Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ - nơi ghi dấu sự kiện Chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta, là một trong 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước năm 2009, với 22 điểm di tích thành phần; năm 2015 được phê duyệt bổ sung 23 điểm di tích, tổng số điểm di tích được công nhận đến nay là 45 điểm di tích.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị to lớn về cả lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học và kinh tế. Đây là di tích đặc biệt có một không hai trên thế giới, có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với thế giới.

Về giá trị lịch sử, Di tích là minh chứng về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm; thể hiện tài thao lược, đường lối đúng đắn và sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta. Không chỉ vậy, giá trị cốt lõi của Di tích là tạo nên bản sắc của dân tộc, lưu truyền di sản cho các thế hệ sau, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tăng cường mối đoàn kết, gắn các dân tộc; có giá trị vô cùng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hun đúc lên tinh thần và cốt cách con người Việt Nam trong thời đại mới, là nơi để các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu.

Về mặt kinh tế, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được xác định là nguồn lực quan trọng, là tiềm năng lợi thế, sản phẩm chủ lực, nổi bật cho phát triển du lịch của không chỉ tỉnh Điện Biên, khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Các di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ là điểm nhấn thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế, là sản phẩm du lịch đặc trưng và thương hiệu du lịch Điện Biên, tạo sức thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giải trí …động lực chính vào phát triển du lịch của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lượng khách du lịch đến tham quan các điểm di tích tăng dần qua các năm. Năm 2018 đạt 379,69 ngàn lượt, trong tổng số 705 ngàn lượt khách du lịch đến Điện Biên (chiếm 54%), thu nhập từ du lịch đạt 1.155 tỷ đồng, số thu từ phí tham quan đạt 4.238,47 triệu đồng. Qua đó thúc đẩy các ngành dịch vụ và hàng hóa phát triển, thu hút đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong những năm qua, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân, nhân dân cả nước, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã đạt được kết quả tích cực. Toàn bộ 45 điểm di tích đã xác định được khu vực bảo vệ I, 30/45 điểm di tích có khu vực bảo vệ II, 28/45 điểm di tích được cắm mốc trên thực địa, 23/45 điểm di tích có đầy đủ Hồ sơ khoa học, 9/45 điểm di tích đã thực hiện đầu tư tôn tạo, vĩnh cửu hóa. Các điểm di tích được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ là những chứng tích chân thực nhất về lịch sử, góp phần quan trọng vào công tác phát huy giá trị các di tích gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa... Đặc biệt là phát huy giá trị Di tích phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh mà cụ thể là vào phát triển du lịch. Các di tích tiêu biểu của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ như đồi A1, hầm Đờ Cát, đồi D1 - Tượng đài Chiến thắng, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng… là những điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Điện Biên, tạo sản phẩm du lịch chủ lực - đặc trưng, góp phần quan trọng vào sự phát triển liên tục trong nhiều năm qua của ngành du lịch Điện Biên.

Tuy nhiên, do Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị, một số điểm di tích có các hộ dân sinh sống; hạn chế về nguồn lực nên công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa xứng với ý nghĩa và tầm vóc của di tích; phần lớn môi trường cảnh quan khu di tích chưa được khôi phục; chưa thể hiện được bối cảnh chiến trường xưa, thiếu các vị trí liên quan đến chiến dịch như vị trí tập kết lực lượng, hỏa lực, khu vực đảm bảo hậu cần, cứu thương, ... để thể hiện sự hiệp đồng tác chiến của Quân đội ta; cũng như thiếu các vị trí, sơ đồ kiến trúc các cứ điểm của quân Pháp; một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa hoàn chỉnh vì vậy không thể hiện rõ nét toàn cảnh chiến trường, không thấy rõ những diễn biến các cuộc giao chiến khốc liệt. Hiện nay, mới chỉ có 6/45 điểm di tích có bán vé tham quan. Hoạt động trải nghiệm, văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc chân thực về một chiến thắng lịch sử mang tầm cỡ quốc tế,  chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của khách tham quan trong nước và quốc tế.

Nhằm thúc đẩy phát huy giá trị các di tích Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ vào phát triển du lịch, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phát triển du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng hiện đại trên cơ sở phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng.

Để làm được điều đó, cần tập trung triển khai có hiệu quả “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1220/TTg-KGVX ngày 02/10/2019, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án theo từng giai đoạn, từng năm đạt hiệu quả và kết quả thiết thực. Trong đó, đến năm 2020 tập trung tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi nhằm phát huy giá trị Di tích gắn với Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Hoàn thành khoanh vùng, xác định phạm vi và cắm mốc giới khu vực bảo vệ Di tích. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ để không xảy ra tình trang xâm lấn Di tích. Tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng vào giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Tăng cường huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đảm bảo nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị Di tích gắn với phát triển du lịch.

Cùng với đó, đưa thêm các điểm Di tích đã được bảo tồn, tôn tạo vào bán vé, chương trình tham quan phục vụ du khách. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các hoạt động mới gắn với tham quan di tích lịch sử như các hoạt động trải nghiệm, khám phá giao thông hầm hào, nghe cựu chiến sỹ Điện Biên kể chuyện... và gắn kết chặt chẽ giữa du lịch lịch sử với du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, các dịch vụ giải trí, các sự kiện du lịch,... tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, phương pháp, công cụ giáo dục, tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị di tích lịch sử. Trong đó, duy trì các phương pháp truyền thông như hướng dẫn, thuyết minh trực tiếp, tổ chức triển lãm, tuyên truyền qua tài liệu ấn phẩm, biển bảng...

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và kết nối trực tiếp với các công ty du lịch, hãng lữ hành. Duy trì, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, lao động làm nhiệm vụ tại các điểm di tích, đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan tại các điểm di tích. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong việc phục dựng các di tích, sự kiện lịch sử và phát huy giá trị di tích như ứng dụng tham quan ảo, phần mềm thuyết minh tự động tích hợp nhiều ngôn ngữ khác nhau và các tính năng tương tác với du khách trong hành trình tham quan.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị như trên, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ sẽ tái hiện được những nét cơ bản cảnh quan lịch sử, hình ảnh chiến trường xưa, tăng tính thuyết phục, tính hấp dẫn cho di tích, tạo nên một hệ thống các di tích tương xứng với tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tạo ra sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng lịch sử và văn hóa của Điện Biên - Tây Bắc có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao; góp phần đưa Điện Biên từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh trong khu vực trong đó du lịch lịch sử là trụ cột; sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.917.737
    Online: 177