Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chia thành ba phân khu: Phân khu Trung tâm, Phân khu Bắc, Phân khu Isabelle với 10 Trung tâm đề kháng gồm 49 cứ điểm. Trong quá trình diễn ra trận đánh, tập đoàn cứ điểm được tổ chức lại nhiều lần.

Phân khu trung tâm, là phân khu quan trọng nhất lấy trận địa trung tâm nằm giữa thung lũng Mường Thanh, có cơ quan chỉ huy Tập đoàn cứ điểm GONO, trận địa pháo, kho hậu cần, sân bay, phía Đông phân khu có cả một hệ thống cao điểm rất lợi hại, giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ phân khu. Tại đây bố trí 6 trung tâm đề kháng:

(1) Claudine nằm ở phía Nam sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm gồm 5 cứ điểm: Claudine 1, Claudine 2, Claudine 3, Claudine 4 (310), Claudine 5 do Tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn Lê dương số 13 chốt giữ.

(2) Dominique nằm phía Đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm gồm 6 cứ điểm: Dominique 1 (Đồi E1), Dominique 2 (Đồi D1), Dominique 3 (505, 505A), Dominique 4 (sau được sát nhập vào trung tâm đề kháng Epervier), Dominique 5 (Đồi D3), Dominique 6 ( Đồi D2 và vị trí pháo binh 210) do Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh thuộc địa Algérie số 3 phụ trách.

(3) Huguette nằm ở phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm gồm 8 cứ điểm: Huguette 1 (206), Huguette 2 (208), Huguette 4 (311B), Huguette 5 (311A), Huguette 6 (vốn trước đây là Anne Marie 3), Huguette 7 (vốn trước đây là Anne Marie 4), Huguette 9, Huguette F (311, còn gọi là Nà Noọng) dưới sự kiểm soát của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh thuộc địa Algérie số 2.

(4) Eliane nằm ở phía Đông phân khu Trung tâm, tả ngạn sông Nậm Rốm gồm 7 cứ điểm: Eliane 1 (Đồi C1), Eliane 2 (Đồi A1), Eliane 3 (A3), Eliane 4 (Đồi C2), Eliane 10 (506, 507), Eliane 11, Eliane 12 (508, 508A, 509) do Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh thuộc địa Maroc số 4 và Tiểu đoàn Thái số 2 phụ trách.

(5) Epervier gồm có Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Sở chỉ huy của De Castries) và cứ điểm Dominique 4 dưới sự kiểm soát của Tiểu đoàn xung kích Dù số 8, Tiểu đoàn hải ngoại Dù số 1 và Tiểu đoàn bảo an Dù số 5.

(6) Junon gồm 3 cứ điểm: Junon 10, Junon 11, Junon 12 thuộc Cụm quân phụ lực Thái Trắng đảm nhiệm.

Cờ Quyết chiến quyết thắng của quân ta phất cao trên nóc hầm chỉ huy của Đờ cát

Riêng trung tâm đề kháng Béatrice - Him Lam gồm 3 cứ điểm 1, 2, 3 có trách nhiệm bảo vệ từ xa cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, không nằm trong Phân khu Trung tâm nhưng vẫn do Phân khu Trung tâm trực tiếp chỉ huy được bố trí Tiểu đoàn 3, Bán lữ đoàn Lê dương số 13 chốt giữ.

Phân khu Bắc gồm 2 trung tâm đề kháng:

(1) Trung tâm đề kháng Anne Marie. Chiếm giữ cứ điểm này là tiểu đoàn Ngụy Thái số 3, gồm 4 cứ điểm:

Anne Marie 1, Anne Marie 2 - Đồi Bản Kéo: Tiểu đoàn Thái số 3

Anne Marie 3 (105), Anne Marie 4 (106) (nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh liền kề với phân khu Trung tâm). Sau khi mất Anne Marie 1 và 2, hai cứ điểm Anne Marie 3 và 4 được sát nhập vào cụm Huguette thuộc phân khu trung tâm, mang tên gọi mới là Huguette 6 và 7.

(2) Gabrielle - Đồi Độc Lập: Tiểu đoàn 5, Trung đoàn bộ binh thuộc địa Algérie số 7 và một đại đội Ngụy Thái phòng ngự

Phân khu Isabelle (Phân khu Hồng Cúm) nằm ở nằm ở phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm, cách Trung tâm khoảng 6km về phía Nam gồm 5 cứ điểm: Isabelle 1, Isabelle 2, Isabelle 3, Isabelle 4, Isabelle 5 do Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh hải ngoại số 3, Tiểu đoàn 2 và Trung đoàn bộ binh thuộc địa Algérie số 1 phụ trách.

Một số cứ điểm của địch ta chỉ đánh dấu mà chưa ký hiệu trên bản đồ quân sự.

Bộ chỉ huy quân Pháp được gọi là Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (Le Groupement Opérationnel du Nord - Ouest - GONO) gọi tắt là PC GONO

Chỉ huy trưởng: Đại tá Christian de Castries (giữa tháng 4/1954 được phong hàm Thiếu tướng)

Tham mưu trưởng: Trung tá Louis Guth (sau lần lượt các Trung tá Keller, Ducroix, và cuối cùng là Hubert de Séguin - Pazzis).

Phân khu Bắc Chỉ huy trưởng: Trung tá André Trancart

Phân khu Trung tâm Chỉ huy trưởng: Trung tá Jules Gaucher (tử trận ngày 13/3, sau Trung tá Pierre Langlais kiêm thay).

Phân khu Nam Chỉ huy trưởng: Trung tá André Lalande

Pháo binh: Chỉ huy trưởng: Trung tá Charles Piroth (Tự sát ngày 15/3, Trung tá Guy Vaillant lên thay). Pháo binh được bố trí thành hai căn cứ có thể phối hợp yểm hộ cho tất cả các cứ điểm. Căn cứ thứ nhất ở Mường Thanh gồm một tiểu đoàn pháo 105mm, một đại đội pháo 155mm và 16 khẩu cối 120mm. Căn cứ thứ hai ở Hồng Cúm có một tiểu đoàn pháo 105mm.

Thiết giáp: Chỉ huy trưởng: Đại úy Yves Hervouët (10 xe tăng hạng nhẹ M24 Chaffee)

Hỏa lực của mỗi cứ điểm thường có: 4 khẩu súng đại liên, 40 đến 45 khẩu súng tiểu liên, 9 khẩu súng trung liên, 9 khẩu súng phóng lựu đạn, 2 khẩu súng cối 60mm và 1khẩu pháo không giật 57mm. Ở những cứ điểm quan trọng, quân số được tăng thêm thì vũ khí cũng được tăng thêm tùy theo sự cần thiết. Đặc biệt còn có thêm vũ khí mới như súng phun lửa, các phương tiện chống đạn khói và súng hồng ngoại để bắn vào ban đêm mà không cần đèn.

Khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre đã cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích của việc xây dựng 2 sân bay này là để nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Một cầu hàng không nối liền sân bay Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai được thiết lập hoạt động tấp nập từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Hằng ngày có đến năm, sáu chục chuyến Dakota thả xuống khoảng 150 tấn hàng. Mức hoạt động của máy bay có khi lên đến 200 chuyến một ngày, mọi thứ đều phải nhờ máy bay chuyển đến tận nơi hoặc thả xuống pháo, đạn, thuốc men, dây thép gai, lương thực, thậm chí cả nước đá, rau tươi và nhiều thứ khác.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là cố gắng, nỗ lực cao nhất và cuối cùng của Pháp, Mỹ để giải quyết dứt điểm tình hình Đông Dương lúc này. Dù không có trong bản kế hoạch chiến lược của viên tướng thứ 7, nhưng cuối cùng vùng cửa ải biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam lại trở thành điểm mấu chốt của kế hoạch Navarre./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.373.586
    Online: 35