Năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một trong những hoạt động hết sức quan trọng, không thể thiếu của đại hội đảng các cấp là thảo luận, thông qua báo cáo chính trị. Đây là văn kiện trung tâm của đại hội, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trong nhiệm kỳ tiếp theo của mỗi cấp bộ đảng. Do đó, báo cáo chính trị cần phải được quan tâm, đầu tư xây dựng hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, đại hội đảng các cấp là cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội. Đại hội đảng các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ; bầu cấp ủy khóa mới - cơ quan lãnh đạo của cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội, bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên. Việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp là sự kiện chính trị trọng đại của cả nước, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Trong các văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp, báo cáo chính trị là một trong những cấu phần quan trọng nhất, không thể thiếu của đại hội. Báo cáo chính trị vừa là văn kiện vừa có giá trị tổng kết toàn diện, chính thống, khoa học, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ và nhân dân về đánh giá hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ; đồng thời, vừa thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quan điểm, chủ trương, định hướng lớn, khả năng dự báo và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cho nhiệm kỳ tiếp theo. Với ý nghĩa đó, báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp vừa là bản báo cáo tổng kết thực tiễn, vừa là một đề án khoa học về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... trong nhiệm kỳ của Đảng nói chung và của đảng bộ một địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng.
Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh: Trong mối quan hệ với các văn kiện khác của đại hội đảng bộ các cấp, báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội, là cơ sở, định hướng để xây dựng dự thảo các văn kiện khác, như báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành nhiệm kỳ; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề khác của đại hội (nếu có).... Đồng thời, nội dung của báo cáo chính trị còn là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn, quyết định số lượng, cơ cấu bầu cấp ủy khóa mới. Bởi vậy, báo cáo chính trị là một trong những văn kiện cần được đại hội đảng bộ các cấp quan tâm đặc biệt, phải được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ nhất.
Vai trò định hướng của báo cáo chính trị thể hiện từ tiêu đề, nội dung kết cấu, bố cục của báo cáo. Tiêu đề của báo cáo chính trị không chỉ đơn thuần là tên gọi, chủ đề của báo cáo mà còn là khẩu hiệu, tuyên ngôn hành động, là những nội dung nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đảng bộ và nhân dân trong nhiệm kỳ, là tư duy, tầm nhìn chiến lược, ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp bộ đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị. Với vị trí, tính chất đặc biệt quan trọng nêu trên, xây dựng báo cáo chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy triệu tập đại hội, trong đó trách nhiệm được giao trực tiếp là tiểu ban văn kiện đại hội đảng bộ các cấp.
Với vai trò, ý nghĩa như đã nêu, tiêu đề của báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp phải bảo đảm các yêu cầu: Vừa có tính khái quát, bao trùm, nhưng vừa phải ngắn gọn, súc tích, sáng rõ và giàu ý nghĩa, nhưng không đa nghĩa; vừa có tính định hướng chính trị, tư tưởng, vừa nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, vừa biểu thị quyết tâm, khẩu hiệu hành động, dễ nhớ, dễ hiểu, thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định và đưa ra chủ đề đó là: Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ; không ngừng đổi mới, sáng tạo; tâm huyết, trách nhiệm; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”.
1. Truyền thống đoàn kết: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Vì thế, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”, “đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Phát huy dân chủ: Thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò của nhân dân trong lịch sử “dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết”; “dân là gốc của nước”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”,v.v.. với Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì nhân dân tận tâm, tận lực phục vụ là nguyên tắc tối cao, là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động. Theo đó, muốn phát huy dân chủ, phải thực sự tôn trọng nhân dân, hay nói khác “tôn trọng nhân dân để có thể phát huy dân chủ thực chất”. Hồ Chí Minh coi dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân và thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn, dân chủ là phương pháp chứ không phải là những thủ thuật chính trị. Theo đó, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải ra sức thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy dân chủ, vì “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”, “có dân chủ thì dân mới tin, mới dám nói, mới có sự sáng tạo”, góp phần tạo nên động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn phải thực hiện: 1) Trước hết phải làm cho dân biết. 2) Khi dân đã được biết, được hiểu thì phải tạo điều kiện để mọi người được bàn bạc thật sự. 3) Sau khi dân đã biết, đã hiểu, đã bàn bạc và xây dựng kế hoạch của địa phương mình, cơ sở mình, thì nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo là “động viên và tổ chức cho toàn dân ra thi hành”. 4) Công đoạn cuối cùng là mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương, cơ sở khi thi hành xong “phải cùng với nhân dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”, để giúp tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ khác.
3. Thực hiện không ngừng đổi mới, sáng tạo: Là quá trình chuyển ý tưởng thành sản phẩm mới hoặc sản phẩm hoàn thiện trong công nghiệp và thương mại, hoặc đưa ra cách tiếp cận mới trong lĩnh vực xã hội. Đổi mới sáng tạo là một quá trình, không phải kết quả, trong quá trình đó hàm chứa rất nhiều các thủ tục, công đoạn, công cụ, các yếu tố ảnh hưởng, phương thức, quan hệ... nhưng đạt mục tiêu là chuyển ý tưởng thành sản phẩm có ích, hay có thể hiểu đơn giản là quá trình đưa ý tưởng, tri thức thành giá trị (thường được đo bằng tài chính và văn hóa). Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và trưởng thành về mọi mặt. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển khác nhau mang trên mình sứ mệnh cách mạng được Đảng và nhân dân giao phó. Các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nghệ sỹ, diễn viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên, trọng tài không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp bước con đường của những bậc lão thành, những đồng chí, đồng nghiệp đi trước nguyện xây dựng ngành ngày một lớn mạnh.
4. Tinh thần tâm huyết, trách nhiệm: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm trước hết và bao trùm nhất là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Với mỗi người cán bộ công chức, hai từ "Trách nhiệm", nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, giá trị của mỗi người. Những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công dân, về ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Theo Người, “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình”. Các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và Ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng thì "Trách nhiệm - Tâm huyết" chính là máu thịt, là cam kết bắt buộc trước Đảng, Nhà nước và hơn cả là trước nhân dân.
5. Xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh: Tăng cường công tác tư tưởng và lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục củng cố tổ chức cơ sở đảng, đổi mới sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Với vai trò, ý nghĩa quan trọng tại đại hội đảng bộ các cấp, quá trình xây dựng, thảo luận báo cáo chính trị phải trở thành đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong toàn đảng bộ và nhân dân ở mỗi địa phương cũng như trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 là kết tinh trí tuệ của đảng bộ, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tầm nhìn chiến lược. Sau đại hội, cùng với các văn kiện khác, báo cáo chính trị phải trở thành kim chỉ nam cho hành động, là cơ sở nền tảng, xuất phát điểm cho những chương trình, kế hoạch phát triển, là cơ sở tạo niềm tin, tạo động lực, sự phấn khởi, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất của toàn đảng bộ để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.