Ý nghĩa Ngày Quốc tế Người khuyết tật
Ngày Quốc tế Người khuyết tật do Chương trình Thế giới Hành động về Người khuyết tật khởi xướng và được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 1982.
Ngày Quốc tế Người khuyết tật (ngày 03/12) là một ngày kỷ niệm mang tính quốc tế được thúc đẩy bởi Liên hiệp quốc từ năm 1992. Nó đã được tổ chức với mức độ khác nhau ở từng nước. Ngày Quốc tế Người khuyết tật được ra đời nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Nó cũng tìm cách nâng cao nhận thức lợi ích được bắt nguồn từ sự tích hợp của người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Mỗi năm sẽ có một chủ đề khác nhau.
Lịch sử Năm Quốc tế về người khuyết tật 1981
Trong năm 1976, Đại hội đồng Liên hiệp quốc công bố năm 1981 là Năm quốc tế về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật.
Để cung cấp một khung thời gian mà các chính phủ và tổ chức có thể thực hiện các hoạt động được đề nghị trong chương trình hành động, Đại hội đồng tuyên bố 1983 - 1992 là thập kỷ của Liên hiệp quốc về người khuyết tật và lấy ngày 03 tháng 12 hàng năm là Ngày người khuyết tật quốc tế.
Chủ đề của Ngày quốc tế Người khuyết tật năm 2016 là “Hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững! Cho một Tương Lai Chúng Ta Mong Muốn”, năm 2016 cũng là năm mà Liên hiệp quốc vừa chính thức thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững cho chương trình nghị sự đến năm 2030 trong đó có 11/17 mục tiêu nhắc đến người khuyết tật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc để có một mục tiêu phát triển bền vững thì việc tham gia và bình đẳng của người khuyết tật trong đời sống xã hội là một trong những điều tiên quyết cần thực hiện.
Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD)
Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật là hiệp ước quốc tế xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia. Mặc dù không thiết lập các nhân quyền mới nhưng đây là công ước quốc tế về nhân quyền đầu tiên của thế kỷ 21, đồng thời cũng là công cụ luật pháp đầu tiên bảo vệ toàn diện quyền của người khuyết tật.
Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2016 trùng với lễ kỷ niệm 10 năm Công ước về quyền của người khuyết tật được thông qua - đây là một trong các Công ước quốc tế được phê chuẩn rộng khắp và nhanh nhất bởi Liên hiệp quốc cho đến nay. Ngày 13 tháng 12 năm 2006, Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD), ngày này đánh dấu bước tiến quan trọng của Liên hiệp quốc và các quốc gia về quyền của người khuyết tật trên toàn thế giới. Đến nay đã có 166 quốc gia phê chuẩn Công ước. Ngày 28 tháng 11 năm 2014 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức phê chuẩn CRPD tại Việt Nam.
Sự kiện Ngày Quốc tế người khuyết tật năm 2016 nhấn mạnh những nỗ lực hướng tới việc phê chuẩn toàn cầu của CRPD, những ý tưởng cho việc phát triển mục tiêu của Công ước, và phản ánh về những thách thức tồn tại để hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu của CRPD./.