Nhạc cụ truyền thống là một tài sản chung của cộng đồng, một loại hình nghệ thuật trình diễn tiêu biểu nhất trong đời sống văn hóa người Thái Điện Biên, có vai trò và sự ảnh hưởng lớn đối với mỗi người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Ngoài ra, giá trị của nhạc cụ còn thể hiện trên lĩnh vực sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật trang trí…

Trong các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái, một trong những nhạc cụ phổ biến và dễ gặp nhất đó chính là trống. Trống theo tiếng Thái có nghĩa là cống, trong đó có chia ra cống nọi tức trống nhỏ còn trống to người Thái Trắng gọi là cống ộ, người Thái Đen gọi là cống nhaứ.

Trước đây, việc chế tác trống phải được tiến hành với những bước rất nghiêm ngặt, phải tiến hành cúng xin phép thần đất, thần trời. Mâm cúng gồm 01 coóng xôi, 2 chén rượu, 3 sải vải. Sau đó tiến hành lễ ở nơi kín đáo, sạch sẽ. Khi chế tác xong phải cử hành lễ tế trang trọng và cất giữ ở nhà sàn hoặc gian thờ tổ tiên của trưởng bản hoặc người có chức sắc và chỉ được dùng trong dịp tết, lễ cúng như “xên bản”, “xên mường” (cúng bản cúng mường)…

Việc làm trống của người Thái thường do người con trai đảm nhiệm và sau này cũng chỉ được truyền lại cho người con trai trong gia đình. Việc này cũng phù hợp với quan  niệm, đánh giá của người Thái về vai trò của con trai và con gái, đó là: con gái phải giỏi dệt vải, nấu nước, con trai giỏi đan lát, làm nghề mộc, nhạc cụ…

Bí quyết làm một cái trống tốt phải trải qua nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu, cách căng mặt trống… Để làm được điều này ngoài kinh nghiệm, người làm trống phải có được bàn tay và đôi tai tốt mới có thể thẩm âm được chiếc trống có âm vang trầm bổng cần thiết.

Để bắt tay vào làm trống, người nghệ nhân phải chuẩn bị gỗ (thường là gỗ dổi hoặc gỗ mít), da trâu hoặc da bò - trước đây người Thái sử dụng da trâu để làm mặt trống nhưng ngày nay họ thường sử dụng da bò.

Bằng kinh nghiệm của mình, người nghệ nhân lên rừng chọn những cây hoặc đoạn gỗ nguyên khối nhưng đã bị rỗng giữa khoảng 20 - 30 cm tức đoạn gỗ hoặc cây gỗ đã bị sâu rỗng một phần do thiên nhiên tác động để dễ dàng cho việc đục lõi gỗ trong quá trình tạo thân trống; bề mặt gỗ thường rộng 40 - 80 cm, dài 1 - 1,3 m, với độ rộng và dài phải được tính trừ hao hụt gỗ trong quá trình xử lý gỗ để làm trống sau này. Tùy theo khúc gỗ tìm được có độ dài - ngắn khác nhau để tạo ra những chiếc trống có kích thước khác nhau, tránh chọn thân gỗ bị cong, bị sâu. Hạ cây xong hoặc lựa chọn xong những cây gỗ bị đổ trên rừng, người làm trống tiến hành đo, cắt những đoạn gỗ đảm bảo chất lượng cũng như kích thước rồi lấy thuổng mài sắc để thúc chọc lấy lõi gỗ bên trong ra, chỉ để lại một lớp gỗ xung quanh phía ngoài mỏng đều từ 3 - 3,5 cm. Gỗ được để lại lớp mỏng như vậy mới tạo được tiếng vang, ngược lại nếu để lớp gỗ đặc hoặc dày quá sẽ làm cho trống không thể vang được đồng thời cũng gây khó khăn, nặng nề cho quá trình mang gỗ từ rừng về nhà.

Nghệ nhân đang hoàn thiện căng da Trống để có được âm thanh tốt nhất

Gỗ mang về nhà được bào nhẵn hai mặt bên trong và bên ngoài của khúc gỗ, kể cả phần miệng, dùng máy trà nhẵn để không bị xước khi căng da mặt trống. Thân trống là một khúc gỗ nguyên khối, không bị lắp ghép bởi các mảnh gỗ, tuy nhiên thân trống được tạo ra không phải là một đường thẳng tắp khi nhìn từ đầu này sang đầu kia mà ở giữa có một độ phình nhất định do con mắt của người đục gỗ quyết định, thông thường đoạn này phình to hơn hai đầu khoảng 20cm, còn lại hai đầu trống để tạo mặt trống thường có đường kính bằng nhau, cũng có khi người ta làm một đầu to tạo ra mặt trống Đực, một đầu bé tạo ra mặt trống Cái.

Khi đẽo gỗ, người đẽo phải đục tai trống để luồn dây treo khi sử dụng hoặc dùng đòn luồn qua khiêng đi trong quá trình di chuyển. Bản thân tai trống vẫn là một mảng gỗ liền với thân trống - chỉ làm một bên tai trống, vị trí đặt tai trống ở chính giữa thân trống, hai đầu tai trống đục hai lỗ nhỏ có đường kính khoảng 1 - 2 cm để luồn dây và thoát khí bên trong của trống khi sử dụng. Tổng chiều dài của tai trống khoảng 20 - 25cm.

Sau khi làm thân trống xong, người làm trống mới tính làm mặt trống, mặt trống được làm bằng da trâu hoặc da bò, trước đây họ thường dùng da trâu nhưng ngày nay họ dùng da bò vì họ cho rằng da bò mỏng và dai hơn, ngược lại da trâu dày hơn, không bền bằng da bò. Việc lựa chọn da bò cũng phải tinh ý, chỉ lựa chọn da của con bò vừa phải, không già, không non. Nếu chọn bò già thì da bò bị giòn còn bò non thì dễ bị đứt trong quá trình căng trống, thường chọn bò có độ tuổi từ 4 - 5 năm, do đó phải hẹn người quen bán da bò cho để đảm bảo sự lựa chọn được phù hợp và chính xác. Da bò được mua về rồi bóc, cạo sạch mỡ và thịt bám vào da ở lớp bên trong, còn lại lớp bên ngoài - lớp lông bò thì để nguyên và đem rửa sạch vì quá trình đánh trống sau này thì toàn bộ lớp lông sẽ tự bong ra. Làm sạch da bò xong, nghệ nhân tiến hành đo, cắt da bò để làm mặt trống, lưu ý khi cắt phải để rộng hơn mặt trống là 10 - 20 cm dành vị trí cho phần ghim cài, co căng mặt trống. Từng miếng da bò được cắt ra, đem ngâm với nước muối từ hai đến ba ngày rồi đem ra phơi nắng to từ 1 đến 2 ngày. Có những miếng da được phơi khô, khi dùng đến lại mang ngâm nước cho mềm rồi đem phơi thì mới căng mặt trống. Da bò đã được xử lý sẽ được đem ra tấm phản, lấy búa đập để da có độ co, giãn đều nhau. Sau khi đã có độ co giãn như ý người nghệ nhân sẽ phủ tấm da đó lên mặt trống rồi lắp vào thân trống bằng cách chọc thủng miếng da bò ở cả hai mặt trống một lỗ vừa để lấy dây thừng luồn qua hai đầu mặt trống và co, giữ  thật căng. Tiếp đó, họ tạo ra các lỗ thủng của miếng da bò xung quanh miệng trống, mỗi lỗ ấy cách nhau 5 - 7cm rồi lấy dây thừng dài chừng 30 - 40m đan móc nối với nhau qua các lỗ cho đến hết hai đầu trống để áp chặt da bò vào phần miệng trống và co căng. Một điều dễ nhận thấy khi căng mặt trống thì toàn bộ mặt da bò có lông được đưa lên trên tức mặt ngoài của mặt trống, như thế vừa mang lại giá trị thẩm mỹ đồng thời da bò vốn để bọc, bảo vệ cơ thể nên làm thế cũng để bảo vệ trống và đặc biệt là để ăn nhịp với dùi khi gõ tạo ra tiếng vang hay nhất.

Trao đổi để lựa chọn các loại Trống để sử dụng trong các lễ hội...

Trống được căng mặt xong, đem phơi từ 2 - 3 ngày cho khô rồi buộc dây thép xung quanh miệng trống, dùng đinh chốt giữ bằng cách đóng quặp xuống, đè lên dây thép (lúc này vẫn giữ nguyên phần dây thừng đang co căng mặt trống), thao tác này trước đây người Thái thường dùng dây mây và tre để ghim giữ mặt trống còn ngày nay dùng dây thép và đinh vì thuận tiện hơn. Mỗi miệng trống dùng khoảng 200 đinh để cài, giữ, có khi chỉ cần 100 cái - tùy theo trống to, nhỏ, độ trùng khác nhau và khi cài đinh phải có khoảng cách thưa ra một chút để sau này thay da ở mặt trống thì còn có chỗ đóng đinh mới, tránh bị trùng lỗ hay hỏng gỗ.

Trước đây khi làm trống thường một đầu là da trâu hoặc bò đực, một đầu là da trâu hoặc bò cái nhưng ngày nay họ làm trống một đầu to tượng trưng cho đầu Đực, một đầu nhỏ tượng trưng cho đầu Cái, hai đầu to nhỏ khác nhau thì khi gõ cũng tạo ra âm thanh khác nhau. Ngoài ra, để da trống giữ căng được lâu, xưa kia nghệ nhân dùng đá buộc vào các dây căng mặt trống, khác với ngày nay là chỉ co căng bằng dây thừng.

Một trong những dụng cụ tạo ra âm thanh của trống là dùi trống. Dùi trống được làm bằng loại gỗ khác với gỗ làm thân trống, phải là gỗ vừa nhẹ vừa bền nhưng lại chắc, đặc, thường là gỗ mại chinh. Dùi trống dài từ 40 - 45cm, được làm nhẵn, nhỏ vừa tay cầm; một đầu to, tròn và có một phần lồi lên là đầu để gõ xuống mặt trống, còn lại đầu nhỏ, nhẵn, bằng nhau thì cầm để đánh.

Để có được âm thanh chiếc trống như ý, công đoạn không thể thiếu là thẩm âm hay còn gọi là thử trống. Sau khi chiếc trống đã hoàn thành, người nghệ nhân sẽ dùng dùi trống để đánh lên khắp mặt trống, điều chỉnh lực mạnh, yếu phù hợp với từng độ âm vang của trống.

Nghệ nhân chế tác đang thử âm thanh của Trống

Kỹ thuật chế tác trống của người Thái có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân Điện Biên nói chung và dân tộc Thái nói riêng. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc thù và mang tính tổng hợp cao. Mỗi một nhạc cụ lại gắn với truyền thuyết, không gian đặc thù đem đến những giá trị tích cực cho bản thân mỗi người dân trước những khó khăn của cuộc sống.

Cho đến nay, các hoạt động về chế tác trống vẫn được cộng đồng dân tộc Thái gìn giữ và phát huy bởi các nhạc cụ và sinh hoạt gắn liền với nhạc cụ đều mang đậm giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển dân tộc, nó có vai trò và sự ảnh hưởng lớn đối với mỗi người từ khi sinh ra đến khi mất đi.

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, chế tác trống tưởng như mất đi nhưng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống đồng bào các dân tộc. Giữa những âm thanh ồn ào sôi động của xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, bằng sự đam mê và tâm huyết, những người nghệ nhân vẫn đang "giữ lửa", góp phần gìn giữ bảo tồn nét tinh hoa của dân tộc Thái./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.470.148
Online: 81