Trống đồng là một loại sản phẩm sáng tạo độc đáo, đặc sắc, tiêu biểu của nền văn minh thời cổ - trung đại nước ta.
Năm 1902, trong công trình nghiên cứu “Những trống kim khí ở Đông Nam Á”, học giả người Áo F.Heger, trên cơ sở nghiên cứu 165 chiếc trống đồng lưu giữ tại nhiều Bảo tàng trên thế giới lúc bấy giờ, đã phân chia thành 4 loại chính: Loại I, loại II, loại III, loại IV và 3 dạng trống trung gian (giữa loại I và loại II, giữa loại I và loại IV, giữa loại II và loại IV). Cho đến nay, phần lớn các học giả nước ta và các nước trên thế giới, về cơ bản, đều chấp nhận cách phân loại này.
Thông qua việc nghiên cứu các sưu tập trống đồng, có thể khẳng định rằng, nước ta là một trong số rất ít quốc gia hội tụ đủ cả 4 loại trống đồng cơ bản và các loại trống trung gian theo hệ thống phân loại của F.Heger. Trống đồng được phát hiện ở mọi miền đất nước và hiện nay Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ số lượng nhiều nhất trên 100 trống chủ yếu là trống loại I và loại II, ngoài ra còn có hàng chục trống minh khí.
Tại tỉnh Điện Biên, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ gần 40 chiếc trống đồng, chủ yếu thuộc loại II, III theo phân loại của F.Heger, tiêu biểu trong đó là Trống đồng Na Luông được sưu tầm tại bản Na Luông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trống được xếp vào loại II thuộc trống đồng cổ kế tục trống đồng Đông Sơn Việt Nam. Trống được chia làm ba phần (mặt trống, tang trống và chân trống). Mặt trống chờm ra khỏi tang trống, trên mặt trống có trang trí 7 vành hoa văn chính gồm họa tiết hoa văn hình lông công cách điệu, họa tiết hoa văn 6 cánh kép lồng nhau. Giữa tâm trống trang trí hình mặt trời 8 tia, xung quanh mặt trống trang trí 3 khối tượng cóc đơn. Phần tang trống và thân trống được trang trí họa tiết hoa văn hình lá đề, hình hoa cúc 8 cánh, hình hoa 6 cánh kép 2 lần, ngăn cách giữa các vành hoa văn là những đường chỉ nổi nhỏ. Phần chân trống trang trí 1 vành hoa văn hình vân mây. Trống có 2 đôi quai đơn nhỏ dẹt hình chữ U.
Về chủ nhân của trống đồng loại II Heger, do đại đa số đều phát hiện và khai quật được trong mộ táng và trong khu vực cư trú của đồng bào Mường, nên thường gọi là “Trống Mường”. Niên đại của loại trống này được xác định vào khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIV.
Trống đồng không chỉ có chức năng nhạc khí mà còn có những chức năng khác như làm biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo... Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội và trong chiến tranh khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Trống thường thuộc về những người thủ lĩnh và là biểu tượng của quyền lực. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Trống đồng cũng được coi là tài sản và được chôn theo khi người chủ qua đời. Ngày nay trống đồng là hiện vật quý được lưu giữ và trưng bày tại các Bảo tàng quốc gia và địa phương, mỗi biểu tượng trên mặt trống đồng biểu hiện một ý nghĩa và liên quan mật thiết đến đời sống sinh hoạt và là kết quả của nền văn minh lúa nước người Việt Cổ.