Đại hội là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của mỗi đảng bộ sau 1 nhiệm kỳ. Đại hội thành công không chỉ thể hiện năng lực, sự đoàn kết của cấp ủy, sự thành công trong công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ nhiệm kỳ trước mà còn là tiền đề, động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, mỗi kỳ đại hội luôn đặt ra yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Một trong những công việc quan trọng phải chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp đó là công tác chuẩn bị văn kiện đại hội; trong đó báo cáo chính trị được xác định là trọng tâm của văn kiện; là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung báo cáo chính trị thể hiện những kết quả, thành tựu, kinh nghiệm, bài học rút ra; đồng thời thể hiện tầm nhìn của cấp ủy, khả năng hoạch định đường lối phát triển; sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp để địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Sau đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua cho thấy, cơ bản báo cáo chính trị được các cấp ủy đầu tư xây dựng nên có chiều sâu, sát thực tiễn; các mục tiêu đề ra có tính khả thi, sẵn sàng tâm thế bước vào nhiệm kỳ mới.
Xác định việc xây dựng văn kiện đại hội là cả quá trình xuyên suốt có tính kế thừa, kế tiếp. Văn kiện đại hội chất lượng sẽ giúp cấp ủy, tổ chức đảng có được chủ trương, giải pháp lãnh đạo sát, đúng cho nhiệm kỳ sau. Đây cũng là vấn đề trọng tâm, liên tục xuyên suốt được đề cập tới trong Kế hoạch số 79 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 35, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kế hoạch chỉ rõ, báo cáo chính trị phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu, khuyết điểm trên các lĩnh vực; nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và với tầm nhìn xa hơn…
Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo, báo cáo chính trị đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh vừa qua thể hiện rõ sự chuyển biến tích cực, đánh giá toàn diện, nghiêm túc các lĩnh vực. Các báo cáo chính trị tập trung đánh giá kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; làm rõ và chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, yếu kém; rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới… Đặc biệt trong quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, cấp ủy tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cán bộ, nhân dân. Không chỉ trong quá trình xây dựng mà tại đại hội, nhiều ý kiến đóng góp xây dựng trực tiếp vào báo cáo chính trị thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên vào đường hướng, giải pháp lãnh đạo của cấp ủy trong nhiệm kỳ tới. Những ý kiến đóng góp thiết thực, cụ thể đó vừa góp phần bổ sung, hoàn thiện các nội dung dự thảo văn kiện trình đại hội vừa khơi dậy, phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của tập thể nói chung, cá nhân nói riêng trong việc góp công sức, hiến kế để các mục tiêu, nghị quyết đại hội đề ra.
Xác định báo cáo chính trị là trung tâm của văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện, đồng chí Phạm Đức Toàn, Bí thư Huyện ủy Điện Biên đã nhấn mạnh việc xây dựng báo cáo chính trị phải dự báo đúng tình hình, những tác động tới sự phát triển của địa phương. Trên cơ sở đó, định hướng, xác định khâu đột phá, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu phát triển. Vì thế những giải pháp, mục tiêu được nêu trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên vừa qua thể hiện tầm nhìn, vừa có tính cơ bản trước mắt vừa là chiến lược lâu dài, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Toàn cho biết, đảng bộ xác định xây dựng huyện Ðiện Biên phát triển toàn diện, bền vững. Với tiềm năng, lợi thế của huyện nông nghiệp, vùng chủ lực lúa của tỉnh với cánh đồng Mường Thanh trù phú nên trong mục tiêu đưa kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia khai thác các tiềm năng; đại hội xác định đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, khai thác, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Huyện tăng cường thu hút các doanh nghiệp có năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư quy mô lớn để khai thác tiềm năng đất đai; phát huy hiệu quả sản xuất sau dồn điền, đổi thửa; hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại cánh đồng Mường Thanh; hoàn thành xây dựng thương hiệu gạo Ðiện Biên và một số nông sản có thế mạnh, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành công của Đại hội Đảng bộ TP. Điện Biên Phủ, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua cũng có sự đóng góp quan trọng việc phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong thảo luận các văn kiện đại hội, trọng tâm là báo cáo chính trị để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của thành phố nhiệm kỳ tới. Dự thảo văn kiện có sự tham gia trí tuệ của cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Ông Nguyễn Sỹ Biên, phường Thanh Bình hơn 65 tuổi dự đại hội phấn khởi cho rằng, các ý kiến tham luận tại đại hội đã đi thẳng vào những vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm, như: công tác quản lý đô thị, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; vấn đề phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng bền vững…
Cùng với báo cáo chính trị, chương trình hành động là chủ trương mới và cũng là điểm mới đáng lưu ý nhất trong xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 so với nhiệm kỳ trước. Do đó, việc xây dựng và thảo luận dự thảo chương trình hành động tại đại hội đảng bộ các cấp luôn được quan tâm.
Đồng chí Phan Bá Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Chương trình hành động được tiến hành thảo luận và thông qua ngay tại đại hội. Việc lựa chọn khâu đột phá trúng, đúng là tiền đề để xây dựng và ban hành nghị quyết, chương trình hành động và các nhóm giải pháp hiệu quả. Những nhiệm kỳ trước xây dựng chương trình hành động là việc do Ban Chấp hành (BCH) khóa mới thực hiện sau đại hội, còn ở nhiệm kỳ này xây dựng dự thảo là việc của BCH khóa cũ. Việc xây dựng chương trình hành động trước, trong đại hội là chủ trương đúng đắn của Trung ương. Cách làm này buộc các cấp ủy và đại hội tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề lớn theo nguyên tắc rõ việc, rõ thời gian, đối tượng thực hiện... Như vậy, nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Đại hội Đảng bộ huyện Mường Ảng lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng báo cáo chính trị mà còn thể hiện trong việc xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ trước và trong đại hội. Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy cho biết: Mục tiêu BCH Đảng bộ huyện đề ra đó là xây dựng chương trình hành động đảm bảo tính định hướng, tập trung, đồng bộ và tổng thể. Cụ thể là xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng nông thôn mới; quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng trung tâm huyện từng bước hoàn thiện đồng bộ, môi trường bền vững; văn hóa - xã hội phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục nâng lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thế trận phòng thủ vững chắc, xây dựng huyện Mường Ảng trở thành vùng phát triển, đô thị cửa ngõ của tỉnh. Chính việc đề ra được mục tiêu của chương trình hành động toàn khóa sát thực và phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên các đại biểu tham gia ý kiến và tán thành cao với 12 chỉ tiêu chủ yếu và 7 chương trình cụ thể đại hội đề ra. Thêm nữa việc dành thời gian phù hợp thảo luận dự thảo chương trình hành động tại đại hội đã chuyển tải tinh thần hành động tới các đại biểu nhanh chóng, có sức nặng hơn; giúp nghị quyết đại hội nhanh đi vào cuộc sống.