Tháng 5 về, đường phố Điện Biên như bừng lên trong sắc thắm cờ hoa, khiến ta có cảm giác như mọi con đường đều đổ về thành phố đưa bước du khách trong và ngoài tỉnh đến với các điểm di tích trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, thăm những địa danh chỉ riêng ở Điện Biên như Hầm Đại tướng, đồi D, đồi A1… và đặc biệt là đến thăm Di tích tích lịch sử Đồi Him Lam, nơi diễn ra trận đánh mở màn trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Hôm nay thật vinh dự hơn khi chúng tôi được gặp một cựu chiến sĩ Điện Biên, đó là Bác Bùi Kim Điều ở phố 9, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ. Bác đã từng tham gia trực tiếp tại trận đánh Him Lam và nhiều trận đánh khác tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Trò chuyện cùng Bác mà hào khí trận đánh Him Lam qua hồi ức lại ùa về.

PV: Thưa Bác, trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi mà ngồi đây, tại di tích lịch sử của trận chiến mà trước đây Bác đã từng tham gia thì cảm xúc của Bác lúc này thế nào ạ?

Cựu chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều: Tôi rất vinh dự được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng rất vinh dự được là những người còn sống, rất vinh dự nữa là hôm nay lại được đặt chân lên đồi số 1 - Him Lam mà cách đây 66 năm tôi cùng 2 trung đoàn đã làm nên chiến thắng trận trong mở màn, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Xen lẫn với niềm vinh dự, tự hào, cũng có những phút giây mà người chiến sĩ Điện Biên năm xưa này lặng đi. Vì trong hồi ức của ông, dù ta có chiến thắng “ròn rã” như chính ông từng nhận định, thì quân đội ta vẫn có những hy sinh mất mát. Nhất là sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Nếu không có Phan Đình Giót nhanh chí, dũng cảm, chắc chắn, trận đánh mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta sẽ còn dài hơi hơn và một điều chắc chắn nữa là sẽ còn thiệt hại, đau thương, mất mát nhiều hơn về người và của.

Trở lại với trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ tại đồi Him Lam, quân đội ta dành được thắng lợi do nhiều yếu tố trước thách thức khủng bố của chỉ huy cứ điểm Him Lam mang tên Pi Rốt (Piroth).

PV: Thưa Bác, để nói đến trận đánh trận mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ thì đã tạo nên ấn tượng với rất nhiều người thuộc các tầng lớp nhân dân ở mọi thời kỳ. Vậy thì là người trực tiếp tham gia vào trận đánh mở màn này thì ấn tượng nhất đối với Bác là chi tiết nào ạ?

Cựu chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều: Trận đánh mở màn qua thực tế thì ông thấy trận này là trận phải nói là mở màn đầu tiên là chiến thắng giòn giã. Từ thằng Pirot đã từng chiến đấu ở Ý, đã cụt một cánh tay nhưng rất hiếu chiến. Nó vẫn thách thức Việt Minh, vẫn cho rằng cứ điểm này là bất khả xâm phạm thách thức Việt Minh bất kỳ hướng nào tới, chúng cũng đều nghiền nát như cối xay thịt. Lời nói của chúng rất kinh khủng. Ban chỉ huy chiến dịch cũng có những lo lắng ban đầu nên mới bố trí cả hai trung đoàn. Còn của nó chỉ có 500 quân thôi. Mình bố trí 2 trung đoàn với mục tiêu tiến công là phá vỡ phòng tuyến, tiêu diệt xóa sổ cứ điểm Him Lam.

Mục tiêu lớn đã đặt ra, cộng thêm tinh thần, ý chí quật cường, đặc biệt là sự chuẩn bị chu đáo, từ việc chỉnh quân chính trị, chỉnh huấn quân sự và chiến thuật, kỹ thuật cùng các phương tiện, vũ khí... của quân đội ta, dù Him Lam có được coi là “Quả đấm sắt” cũng không làm quân đội ta nao núng. Trận đánh mở màn tại Him Lam đã được bắt đầu vào 17 giờ 5 phút, ngày 13/3/1954. Toàn bộ lực lượng pháo binh của Việt Nam, 40 khẩu pháo của ta đồng loạt bắn tập kích vào cứ điểm Him Lam và phân khu trung tâm, yểm hộ cho bộ binh ta tấn công. Tại đây, cuộc chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều ổ súng ngầm của quân pháp bất ngờ xuất hiện, trút hỏa lực vào đội hình xung kích của ta. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt được cứ điểm 3, còn ở cứ điểm 1 và 2, ta và địch trong thế giằng co quyết liệt. Tiểu đội phó bộ binh Phan Đình Giót, Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, đã anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội xông lên tiêu diệt địch.

Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, vào 22 giờ 30 phút cùng ngày, ta đã giải phóng hoàn toàn cứ điểm Him Lam, tiêu diệt 200 tên, bắt sống 300 tên, thu toàn bộ vũ khí và trang thiết bị chiến đấu của địch, xóa sổ một đơn vị. Khí thế trận đánh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều.

Cựu chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều: Sau khi ông Giáp lệnh cho pháo binh chút lửa lên Him Lam, làm cho trận địa pháo của Him Lam im bặt. Thỉnh thoảng mới phản pháo được một hai lần thì cũng đều vào vị trí pháo giả của ta. Chúng bị thua là do chúng quá chủ quan và không nắm bắt được tình hình thực tế. Quân ta với khí thế ào ào tiến lên như thế thì ta đã làm chủ được hoàn toàn  ta đã ta đã bắt sống 300 tên tiêu diệt 200 tên nên là cả 500 tên của chúng không có tên nào chạy thoát.

Để có được chiến thắng quan trọng này, quân đội ta dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện một quyết định thần tốc: chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời có sự thay đổi chiến thuật nhất định trong trận đánh mở màn nhằm đánh lừa địch. Đây là điều mà Cựu chiến binh Bùi Kim Điều cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện dài về trận đánh này.

Cựu chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều: Khả năng đánh nhanh thắng nhanh thì ta không thể thắng được nên là phải theo từng bước. Cho nên ta mới thực hiện kéo pháo ra để chuẩn bị thêm lực lượng. Thêm nữa là để ta đánh lừa, tức là ở vị trí ban đầu ta bố trí những khẩu pháo gỗ giống như những khẩu pháo của ta và có ngụy trang thay đổi hàng ngày nên địch qua ống nhòm vẫn thấy pháo của ta và vẫn thấy người đi ra đi vào nên chúng tin tưởng đó là trận địa pháo của mình. Rồi thì tất cả pháo của chúng tập trung ngắm vào vị trí đó. Còn với mình thì sau khi kéo pháo ra rồi kéo pháo vào thì mình không Vào cái đường đó nữa, mình làm đường khác kéo vào đường khác và đi đến đâu ngụy trang đến đó nên chúng không phát hiện được.  Nên trận địa pháo của ta về sau này chúng gần như là mù không phát hiện được nên khi ta nổ pháo thì chúng bắn trả vào toàn bộ trận địa giả của mình. Khi ta cấp tập tiến vào mấy đợt sau thì chúng bị đè bẹp luôn, làm mất tinh thần của chúng. Chúng bắn loạn xạ rồi cứ thế chạy lên đồi và quân ta đuổi theo tiêu diệt.

Cũng trong câu chuyện với nhân chứng sống của trận đánh Him Lam này, ông cũng không quên hình ảnh: lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” do Trần Can cắm đã tung bay trên cứ điểm 1 trước giờ quy định 30 phút. Chiến thắng tại trận mở màn Him Lam đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

PV: Thưa Bác, trong hồi ức của Bác thì hình ảnh quân ta trong giây phút chiến thắng tại trận đánh Him Lam như thế nào?

Cựu chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều: Lúc đó tôi cảm thấy vui mừng lắm, phấn chấn lắm. Một phần quân ta thì được phân công áp giải 300 tên về hậu cứ, còn lại một đội quân tiến thẳng qua rừng tre, sang bao vây Độc Lập. Khí thế cứ hừng hực và vui mừng mà tiến công thôi.

Cựu chiến binh Bùi Kim Điều (Thứ 2 từ trái sang)

Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên đỉnh Him Lam đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta, đã đủ sức tiến công tiêu diệt một tiểu đoàn tinh nhuệ bậc nhất của địch trong công sự vững chắc, báo hiệu một sự kiện tương tự diễn ra 55 ngày sau đó: Cũng lá cờ vinh quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại cắm trên hầm chỉ huy của Đờ Cát, đánh dấu bước nhảy vọt của quân đội ta, đã đủ sức tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, tạo nên chuyển biến lớn trong cục diện chính trị và quân sự của đất nước ta sau 9 năm kháng chiến trường kỳ. Vì thế, chào mừng thắng lợi Điện Biên Phủ, nhà thơ Tố Hữu viết hai câu thơ sáng mãi với thời gian:

“9 năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.”

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.365.116
    Online: 62