Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc. Chiến thắng vĩ đại ấy không những là đề tài khai thác cho hoạt động nghiên cứu lịch sử mà còn là một đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ, họa sỹ sáng tác lên các tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong đó có ông Nguyễn Văn Mạc - Chủ trì vẽ bức tranh toàn cảnh, tái hiện lại những khoảnh khắc tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Văn Mạc sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với năng khiếu bẩm sinh về cảm thụ nghệ thuật cùng với đó là sự tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, đồng thời, ông đã có nhiều năm gắn bó trong lĩnh vực Di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó, ông đã có nhiều công trình, tác phẩm nổi tiếng đạt giải A trong các cuộc thi sáng tác về tượng đài và công trình văn hóa. Ông cũng là người chủ trì thiết kế và thi công hệ thống trưng bày của Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào năm 2014. Khi đến và làm việc tại mảnh đất Điện Biên, ông càng cảm nhận sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không chỉ đối với lịch sử của đất nước mà còn là bước ngoặt trong lịch sử thế giới. Đó là niềm hứng khởi, là mạch nguồn sáng tạo thôi thúc ông lựa chọn và quyết tâm thực hiện một tác phẩm hội hoạ hoành tráng bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Ông Nguyễn Văn Mạc - Chủ trì vẽ bức tranh toàn cảnh, tái hiện lại những khoảnh khắc tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ

Trước khi thực hiện bức tranh, việc lựa chọn hình thức thể hiện, chất liệu vẽ tranh cũng là một khâu quan trọng và ông Nguyễn Văn Mạc đã lựa chọn lựa chọn chất liệu vẽ tranh là sơn dầu trên nền vải toan vì chất liệu sơn dầu rất bền vững, sang trọng, và quý trong hội họa, thể hiện được những cái mình cần thể hiện (những góc khuất, sáng tối, bóng đổ) để có thể phối hợp ánh sáng, âm nhạc tạo sự sống động, chân thực.

Để thực hiện tác phẩm đồ sộ này, Công ty TNHHMTV Bảo tồn di sản văn hóa đã mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Lịch sử, quân sự, mỹ thuật, các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, các đạo diễn phim, nhà điêu khắc có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia tư vấn trong quá trình nghiên cứu, thu thập tranh ảnh, phim tư liệu lịch sử tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Việc tổ chức viết đề cương nội dung thể hiện Bức tranh và lên phác tranh diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017.

Đến tháng 11/2019 những nét vẽ đầu tiên được thực hiện tại tầng 2, công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với sự góp mặt của hơn 200 họa sỹ và nhà điêu khắc trẻ tài hoa đến từ khắp các vùng miền đất nước

Ông Nguyễn Văn Mạc - Chủ trì thực hiện bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: “Chúng tôi có gần 1.000 ngày để thể hiện bức tranh đó bằng tất cả những bút pháp về hội họa, sắp đặt, ánh sáng, âm nhạc để trở thành một công trình tổng hòa mang tầm cỡ lớn”. Quá trình vẽ tranh, ông đã luôn theo sát nhóm họa sĩ để chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ trên tranh, có phần trên tranh đã phải xóa đi và vẽ lại rất nhiều lần để thể hiện đúng và sâu sắc về ý tưởng của tác giả cũng như nội dung lịch sử phù hợp.

Các họa sỹ trong quá trình thực hiện bức tranh

Ông cũng từng chia sẻ về phần sắp đặt hiện vật phía dưới tranh: Đây là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện, phải thể hiện bố cục đắp nổi và sắp đặt, sâu chuỗi hiện vật có nội dung “ăn nhập” với phần tranh để tạo sự hài hòa cho tổng thể không gian tranh. Vì thế có những ngày, ông đã ngồi trầm ngâm hàng tiếng đồng hồ để đưa ra sự chỉ đạo chính xác tới họa sỹ và nhà điêu khắc trong quá trình thi công bức tranh.

Trải qua gần 2 năm miệt mài và tâm huyết vẽ tranh, đến năm 2021 tác phẩm đã cơ bản được hoàn thiện, gồm 4 trường đoạn:  “Toàn dân ra trận” - là trường đoạn 1 với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến, phá đá mở đường, kéo pháo chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; Kế tiếp là trường đoạn “Khúc dạo đầu hùng tráng” - với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta; Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, giây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa; Trường đoạn 4 là khung cảnh hào hùng về “Chiến thắng” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên, với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Những khoảnh khắc tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện hết sức sinh động và hùng tráng

Qua tác phẩm này, ông Nguyễn Văn Mạc cùng nhóm họa sỹ mong muốn gửi đến người xem những thông điệp về khát vọng giành độc lập tự do của cả một dân tộc, ý chí quật khởi, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đây là tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật mỹ thuật, hội họa, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, tạo điểm nhấn thu hút du khách về với Điện Biên. Và một lần nữa khẳng định được đỉnh cao của nghệ thuật hội họa Việt Nam đã làm nên một tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử, có một không hai tại Đông Nam Á, đúng như lời tác giả Nguyễn Văn Mạc đã từng khẳng định “Lịch sử của Việt Nam là phải do người Việt Nam thể hiện”.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.155.508
Online: 52