Kết hôn xây dựng gia đình là một bước ngoặt lớn trong cả cuộc đời "trai đến tuổi dựng vợ gái đến tuổi gả chồng" đã trở thành quy luật và nguyên tắc chung cho các dân tộc. Đám cưới của người Thái cũng tuân thủ theo quy luật và nguyên tắc chung, đám cưới của dân tộc Thái, ngành Thái đen trải qua nhiều bước và thủ tục khác nhau như: Dạm ngõ, ăn hỏi, ở rể, búi tóc, lễ tạ ơn.

Lễ ăn hỏi (Pày vay mia) của tộc Thái, ngành Thái đen là dịp để nhà trai sang xin phép nhà gái cho chàng trai được ở rể và làm việc ở nhà bố mẹ vợ, từ đó con rể có thời gian hiểu kỹ và thân hơn với họ hàng nhà gái. Lễ ăn hỏi là dịp thông báo cho họ hàng hai bên được biết và hứa gả con cho nhau, qua lễ này cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ sắp cưới của chàng trai đi hỏi, chàng trai tập làm quen với cách gọi bố mẹ và cách xưng con.

Buổi đầu tiên nhà trai nhờ hai bà cô, lúc này chưa cần đến ông mai, bà mối (Po sứ Me lam) đến chơi nhà gái với tính chất tìm hiểu nhà gái, xem xét hoàn cảnh gia đình, họ hàng bên này làm ăn như thế nào. Cô con gái có chăm chỉ hay không, ứng xử với người trên, người dưới, với dân làng như thế nào, có mến chuộng hay không,... Sau một thời gian hai gia đình qua lại, làm quen với nhau, nhà trai chọn ngày tốt sang nhà gái ăn hỏi, lúc này nhờ đến ông mai, bà mối (là người cao tuổi, có uy tín trong bản, đứng đắn có kinh nghiệm sống, am hiểu phong tục tập quán, cách xử sự trong công việc, có tài ăn nói ứng đối nhanh đến nhà gái xin cưới hỏi cho đôi trai gái) cùng với chàng trai, bố mẹ và một số thanh niên đi cùng giúp việc. Mang theo một số lễ vật đã thỏa thuận trước như: trầu cau, một con gà trống (tồ cáy po nưng), một con gà mái (tồ cáy me nưng), rượu và một số thực phẩm đủ để làm cơm mời nhà gái.

Lễ ăn hỏi được tổ chức to hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng điều kiện của nhà trai và yêu cầu của nhà gái, nhưng phải tuân theo phong tục truyền thống. Lễ vật mang đến được giao cho nhà gái, họ cùng nhau chế biến từ việc giết gà đến việc bày mâm cúng. Giết gà bằng cách treo cổ hai con gà vào một dây cho đến khi chết. Họ cùng nói chuyện trong lúc đợi chế biến, ông mai, bà mối ngồi uống nước, hỏi thăm tình hình sức khỏe, chuyện bản, chuyện Mường, chuyện trai gái yêu nhau đến tuổi xây dựng gia đình...

Khi bày mâm gà xong, hai đầu gà và bốn chân gà được xếp vào một đĩa, họ cùng vào mâm, khi đã ổn định chỗ ngồi cùng nhau xem chân gà (bói); xem đôi trẻ có mặn mà cương quyết đến với nhau, duyên số họ có hợp nhau, bố mẹ hai bên có đồng tình ủng hộ hay có điều gì vướng mắc hay không... Tất cả sẽ thể hiện trên đầu gà, chân gà. Trong mâm lễ cúng bao giờ cũng có hai chén rượu (đôi lẩu sớ) để mời tổ tiên đến dự cuộc vui cùng gia, chứng giám cho tình yêu đôi lứa, cầu mong những điều tốt đẹp cho cả chủ nhà và khách.

Trong lễ ăn hỏi nhà trai rót rượu tiếp nhà gái và ông mối, bà mối hai bên, sau 3 lần nâng chén, đại diện bên nhà trai tuyên bố lý do và xin phép bàn về nội dung chính của buổi lễ:

Nhà trai có lời:

“Ơ... pú gia lung tà tang nhinh ơi!

Khảu tổn báu tàng lanh

Khảu tổm báu tàng ngai

Lụ khời báu điêng po tà me nai hăn thảu đảy

Khười lê hảu, pạu lê sống

Chắng sống ma xú pú xú da

Xin cháng àu cằm thán phay tẻm nả xìa tà

Hom hao khửn hươn chươn khứ ma xú pú xú me

Chi đảy chựa phắc

Chi đảy chựa tành

Chi đảy chựa phắc thúa

Chi xọ ma khảu hôm khảu dền

Xò chặu đín chặu phay nẳng po nẳng me

Chi sò àu chưa măn đai

Sài măn kép

Chựa phải đẹp phưm sào

Chựa phải nay ma bồng

Chựa nhinh ồng ma ténh hươn hà dảo”.

  Dịch:

Ông bà họ hàng nhà gái bên này ơi!

Bánh trưng không thể dùng thay cơm bữa trưa

Bánh trưng không thể dùng thay cơm bữa chiều

Con rể không thể ở nuôi bố mẹ vợ đến già

Tục truyền lại gửi rể và tiễn dâu

Thế mới tiễn về nhà chồng

Thế nên chúng tôi mới lấy than vẽ nhọ mặt

Mạo muội đến cửa đến nhà nhờ cha mẹ

Muốn được giống hạt cải

Muốn được giống hạt dưa

Muốn được giống hạt rau hạt đỗ

Muốn nhờ bóng mát cha mẹ

Muốn xin hầu đóm hầu lửa

Muốn xin giống mài ngon

Dây mài tốt

Giống vải đẹp sợi đều

Muốn được hạt giống đó về chồng

Muốn được con gái bố mẹ về dựng nhà dựng của.

Nhà gái đối đáp:

“Ơ... pú gia lung tà tang trai ơi!

Khảu tổn báu tàng lanh

Khảu tổm báu tàng ngai

Lụ khời báu điêng po tà me nai hăn thảu đảy

Po me cháng hẳu xứ thàm làm chặu

Khửn hươn khửn khứ

Hê va y sò chưạ phăn phắc tành

Chi xò chưa phăn phắc thúa

Chi xò ma chắp ma hỏi

Chặu đín chặu phay

Ăn nị cử chắc chi ba sắu đê

Lụ tảu sàu nhớ cạp xuổng cạp phà

Chạ tềm tồ tềm kinh

Pi nỏng khửn hê hụ tặc

Phắc khửn hươn hê hụ nửng

Páu phay hê hung

Dệt nung hê pền

Phử hai phả nhán, chựa đău lê

Báu va ỉn báu nua

Báu tô hùa báu muôn lo qua”.

 Dịch:

Ông bà họ hàng nhà trai ơi !

Bánh trưng không thể dùng thay cơm bữa trưa

Bánh trưng không thể dùng thay cơm bữa chiều

Con rể không thể ở nuôi bố mẹ vợ đến già

Cha mẹ mới nhà ông mai, bà mối

Lên nhà ướm hỏi

Chưa nói họ muốn được giống hạt cải

Muốn được giống hạt dưa

Muốn được giống hạt rau hạt đỗ

Muốn nhờ bóng mát cha mẹ

Muốn xin hầu đóm hầu lửa

Cũng chưa biết trả lời sao đây

Cháu còn bé dại

Lớn chật quần chật áo

Dại đày người đày thân

Khách lên nhà chưa biết chào

Rau lên nhà chưa biết đồ

Thổi lửa không cháy

Khau váy không thành

Người xấu xí, chân tay vụng dại

Nói đùa một tí cho vui

Nói chơi một tí cho đỡ buồn thôi chứ?

Trong mâm rượu hai họ vừa uống rượu vừa chúc tụng nhau qua lời hát đối, cho đến khi nhà gái có lời đồng ý chấp thuận. Kể từ ngày này, giờ này hai bên gia đình không được thay đổi, con gái coi như đã có chồng, con trai coi như đã có vợ. Họ tiếp tục bàn bạc về ngày lành tháng tốt để đưa con trai sang giúp việc bên nhà gái (ở rể). Sau lễ này chàng trai về nhà mang thuổng, con dao, đồ đạc tư trang của mình sang bên nhà gái để làm lễ ở rể./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.133.216
    Online: 45