Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500 km; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (nước CHND Trung Hoa), phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Phong Sa Ly và Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào).

Trên các tuyến biên giới có cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc; cửa khẩu chính Huổi Puốc - Na Son; cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả; lối mở A Pa Chải - Long Phú. Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ đảm bảo kết nối với các tỉnh trong khu vực, Điện Biên đang tiếp tục được đầu tư và khai thác đường bay với thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt vào năm 1841. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Theo truyền thuyết của người dân Thái, Điện Biên còn có tên gọi là Mường Then (Mường Thanh) nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết “Quả bầu mẹ”.

Điện Biên - Vùng đất thần thoại và lịch sử hào hùng

Ngược dòng lịch sử, Điện Biên là vùng đất từ xa xưa con người đã cư ngụ và sinh sống, gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của người Việt. Điều này được minh chứng thông qua những công cụ lao động bằng đá, bằng xương được phát hiện tại hang Thẳm Khương và hang Thẳm Púa, huyện Tuần Giáo. Bước sang thời kỳ đồ đồng con người đã chế tạo ra những công cụ lao động bằng đồng thay thế những công cụ lao động bằng đá thô sơ. Tinh hoa của thời kỳ phải kể đến là kỹ thuật đúc trống đồng. Việc phát hiện ra những chiếc trống đồng ở thời kỳ này trên địa bàn huyện Mường Ảng cho thấy con người có mặt trên mảnh đất Điện Biên từ hàng vạn năm trước và liên tục cho đến ngày nay.

Trải qua các triều đại phong kiến độc lập tự chủ từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Điện Biên vẫn giữ vững vai trò là mảnh đất phên giậu quan trọng của đất nước. Khi xưa, Mường Thanh là vùng đất do các chúa Lự cai quản. Để chống lại các thế lực phong kiến phương Bắc sang quấy phá vùng đất Mường Thanh, các chúa Lự đã cho xây dựng Thành Sam Mứn (còn gọi là thành Tam Vạn). Tòa thành được đắp bằng đất với diện tích gần 400 ha, bên ngoài có hệ thống hào và trồng tre bao bọc.

Vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, Lạng Chượng là con trai của Tạo Lò (vị chúa cai trị người Thái ở vùng Mường Lò - Yên Bái), đã đưa người dân tộc Thái thiên di đến sinh sống tại vùng đất Mường Thanh, tạo bản lập mường, gây dựng nên một vùng Mường Trời huyền thoại. Mường Thanh là địa linh hội tụ. Từ nơi rừng xanh núi đỏ đã biến thành một vùng đất đai trù mật một bể văn hóa với lấp lang trầm tích ngàn năm.

Đến thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến Lê - Trịnh bạc nhược, mâu thuẫn đã gây ra nhiều sự bất ổn trong nhân dân. Nhân cơ hội đó giặc Phẻ (từ phương Bắc) do Phạ Chẩu Tín Toòng cầm đầu từ miền Thượng Lào tràn sang đánh chiếm vùng đất Mường Thanh. Đi đến đâu chúng cướp phá và chém giết nhân dân ta đến đó. Trước những hành động dã man của giặc Phẻ, nhiều thủ lĩnh người Thái và các dân tộc khác đã tổ chức, đoàn kết nhân dân để chống lại, nhưng vì lực lượng chưa đủ nên đều bị thất bại. Năm 1739, người thủ lĩnh áo vải Hoàng Công Chất phất cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê - Trịnh tại vùng Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên). Năm 1743, Hoàng Công Chất hoạt động tại vùng thượng du Thanh Hoá, sau đó bị quân triều đình đánh dạt sang vùng Thượng Lào. Nghe tin nghĩa quân Hoàng Công Chất đang hoạt động ở Thượng Lào, hai thủ lĩnh người Thái là tướng Lò Văn Ngải và tướng Lò Văn Khanh đã tìm đến và kết hợp với nghĩa quân Hoàng Công Chất tiến về giải phóng vùng đất Mường Thanh. Sau khi giải phóng vùng đất Mường Thanh (năm 1754), tướng quân Hoàng Công Chất cho đóng quân tại thành Sam Mứn. Năm 1758, ông cho xây dựng thành Chiềng Lề (nay gọi là Thành Bản Phủ) thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên để có căn cứ hoạt động lâu dài. Năm 1762, thành được xây dựng xong. Ngày 25/02/1767, Hoàng Công Chất lâm bệnh qua đời. Để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, người dân Mường Thanh đã lập đền thờ và tổ chức Lễ hội vào ngày 24 - 25/02 âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ công ơn Hoàng Công Chất cùng các nghĩa quân.

Lễ hội Thành Bản Phủ.

Năm 1858, thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Đến năm 1890 chúng đã chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc. Chúng bắt tay vào việc xây dựng bộ máy cai trị theo chế độ quân quản, âm mưu chia rẽ dân tộc, biến địa phương thành khu biệt lập. Chúng ra sức nuôi dưỡng bọn thổ ti, cường hào để làm tay sai, lập ra “Xứ Thái tự trị”, “Vua Mèo tự quản” để lừa bịp,bóc lột nhân dân. Được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long lên nắm quyền cai trị, ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hóa, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến  giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng. Chúng khuyến khích các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ma chay, nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc. Chúng buộc nhân dân các dân tộc phải đóng sưu cao thuế nặng, đi lính, đi phu cho chúng, khiến cho nhân dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không được học hành, không được chữa bệnh.Chúng đã cho xây dựng dinh thự Đèo Văn Long trên núi Pú Vạp, đây chính là nơi ăn chơi sa đọa trụy lạc của binh lính Pháp và vua quan Đèo Văn Long.

Trước tình hình đó, với truyền thống không chịu áp bực bóc lột, nhân dân các dân tộc ở địa phương đã hăng hái tham gia chống Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh châu mường lãnh đạo đã nổ ra và được nhân dân ủng hộ. Đặc biệt, vào tháng 10 năm 1918 tại vùng cao Điện Biên, Vừ Pa Chay là người dân tộc Mông có tài bắn nỏ giỏi nhất vùng, không chịu được cảnh thực dan Pháp đàn áp, cai trị, bóc lột, đã kêu gọi nhân dân trong bản, trong vùng và các vùng lân cận đoàn kết chống lại ách thống trị. Xây dựng Khu căn cứ hoạt động của nghĩa quân Vừ Pa Chay đặt tại Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. Dưới sự chỉ huy của Vừ Pa Chay cùng với nhân dân các dân tộc Mông, Khơ Mú, Lào… nghĩa quân đoàn kết chống lại ách thống trị của thực dân Pháp với khẩu hiệu “Quét sạch Tây trắng (Pháp), chống thuế giành quyền tự chủ”. Được nhân dân ủng hộ, phong trào nhanh chóng phát triển khắp vùng cao Lai Châu, Sơn La và lan sang Thượng Lào. Phong trào đã mất dần tính chất địa phương và trở thành một cuộc khởi nghĩa rộng lớn của cả một dân tộc đứng dậy chống Pháp. Trong quá trình đấu tranh Vừ Pà Chay đã chế tạo ra khẩu súng gọi là súng Pa Chay với thân súng được làm từ gỗ xoan, đạn được làm từ mảnh chảo gang đập vỡ.

Di tích lịch sử Vừ pa Chay

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại vào năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc Việt Nam. Song niềm vui chưa được bao lâu thì thực dân Pháp nổ súng quay lại xâm lược đất nước ta một lần nữa. Cuối năm 1945, bộ đội Quyết Tiến đã lên đến Điện Biên và tìm cách gây dựng cơ sở trong quần chúng nhân dân. Để cán bộ hoạt động được thuận lợi, ông Lò Văn Hặc bàn cách tổ chức dạy tiếng dân tộc cho bộ đội, phổ biến phong tục tập quán và những điều kiêng kỵ khi tiếp xúc với đồng bào. Kể từ đó ông Lò Văn Hặc được coi như người đại diện chính quyền cách mạng lâm thời huyện Điện Biên (Lai Châu). Trước tình hình cách mạng đang trên đà phát triển và sục sôi tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, ngày 10/10/1949, tại hang Mường Tỉnh - bản Trống, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu được thành lập, trở thành lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tháng 12 năm 1953 Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Lai Châu được thành lập, ông Lò Văn Hặc giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lò Văn Hặc đã đẩy mạnh công tác dân vận, vận động bà con quyên góp tối đa sức người sức của phục vụ nhu cầu hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp đưa quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm hùng mạnh - được ví như “con nhím khổng lồ”, hay “cối xay thịt” để nghiền nát lực lượng Việt Minh. Chiến trường Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Viễn chinh Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với ý chí quả cảm của quân và dân ta, sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - làm nên chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ trên toàn miền Bắc, đập tan mưu đồ xâm chiếm Việt Nam và toàn Đông Dương của thực dân Pháp.

Khi cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn đầy cam go quyết liệt, trước những thất bại liên tiếp, De Castries huy động máy bay thả hơn 10 quả bom Napan xuống khu Trại tập trung Noong Nhai. Đã có tới 444  người thiệt mạng hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Cảnh tượng thật kinh hoàng tang thương, nơi đâu cũng có những tiếng gào khóc thảm thiết. Đây là một trong những ngày đau thương nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bia tưởng niệm Noong Nhai

 Điện Biên - đổi mới và phát triển      

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh đồng thời thực hiện nghĩa vụ hậu phương vững chắc chi viện sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt đánh đuổi đế quốc Mỹ thống nhất đất nước. Đại đoàn 316 đã chuyển về xuôi nhận nhiệm vụ mới. Tháng 3/1958, Sư đoàn 316 quay trở lại Điện Biên thực hiện nhiệm vụ vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai vỡ đất hoang, trồng cây lương thực đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ngày 14/4/1958, Đảng ủy Sư đoàn 316 họp ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tây Bắc. Cùng lúc này, theo quyết định của Bộ, Sư đoàn chuyển biên chế thành Lữ đoàn và tổ chức các công trường, nông trường làm nhiệm vụ sản xuất. Lúc này, Trung đoàn 176 chuyển thành nông trường Điện Biên.

Di tích Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm

Với tinh thần “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy Nông trường làm gia đình” các cán bộ chiến sỹ Nông trường quốc doanh Điện Biên đã nỗ lực ngày đêm biến mảnh đất Điện Biên “còn đầy thương tích chiến tranh” giờ đây được hồi sinh bởi “màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các màu nham nhở của đất hoang”. Trên dòng sông Nậm Rốm, một Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được xây dựng vào năm 1963 và hoàn thành năm 1969 với mục đích cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ nước sinh hoạt và nuôi thủy sản cho nông trường.

Trong thời kỳ chiến tranh chống phá hoại của Đế quốc Mỹ, trước các cuộc tấn công của quân địch, dân quân Thanh An đã lập thành tích bắn rơi máy bay Mỹ mang hiệu F4H ngày 15/3/1966.

Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa X đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu mới và Điện Biên. Vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, quyết tâm đưa Điện Biên thành trung tâm văn hóa, kinh tế chính trị của vùng.

Điện Biên - tinh hoa văn hóa các dân tộc

Điện Biên, miền đất nơi biên viễn của tổ quốc có dân số trên 60 vạn người, là nơi hội tụ 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại mang những nét văn hoá truyền thống đặc sắc riêng có thể hiện qua đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh như: trang phục, văn hóa ẩm thực, các lễ hội truyền thống; kiến trúc nghệ thuật ... Trong đó, nổi bật như: lễ hội Xên Mường Thanh (Lễ cúng Mường) là lễ hội lớn nhất có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc sinh sống trong một Mường, nghệ thuật kiến trúc ghép đá xây Thành Vàng Lồng của đồng bào dân tộc Mông, hay kiến trúc nghệ thuật truyền thống của người Lào qua công trình Tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân... 

Di tích Thành Vàng Lồng, huyện Tủa Chùa

Điện Biên - miền đất hoang sơ và hùng vĩ

Bên cạnh đó, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Về địa hình, tỉnh Điện Biên mang những nét đặc trưng với nhiều kiểu địa hình, đặc biệt phổ biến địa hình núi cao (độ cao trung bình 600 - 700m), độ dốc lớn, chia cắt mạnh. Được cấu tạo bởi những dãy núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1.800m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Trong đó ẩn chứa nhiều hang động vừa nguyên sơ vừa hùng vĩ và mang vẻ đẹp huyền ảo của tự nhiên (hang động dạng karst hòa tan trong núi đá vôi) như: hang động Khó Chua La, hang động Pa Thơm, hang động Hấu Chua ...

Hang động Khó Chua La

 Với vị trí chiến lược rất quan trọng, nơi hội tụ của tinh hoa văn hóa và thiên nhiên kỳ vĩ, qua trường kỳ lịch sử và là địa danh ghi dấu ấn lịch sử thời đại đã tạo nên cho Điện Biên hệ thống di tích đa dạng, đặc sắc, có giá trị to lớn về mọi mặt và 27 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Trong đó nổi bật nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ mang tầm cỡ quốc tế với những giá trị lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học, kinh tế đặc biệt quan trọng. Hệ thống các di tích tỉnh Điện Biên cùng với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của 19 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên vẻ đẹp hấp hẫn riêng có, đưa Điện Biên trở thành điểm hẹn lịch sử - văn hóa - du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.320.373
Online: 10