Nối giữa đôi bờ dòng sông Nậm Rốm, cây cầu Mường Thanh vẫn hằng ngày nhộn nhịp bước chân người dân Điện Biên và du khách qua lại. Cũng chính tại cây cầu này, chiều 07/5/1954 đã đón những bước chân Chiến sĩ Điện Biên xông vào hầm chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu, kết thúc “56 ngày đêm bão lửa” của chiến dịch Điện Biên Phủ đồng thời kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ của Quân và dân Việt Nam.
Cây cầu nối giữa quá khứ với hiện tại như đưa mỗi chúng ta trở về những năm tháng hào hùng của trận Điện Biên Phủ năm xưa. Vào ngày 20/11/1953, Thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ với 49 cứ điểm chia thành 3 phân khu: Phân khu Bắc gồm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Phân khu Nam hay còn gọi là phân khu Hồng Cúm. Phân khu Trung tâm là phân khu quan trọng nhất bao gồm 5 cụm cứ điểm: Huguette, Claudine, Eliane, Dominique, Beatrice và cơ quan Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp đã bố trí hai phần ba quân số với hỏa lực mạnh tại phân khu trung tâm.
Để thuận tiện cho quá trình di chuyển Quân Pháp cho xây dựng một cây cầu sắt bắc qua dòng sông Nậm Rốm và gọi đó là cầu “Prenley” - một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm nối giữa các cứ điểm ở phía Tây sông Nậm Rốm với các cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là đường vận chuyển thực phẩm, nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai... phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông. Đây là cây cầu dã chiến được làm sẵn và vận chuyển từ Pháp sang, lắp ghép tại Điện Biên Phủ. Cầu dài 40m, rộng 5m, hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn đảm bảo trọng tải từ 15 đến 18 tấn.
Để bảo vệ cây cầu huyết mạch này, quân Pháp bố trí các cứ điểm: 507, 508 và 509 được mệnh danh là những “thiên thần gác cửa” với nhiệm vụ bảo vệ cây cầu, chi viện cho các cao điểm phía Đông và Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm, bảo vệ Sở chỉ huy GONO. Ngay đầu cầu phía Tây quân Pháp bố trí 2 khẩu trọng liên 4 nòng – đó là loại hỏa lực mạnh để bảo vệ.
Đúng 8 giờ sáng ngày 07/5/1954, các chiến sĩ Đại đội 360 thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 bắt đầu đánh chiếm cầu Mường Thanh, hỏa lực của khẩu trọng liên 4 nòng liên tục xoay càng nhả đạn, cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt nhưng các chiến sĩ Đại đội 360 vẫn chưa thể chiếm được cầu Mường Thanh. Đến 14 giờ ngày 07/5/1954, Trung đoàn 209 tiếp tục mở cuộc tấn công vào cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh, hỏa lực hai bên bắn ra dữ dội, tạo thành những làn đạn cài răng lược, lúc này cả hai bên bị thương vong lớn, hàng trăm chiến sỹ của ta đã nằm xuống bên kia đầu cầu Mường Thanh. Sau khi chiếm được cứ điểm 507 Đại đoàn 312 tiếp tục tiêu diệt hai cứ điểm còn lại 508, 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm. 16 giờ ngày 07/5/1954 các pháo thủ của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 và pháo của Đại đoàn công pháo 351 đã tiêu diệt khẩu trọng liên 4 nòng này. Đúng 17 giờ chiều ngày 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích vượt qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở chỉ huy của tướng De Castries, bắt sống ông ta cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử của dân tộc như một mốc son chói lọi. Cây cầu Mường Thanh cùng với những di tích khác thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành những minh chứng hào hùng cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cây cầu Mường Thanh - cây cầu lịch sử nối giữa quá khứ với hiện tại, nối giữa chiến tranh và hòa bình vẫn từng ngày chứng kiến sự thay da đổi thịt của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng./.