Lễ hội dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gia độc đáo, có ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Theo kết quả tổng kiểm kê, tỉnh Điện Biên hiện nay có khoảng 37 lễ hội còn lưu giữ.
Các lễ hội dân gian thường được gọi theo tiếng dân tộc - chủ thể của di sản lễ hội đó, tên gọi thường phản ánh nội dung, mục đích, ý nghĩa của lễ hoặc lễ hội như Xên bản (Cúng bản) của người Thái, Ua Nếnh (cúng bản) của người Mông, Sê Sừ Ba Hư Chà (Lễ mừng cơm mới)của người Si La, Uých bích giác (uống rượu măng) của người Khơ Mú…
Lễ cầu mùa dân tộc Khơ Mú
Các lễ hội ở tỉnh Điện Biên chủ yếu thuộc lễ hội lịch sử như lễ hội đền Hoàng Công Chất và lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống lại chia thành các nhóm như: lễ hội gắn với tín ngưỡng tôn giáo (Lễ cúng bàn vương của người Dao, Gạ Ma Thố (cúng gốc cây to) của người Si La, Lau Pỉnh Phù (Cúng rừng) của Phù Lá, lễ cúng bản của dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú…; lễ hội gắn với lao động sản xuất: lễ cầu mùa (dân tộc Khơ Mú, Khơ Mú, Xạ Phang, Si La, Sán Chay), lễ cầu mưa (dân tộc Khơ Mú, Thái), lễ mừng cơm mới (dân tộc Thái, Hà Nhì, Xinh Mun, Kháng); các lễ hội gắn với dòng tộc như Tù Su, Giù Su, Dù Tàu của người Mông; các lễ hội mang tính giải trí như Nọ Pay Chiều của người Mông, Kin Chiêng của người Thái…
Lễ hội các dân tộc tỉnh Điện Biên chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, diễn ra trong không gian làng bản, dòng họ. Mỗi bản, làng tự tổ chức theo cách riêng, phù hợp với điều kiện của bản, dòng họ đó như cúng bản, Tù Su, cúng cầu mùa…
Lễ hội Đền Hoàng Công Chất
Lễ hội đền Hoàng Công Chất là lễ hội duy nhất được tổ chức với quy mô lớn ở tỉnh Điện Biên, lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng Công Chất - Người đã có công đoàn kết các dân tộc xuôi ngược đánh đuổi giặc Phẻ, chống lại sự áp bức bóc lột của triều đình phong kiến, giải phóng Mường Thanh đem lại cuộc sống bình yên, ấm no hạnh phúc cho nhân dân ở thế kỷ XVIII. Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần vào các ngày 24, 25 tháng 2 âm lịch tại đền thờ Hoàng Công Chất - tọa lạc trong thành Bản Phủ, thuộc xã Noong Hẹt huyện Điện Biên.
Lễ mừng cơm mới dân tộc Lào
Một số lễ hội tổ chức với quy mô vừa như Xên bản của người Thái, lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, hội Gầu Tào của dân tộc Mông…) Đây là đều là những lễ hội được tổ chức tại bản, thu hút đông đảo bà con trong bản, dòng họ tham gia ví dụ như Lễ Xên bản là lễ hội dược duy trì phổ biến nhất, thường được tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm dâng lễ cho chủ đất, chủ nước cầu cho mưa thuận gió hòa,mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh. Tất cả người dân trong bản đều tham gia công tác chuẩn bị cũng như tiến trình của lễ hội.
Các lễ hội tổ chức với quy mô nhỏ như lễ hội Tù Su, Giù Su, Xên Pang Ả… các lễ này chủ yếu gắn với quy mô là dòng họ. Con cháu của các dòng họ sinh sôi, phát triển rồi di cư đi các vùng khác nhau sinh sống, cư trú nhưng đến dịp cúng dòng họ thì họ tập trung về nhà trưởng họ để cùng nhau đóng góp, chuẩn bị các lễ vật dâng lên tổ tiên và cùng tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, Lễ hội dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền: ý thức thái độ, sự quan tâm của một số người dân và các cấp chính quyền đối với lễ hội truyền thống chưa thường xuyên do đó một số lễ hội đang lưu truyền nhưng không còn giữ bản chất truyền thống, một số lễ hội chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già, một số khác mai một hẳn.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội dân gian, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tự người dân - chủ thể di sản lễ hội truyền thống có ý thức bảo vệ và giữ gìn lễ hội của dân tộc mình. Đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích, tôn vinh những nghệ nhân đang có công gìn giữ di sản, cụ thể như phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân… Tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với du lịch văn hóa, trọng tâm là giới thiệu lễ hội của các dân tộc tỉnh Điện Biên./.