Trong 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Mông là dân tộc đông thứ 2, chiếm khoảng trên 38% dân số trong toàn tỉnh. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đang được quan tâm và chú trọng.

Dân tộc Mông tại tỉnh Điện Biên tập trung sinh sống khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên; được chia ra làm 5 ngành là: Mông Đen, Mông Trắng, Mông Xanh, Mông Hoa và Mông Đỏ. Giữa các ngành Mông thường dựa vào trang phục để nhận biết.

Nhìn chung, phụ nữ dân tộc Mông thường mặc áo xẻ ngực không cài nút, gấu áo không may lại, có thể cho vào trong váy. Váy thường ngắn đến đầu gối, nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn, khi đi váy đung đưa lượn sóng tạo dáng đi uyển chuyển cho người phụ nữ.

Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông có sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác.

Để có được những bộ trang phục như ý, người phụ nữ Mông đã cần mẫn trồng lanh, se sợi, dệt vải, vẽ sáp ong, sau đó mới nhuộm chàm rồi may cắt và thêu hoa cho váy áo. Phải mất hàng năm trời để hoàn thiện những bộ trang phục truyền thống từ loại sợi tự nhiên đặc biệt này. Về mặt kỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo nên nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt. Những thành quả ấy tưởng chừng như một công việc đời thường được những người phụ nữ thực hiện vào những ngày nông nhàn.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông, ngành Mông đỏ. Bộ trang phục gồm có 05 chi tiết: áo xẻ ngực, váy, tạp dề, thắt lưng và xà cạp.

Áo: Áo của phụ nữ dân tộc Mông ngành Mông Đỏ có màu đen, được may 2 lớp, lớp trong đã bị bạc, tà trước ngắn. Cổ áo bẻ ra sau có hình chữ nhật, được trang trí bởi các khổ vải màu sắc khác nhau tạo thành các múi hình vuông nhỏ. Cổ phía trước hình chữ V, xung quanh cổ áo được nẹp bằng vải màu đỏ, phía bên trong hai bên vạt áo được nẹp bằng dải vải hoa màu xanh. Phần tay áo có may các mảnh vải hoa theo vòng tay áo.

Váy: Váy được làm bằng vải màu đen, được may ngắn đến đầu gối, váy xếp ly nhỏ được trang trí các họa tiết hình sọc, hình chấm tròn, váy được táp các đường vải màu đỏ xen kẽ các họa tiết thêu chữ thập bằng các loại chỉ màu khác nhau.  Cạp váy màu xanh, hai bên có dây buộc bằng vải xanh và đen. Chiếc váykhông chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, là vật để che thân mà chiếc váy còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ. Váy được trang trí đẹp là thước đo tài năng của người phụ nữ Mông. Vẻ đẹp của váy là một tác phẩm văn hóa vừa gắn chặt nhu cầu của đời thường với nhu cầu thẩm mỹ.

Tạp dề: Tạp dề được làm bằng vải màu đen có hình chữ nhật, dùng để buộc phía trước váy. Tạp dề không có hoa văn, hai đầu hai sợi dây dùng để buộc vào bụng.

Xà cạp: Có dạng hình tháp hoặc tam giác vuông, có màu đen không có hoa văn. Xà cạp được dùng để quấn vào bắp chân khi đi làm và vào các ngày lễ hội. Có hai dây dời dùng để buộc xà cạp cho chắc.

Thắt lưng: Thắt lưng được may 2 lớp; lớp trong được may bằng vải hoa nền đỏ, lớp ngoài được trang trí bởi các mảnh vải hình vuông màu xanh, cam. Trên các mảnh vải vuông được trang trí các hình xoắn ốc và các đường chỉ màu. Xen kẽ các mảnh vải vuông là các mảnh vải trắng thêu hoa.  Chính giữa thắt lưng có khổ vải màu xanh không trang trí hoa văn. Hai bên đầu thắt lưng là hai dây buộc bằng vải màu đỏ.

Trang phục truyền thống là một phần không thể tách rời trong di sản văn hóa vật chất của tộc người. Qua trang phục truyền thống của một dân tộc, người ta có thể thấy được nhiều điều về lịch sử dân tộc, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như những sắc thái riêng của cộng đồng dân tộc đó. Khi đời sống sản xuất của người dân vùng cao thoát khỏi phương thức tự cung tự cấp, có sự thay đổi về kinh tế, sự giao thoa giữa các nền văn hóa thì cũng đồng nghĩa với việc một số nghề thủ công truyền thống sẽ dần bị mai một, trang phục truyền thống cũng sẽ có sự thay đổi./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.365.130
    Online: 67