Dân tộc Mông cư trú gồm hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc trong một địa bàn khá rộng lớn, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn đến Nghệ An, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông và Tây Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên... Do tập quán du canh du cư nên một số người Mông trong những năm 1980 đến 1990 đã di dân vào khu vực Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Mông ở Việt Nam có dân số 1.068.189 người, trong đó tại Điện Biên có 170.648 người, chiếm 16,0% tổng số người Mông tại Việt Nam. Phân bố ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh. Người Mông gồm 05 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lềnh (Mông Đỏ), Mông Si (Mông Hoa), Mông Sua (Mông Xanh). Trong đó nhóm  ngành Mông đen tập trung chủ yếu ở TP. Điện Biên Phủ và các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, Nậm Pồ và Mường Nhé.

Dân tộc Mông, ngành Mông đen tỉnh Điện Biên cũng còn lưu giữ được khá nhiều lễ hội tiêu biểu như: Lễ cúng ma khô (Nhù Đa); Lễ lên nhà mới (Gia chế chá); Lễ cúng cửa nhà (ua đák chộng)...

Trong Lễ cúng cửa nhà (ua đák chộng) là một nghi lễ cúng trong nông nghiệp của dân tộc Mông, ngành Mông đen trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt thấy có hiện tượng không thuận lợi như: Trâu, bò, lợn, gà chết... gia chủ sẽ đi xem bói, khi sang nhà thầy bói phải mang theo ba nén hương đem sang nhà thầy, thầy cúng bảo phải làm lý thì mới chăn nuôi thuận lợi được. Sau khi thầy phán thầy yểm bùa vào ba que hương để gia chủ đem về, sau ba tháng nếu gia đình thấy chăn nuôi phát triển tốt hơn thì mới phải làm lý. Gia chủ chuẩn bị các đồ lễ cần thiết để mời thầy về cúng.

Nghi thức cúng cửa được diễn ra ngay tại giữa nhà, thầy cúng làm nghi thức cúng báo ma cửa và dâng con vật hiến tế, mọi nghi thức cũng như tiến hành chế biến con vật hiến tế đều được diễn ra trong nhà, bếp cũng được dựng ngay giữa nhà để làm chín thức ăn, bên cạnh trong của nhà có đào một cái hố để chôn tất cả những thứ bỏ đi của con vật hiến tế từ khi bắt đầu chế biến con vật hiến tế cho đến khi xong thủ tục cúng lễ cũng như liên hoan trong bữa cơm của gia đình tổ chức lễ cúng cửa nhà.

Sau khi con vật hiến tế được giết mổ và chế biến chín, thịt lợn được chặt đều chia vào chín chiếc chậu hoặc bát to (đồ để đựng gồm chín chiếc) được đặt ngay phía trong cửa nhà, từ lúc này không ai được phép đi qua cửa nhà cho đến khi xong nghi lễ cúng. Thầy cúng hoặc người am hiểu về nghi lễ cúng cửa nhà được gia chủ nhờ sẽ tiến hành làm nghi lễ cúng.

Nghi lễ khấn được thầy cúng lặp đi lặp lại chín lần, thầy cúng cầm thanh củi cháy dở vừa khấn vừa làm động tác khua đi khua lại có ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn trong gia đình gia chủ và xin những điều may mắn đến gia đình của gia chủ để thời gian tới gia chủ sẽ làm ăn chăn nuôi được nhiều thuận lợi. Cúng xong chín lần, bát thịt lợn đầu tiên dành cho người vợ ăn trước, mỗi thứ ăn một miếng nhỏ (làm lý) với ý nghĩa người phụ nữ trong gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nên phải được nếm trước để những điều may mắn đó hội tụ đầy đủ vào người phụ nữ trụ cột của gia đình, tiếp đến các bát tiếp theo được mời cho những người trong gia đình nếm mỗi thứ một ít (làm lý) và lấy đi chế biến thành món ăn để bày mâm cơm mời anh em họ hàng cùng dùng bữa cơm với gia đình.

Nghi lễ cúng cửa của dân tộc Mông, ngành Mông đen có thể coi là một nghi lễ giải hạn để cầu mong những điều may mắn nhất đến với gia đình làm lễ.

Trong quá trình chế biến và lọc thịt lợn chín để bày mâm cơm mời khách, tất cả xương lợn đã được lọc sạch thịt không còn dùng được nữa cũng phải gom hết lại cho vào năm chiếc chậu hoặc bát to (đồ để đựng gồm năm chiếc) được đặt phía trong cửa nhà, thầy cúng tiếp tục làm lễ. Tất cả xương lợn được đổ vào hố đào sau cánh cửa phía trong nhà để chôn lấp đi. Mọi nghi lễ cúng cửa nhà đều được diễn ra trong nhà, việc chôn cất các phế phẩm trong nghi thức cúng cửa nhà nhằm đánh dấu việc gia chủ đã làm đầy đủ nghi thức cúng tế.

Khi các thủ tục đã xong, thầy cúng làm nghi thức cúng khấn cuối cùng với ý nghĩa mọi sự may mắn sẽ đến với gia chủ. Thầy cúng lấy chín chiếc chén cho vào giọ đan treo trên cửa nhà gia chủ rồi đóng cửa nhà lại và cắm cành cây tươi ngoài cổng nhà để cấm trong ba ngày. Hết thời gian ba ngày, gia chủ sẽ làm mâm cơm mời một số anh em, họ hàng ở gần đến làm lý mở của chính giúp, mâm cơm được bày lên giữa nhà, gia chủ nhờ khách mở cửa nhà giúp, có thủ tục đối đáp xin phép mở cửa vào trong nhà giữ chủ và khách như: khách hỏi "chủ nhà có ở nhà không, tôi xin phép mở cửa vào nhé", gia chủ trả lời "chúng tôi có ở nhà, xin mời khách vào nhà chơi". Khách đã mở cửa vào trong nhà, gia chủ cảm ơn khách bằng hai chén rượu, khách gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới chủ nhà và chúc cho gia đình chăn nuôi được phát triển, mùa màng bội thu.

Đối với người không biết khi tới nhà trong ba ngày cấm cửa nhà, vô tình mở cánh cửa ra, gia chủ sẽ rót hai chén rượu mời khách, khách nhận hai chén rượu và có lời tạ lỗi với chủ nhà và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới gia chủ, chúc cho gia chủ làm ăn, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà được phát triển. Tiếp đến gia chủ làm mâm cơm mời khách ở lại dùng bữa cơm với gia đình coi như việc kiêng cửa nhà đã xong...đối với người biết mà cố tình làm thì sẽ bị phạt rất nặng.

Lễ cúng cửa nhà (ua đák chộng) của dân tộc Mông, ngành Mông đen là một trong những nghi lễ cúng điển hình, đậm đà bản sắc dân tộc cần được gìn giữ, phát huy giá trị. Góp phần xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.162.208
    Online: 33