đã lay động mọi trái tim, mang đến một cảm xúc mãnh liệt, đó là sự xúc động, lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để cùng nhân dân cả nước chung tay chiến thắng đại dịch. 
Theo Thứ trưởng, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 được tổ chức, chính là kết quả tích cực từ sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của nhân dân cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh, cùng chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, tinh thần lan tỏa thông điệp tích cực của Bộ VHTTDL, tạo lập môi trường để các nghệ sĩ, diễn viên có điều kiện thể hiện tài năng trên sân khấu biểu diễn, cống hiến cho khán giả những chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, Liên hoan cũng là dịp để cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành văn hoá nói chung, các nghệ sĩ, diễn viên nói riêng thể hiện quyết tâm cùng nhau thi đua lập thành tích chào mừng Hội nghị Văn hoá toàn quốc được sẽ tổ chức vào ngày 24.11 tại Thủ đô Hà Nội.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai đồng Trưởng Ban Tổ chức liên hoan tặng hoa cho đại diện các đơn vị tham dự Liên hoan

Theo quy định của Ban Tổ chức, mỗi đơn vị nghệ thuật được đăng ký tham gia 01 chương trình có thời lượng từ 80 phút đến 110 phút và phải đảm bảo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền của nghệ sỹ biểu diễn. Mỗi đơn vị được lựa chọn chương trình biểu diễn ở cả 03 loại hình Ca, Múa, Nhạc. Về Thanh nhạc: Bao gồm ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng; Hình thức biểu diễn: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca; Phần ca, nhạc đệm phải được các nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp. Về biểu diễn Múa: Bao gồm kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, tác phẩm múa ngắn; Hình thức biểu diễn: múa ít người, múa tập thể. Về Khí nhạc: Gồm các tác phẩm âm nhạc dành cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc điện tử hoặc phối hợp giữa các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ điện tử; Hình thức biểu diễn: độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu và hòa tấu; Phần nhạc đệm phải được các nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp. Các tác phẩm hướng tới chủ đề ca ngợi đất nước, quê hương và con người Việt Nam trong thời đại mới với những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất đạo đức trong sáng, sự đoàn kết, giúp đỡ, san sẻ yêu thương… Đối với các chương trình, có kết cấu, bố cục chặt chẽ xuyên suốt chủ đề, nêu bật được tư tưởng của tác phẩm. Có sự kết hợp hòa âm phối khí, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tạo hiệu ứng sân khấu. Đối với các tiết mục biểu diễn của các cá nhân, có sự nhuần nhuyễn các yếu tố ca, múa, nhạc, phối với trang phục, đạo cụ tạo nên sự hài hòa, độc đáo, gây ấn tượng, thu hút khán giả. Ban tổ chức khuyến khích các đơn vị, cá nhân xây dựng các chương trình, tiết mục phong phú, có sự làm mới, sáng tạo và đa dạng hóa  hình thức trình diễn, tạo dấu ấn vùng miền và phong cách riêng của cá nhân, đơn vị.
 

 

Chương trình nghệ thuật chào mừng khai mạc Liên hoan Đoàn Ca Múa Hải Phòng

Mở đầu Lễ khai mạc là phần văn nghệ chào mừng của Đoàn Ca múa Hải Phòng với 03 tiết mục: Hát múa “Hào khí Đại Việt”; Đơn ca và múa đôi “Thành phố Hoa thắp lửa”; Hát múa “Hải Phòng hướng ra biển lớn”. Các tiết mục của Đoàn đã khơi dậy không khí vui tươi, đầy tin tưởng và tự hào về thành phố biển rực màu hoa phượng đỏ đầy thơ mộng “Thắp lửa mùa hè và ngày ngày thủy triều đi qua bồng bềnh nỗi nhớ”. Thành phố đang “Hướng ra biển lớn”, đúng như lời phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam “Hải Phòng không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm của đất nước mà còn là trung tâm tiếp nhận và giao thoa văn hóa thế giới, nơi hội tụ và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại”.

 

 

Chương trình dự thi đầu tiên của Liên hoan là "Đêm huyền diệu" của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã tạo ấn tượng rất tốt

Sau Lễ khai mạc là chương trình tham gia của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Với sự chỉ đạo nghệ thuật và tổng đạo diễn của NSƯT Khánh Toàn, chương trình “Đêm huyền diệu” đã đem đến cho khán giả của Liên hoan được xem những màn nghệ thuật đậm phong vị đời sống, văn hóa của con người vùng Tây Bắc.   
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 28/11/2021. Lễ Bế mạc, tổng kết và trao giải thưởng sẽ diễn vào ngày 28/11/2021 tại Nhà Hát Tháng TámThành phố Hải Phòng.

Theo Trang thông tin Điện tử Cục Nghệ thuật biểu diễn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.149.466
Online: 183