Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh mà còn gây hậu quả nặng nề với từng thành viên trong gia đình, nhất là đối với phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.Vì vậy, việc quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình sẽ có tác động tích cực vào việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cách thức xử lý đối với vi phạm bạo lực gia đình, nhưng hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Bởi thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên đã kịp thời ngăn chặn những hành vi “giận quá mất khôn”, “giận cá chém thớt” của các cá nhân trong xã hội. Quá trình hòa giải, hòa giải viên đã giúp cho các thành viên trong gia đình nhận thức rõ những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong thực hiện quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và hậu quả của hành vi bạo lực gia đình do mình gây ra. Công tác hòa giải ở cơ sở còn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để cùng cấp ủy, chính quyền phòng, chống bạo lực gia đình, có thái độ nghiêm khắc và lên án hành vi bạo lực gia đình. Từ đó, khuyến khích những nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là phụ nữ, không e ngại, che dấu khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình mà có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết và người dân cũng chủ động thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở trong phòng, chống bạo lực gia đình, những năm qua, việc triển khai công tác hòa giải các vụ bạo lực gia đình đạt được nhiều kết quả tích cực như:
Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm với nhiều hình thức nên nhận thức, hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình đã có sự thay đổi, từ đó nâng cao tính chủ động sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở khi xảy ra bạo lực gia đình.
Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên đã được quan tâm, tổ chức thực hiện nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên trong hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình.
Công tác củng cố, kiện toàn tổ hòa giải đã bảo đảm các tổ hòa giải có ít nhất 01 hòa giải viên nữ được triển khai không những góp phần thực hiện pháp luật về bình đẳng giới mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình mà nạn nhân bị bạo lực là nữ.
Các vụ việc tiến hành hòa giải đã cơ bản được thực hiện đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của con người, đúng đạo lý, qua đó phát huy ưu thế, tác động tích cực của biện pháp hòa giải ở cơ sở, hạn chế sai sót, sơ xuất đẩy vụ việc thành phức tạp. Nội dung vụ việc bạo lực gia đình chủ yếu liên quan đến các mâu thuẫn trong cuộc sống như: khó khăn về kinh tế, nợ nần tạo áp lực căng thẳng, bế tắc trong cuộc sống, hoặc chồng cờ bạc, nghiện rượu, không chí thú làm ăn dẫn đến người vợ bị bạo lực, một số trường hợp do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến nghi ngờ nhau...
Tuyên truyền tại cơ sở về công tác phòng, chống bạo lực gia đình và hòa giải ở cơ sở
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những tác động tích cực đem lại, công tác hòa giải các vụ bạo lực gia đình vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:
Chính quyền địa phương ở cơ sở có nơi chưa đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải các vụ bạo lực gia đình, nên chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và hòa giải ở cơ sở còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải các vụ bạo lực gia đình.
Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên còn hạn chế; chưa thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giới và bạo lực gia đình nên việc hòa giải phần lớn theo hướng khuyên nhủ, nhẫn nhịn để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm, không triệt để nên một số gia đình sau khi hòa giải thành lại phát sinh mâu thuẫn dẫn đến bạo lực trở lại; trong một số trường hợp còn lúng túng khi xác định vụ việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không.
Nhận thức của một số phụ nữ về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế, chưa thực sự nỗ lực cải thiện cuộc sống của chính bản thân và gia đình, còn mang tư tưởng tự ti, an phận, cam chịu hoặc lo sợ hậu quả đối với chính bản thân họ và con cái về vật chất, tinh thần nếu chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ. Khi có bạo lực xảy ra, nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã che dấu hành vi bị bạo lực gia đình của người chồng dẫn đến số vụ hòa giải vi phạm bạo lực gia đình còn ít; trong khi số vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính, hình sự còn tương đối nhiều. Các vụ bạo lực về thể chất đối với phụ nữ thì tổ hòa giải thường không thể trực tiếp tiến hành hòa giải mà phải có sự giúp đỡ của lực lượng công an địa phương nên đã hạn chế tính kịp thời của việc hòa giải.
Việc gặp gỡ, tiếp xúc với nạn nhân cũng như người gây ra bạo lực gia đình rất khó khăn do tâm lý của người dân xác định đây là việc gia đình, không muốn đưa ra ngoài xã hội; nhiều vụ bạo lực gia đình đã xảy ra song chưa được chính quyền địa phương và tổ hòa giải tham gia giải quyết kịp thời, nhất là các vụ bạo lực gia đình về tinh thần và tình dục rất khó phát hiện do tâm lý chịu đựng của phụ nữ. Đa số các vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện hòa giải, can thiệp là do người dân phát hiện, số rất ít trường hợp người bị bạo lực tố giác, yêu cầu can thiệp.
Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015 và 7.831 vụ trong năm 2020 (tỉnh Điện Biên giai đoạn 2009-2020 là 3.815 vụ; năm 2009 là 789 vụ, giảm xuống còn 90 vụ năm 2020)
Tuy nhiên, có thể những con số trên chưa phản ánh đầy đủ tình hình BLGĐ hiện nay. Theo kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (công bố năm 2020) cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu với tổng số 5.976 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã được điều tra viên phỏng vấn trực tiếp. Dù vậy, những kết quả nêu trên cho thấy tình hình bạo lực với phụ nữ nói riêng và BLGĐ nói chung diễn ra trên thực tế nhiều hơn so với con số nêu trên.
Nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực thi các quy định hòa giải các vụ bạo lực gia đình, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống đến cấp xã cho tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên vừa là điều kiện vừa là biện pháp có tính quyết định đối với công tác hòa giải các vụ bạo lực gia đình. Bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì đội ngũ hòa giải viên không có điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao kiến thức và kỹ năng hòa giải.
Cần sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về phạm vi hòa giải để đảm bảo tương thích với Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các quy định hướng dẫn Luật, tránh sự trùng lặp trong quy định. Công tác hòa giải trong Luật PCBLGĐ cũng chưa phát huy được hiệu quả. Khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong Luật. Luật cũng thiếu các quy định về tiêu chí (trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức) của hòa giải viên và tổ hòa giải.
Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc nghiên cứu lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở đối với các vụ bạo lực gia đình trong các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng khu dân cư 5 không”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...; đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy để công nhận gia đình văn hóa.
Hàng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải các các vụ bạo lực gia đình cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở theo phân cấp nhằm bảo đảm việc hòa giải các vụ bạo lực gia đình được thực hiện đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của con người, của phụ nữ và trẻ em. Cần có những tài liệu chuẩn làm cẩm nang để hướng dẫn hòa giải viên kỹ năng hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình đạt hiệu quả.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, tổng kết, đánh giá, phổ biến các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động hòa giải ở cơ sở nói chung, hòa giải các vụ bạo lực gia đình nói riêng để các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, học tập và áp dụng dụng trong thực tiễn.
Cùng với việc hòa giải, cần có thái độ nghiêm khắc, lên án hành vi gây ra bạo lực của người gây bạo lực là vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, về an ninh trật tự. Cần áp dụng các chế tài pháp luật khi xử lý hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc đối với người gây bạo lực theo quy định của pháp luật. Khi hòa giải các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ, ngoài việc chú ý đảm bảo an toàn cho người phụ nữ, tìm ra nguyên nhân của vụ việc, thì người gây ra bạo lực cũng cần được tôn trọng và lắng nghe, cần được hỗ trợ, giúp đỡ để thay đổi, chỉ khi họ nhận thức được cái sai của mình thì các hành vi bạo lực mới được chấm dứt triệt để.
Cần có văn bản quy định cụ thể về chế độ khen thưởng đối với hòa giải viên nhằm động viên, khích lệ hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải các vụ bạo lực gia đình nói riêng. Trên thực tế, hòa giải vụ việc bạo lực gia đình rất khó trong việc tiếp cận nạn nhân bị bạo lực, người có hành vi gây ra bạo lực và đã có trường hợp hòa giải viên khi hòa giải vụ việc bạo lực gia đình đã bị chính người có hành vi bạo lực gây thương tích.