Không biết từ bao giờ, người Khơ Mú đã cùng nhau sáng tạo nên những điệu múa gắn với lễ hội, gắn với đời sống sinh hoạt mà cộng đồng gọi là “tẹ” (nghĩa là múa) mang nội dung về sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực của con người trước thiên nhiên; về cuộc sống lao động, sản xuất, vì sự ấm no của mỗi gia đình với cách thể hiện khỏe khoắn, sôi động và lạc quan.
Các điệu múa nổi bật như: múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêps); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do), múa đuổi chim... Thông qua các điệu múa, họ gửi gắm niềm tin, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Khơ Mú ở Điện Biên.
Nghệ thuật múa của người Khơ Mú đã đã thể hiện được bản sắc văn hóa tộc người, chứa đựng tri thức dân gian của cộng đồng về ý nghĩa, giá trị của các điệu múa. Nghệ thuật múa Khơ Mú góp phần bảo tồn trang phục truyền thống bởi khi múa, ngoài những động tác cơ bản thì trang phục dân tộc cũng tôn thêm vẻ đẹp của múa Khơ Mú và quá trình phát huy các điệu múa không thể không sử dụng trang phục dân tộc. Bên cạnh đó Nghệ thuật múa Khơ Mú còn góp phần bảo tồn các lễ hội truyền thống gắn liền với những tập quán xã hội và tín ngưỡng bởi khi lễ hội diễn ra là đồng nghĩa với việc người Khơ Mú thực hành các điệu múa, ngược lại, duy trì các điệu múa cũng là để phục vụ cho các lễ hội và các cuộc vui trong cộng đồng.
Múa Chọc lỗ tra hạt
Nét đặc trưng trong Nghệ thuật múa của người Khơ Mú đó là sử dụng các đạo cụ từ những nguyên liệu tự nhiên như ống tre, ống nứa. Điều này xuất phát từ tập tục sinh hoạt trong đời sống từ xưa tới nay luôn gắn liền với yếu tố rừng tự nhiên. Tổ tiên của người Khơ Mú cũng khởi điểm bằng cuộc sống săn bắt, hái lượm. Họ sống dựa vào tự nhiên, khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có ở trong rừng, trong đó tre, nứa là những nguyên liệu gắn với đời sống của người Khơ Mú nhất: từ nguyên liệu để làm nhà, các vật dụng trong sinh hoạt, trong lao động, lấy măng tre để làm thức ăn - măng là món ăn khá phổ biến và giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Khơ Mú bởi vậy họ đã tổ chức Lễ mừng măng mọc. Tre, nứa không chỉ có giá trị trong đời sống vật chất mà còn khẳng định giá trị trong đời sống tinh thần - đó là trở thành đạo cụ trong các điệu múa tạo nên nét độc đáo và đặc trưng đối với nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khơ Mú.
Một số đạo cụ được sử dụng trong múa đồng thời cũng được coi là nhạc cụ tạo ra âm nhạc để dẫn dắt người múa theo những nhịp điệu, tiết tấu riêng. Chẳng hạn như múa dỗ ống thì các ống tre được gõ xuống nền nhà sàn hay mặt gỗ để tạo âm thanh, nhịp điệu trong múa; múa tăm đao cũng vậy, tăm đao khi được người phụ nữ sử dụng để đi nương, đi rừng tạo âm thanh vui tai và còn được sử dụng để múa (có 02 trường hợp, thứ nhất là làm đạo cụ để múa mà không quan tâm đến sử dụng, điều chỉnh âm thanh; thứ 02 là làm nhạc cụ vì tăm đao có những lỗ để điều chỉnh âm thanh, người sử dụng biết cách điều chỉnh âm thanh như điều chỉnh các nốt nhạc để tạo ra nhạc điệu cho người múa. Có thể dùng một tam đao chính để tạo ra âm nhạc đệm cho tốp múa hoặc tất cả những người sử dụng tam đao khi múa cùng hòa nhạc một cách đồng điệu kết hợp với những động tác múa mềm mại, uyển chuyển).
Các động tác trong nghệ thuật múa của người Khơ Mú thường gắn với các hoạt động trong đời sống sinh hoạt như: làm nhà, chọc lỗ tra hạt, cá lượn, đuổi chim, đi rừng đi nương... Bên cạnh đó, một số điệu múa còn gắn với các nghi lễ như múa sạp được sử dụng trong lễ cầu mưa - múa để mong trời cho mưa xuống. Động tác múa Khơ Mú thường nhanh, mạnh, thể hiện sự khỏe khoắn, sôi động, lạc quan.
Trong múa Khơ Mú dễ nhận thấy thường không có múa nam riêng mà chỉ có múa nữ riêng và kết hợp múa nam - nữ. Những điệu múa đòi hỏi sự kết hợp giữa nam và nữ còn tồn tại khá phổ biến như: múa sạp, múa dỗ ống (tăng bẳng tăng bu).
Múa Ôm đing (dỗ ống) mừng nhà mới
Động tác múa Khơ Mú mang tính kỹ thuật cao: Bên cạnh những động tác múa đơn giản như múa vòng (múa tập thể, múa cộng đồng) thì còn có những động tác múa phức tạp đòi hỏi người tham gia phải linh hoạt, thích ứng nhịp nhàng với âm nhạc, có độ mềm dẻo nhất định và có tâm hồn nhạy cảm. Khi múa phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển của nhiều động tác trên cơ thể như: lên, xuống, uốn lượn, lắc ngang từ chân đến tay, bụng. Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người múa đều rung lên thể hiện sức sống dồi dào, người múa như đắm mình trong những tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng và thăng hoa trong các điệu múa.
Nghệ thuật múa của người Khơ Mú còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao thể hiện ở việc thu hút đông đảo các chủ thể tham gia thực hành múa và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Người Khơ Mú cũng có múa vòng (xòe vòng) đã thể hiện rất rõ tính cộng đồng, tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia.
Nghệ thuật múa Khơ Mú tồn tại, phát triển đến nay là một minh chứng lịch sử cho sự phát triển của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam nói chung và của dân tộc Khơ Mú nói riêng. Thông qua Nghệ thuật múa Khơ Mú có thể nghiên cứu, tìm về lịch sử hình thành bản sắc văn hóa của người Khơ Mú và hiểu được những tư duy, sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng.
Người Khơ Mú có một kho tàng về ngữ văn dân gian, trong đó có những truyện kể dân gian nói về sự tích ra đời một số điệu múa. Giữ gìn những điệu múa cũng đồng nghĩa với việc phát huy giá trị của ngữ văn dân gian. Bên cạnh đó, khi thưởng thức những điệu múa sẽ được chiêm ngưỡng cả vẻ đẹp tinh túy của những bộ trang phục truyền thống. Âm nhạc, đạo cụ sử dụng trong múa cũng phản ánh sự sáng tạo và tri thức của người Khơ Mú. Hơn nữa, tìm hiểu về múa Khơ Mú còn giúp chúng ta am hiểu về các lễ hội truyền thống cũng như các tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Khơ Mú bởi những điệu múa được bắt nguồn từ trong đời sống sinh hoạt, từ trong các lễ hội. Nghệ thuật múa Khơ Mú đã trở thành phong tục của cộng đồng và cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng trong các lễ hội, ngày hội, các cuộc vui của cộng đồng.
Nghệ thuật múa Khơ Mú được sáng tạo từ quan niệm, tư duy, cảm nhận về cái đẹp, về giá trị thẩm mỹ; đồng thời thực hiện các chức năng nghệ thuật là giáo dục thẩm mỹ, đem lại sự cảm thụ về cái đẹp cho mọi người. Cái đẹp ấy được bắt nguồn từ ý tưởng thẩm mỹ và sự sáng tạo của mỗi dân tộc. Do vậy, giá trị thẩm mỹ của múa Khơ Mú được hình thành và mang những nét độc đáo riêng theo con mắt cảm quan nghệ thuật của người Khơ Mú. Các điệu múa của người Khơ Mú đã nêu lên quan niệm về cái đẹp đối với con người, thiên nhiên và đất trời. Các điệu múa đã thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa, cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp dân bản có cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu. Quan niệm thẩm mỹ còn được thể hiện ở trang phục múa với nhiều màu sắc, đường nét hoa văn độc đáo hoặc sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa các nhạc cụ, đạo cụ trong múa. Quan niệm thẩm mỹ về múa Khơ Mú luôn được sáng tạo cho phù hợp với trình độ thẩm mỹ và tri thức của cộng đồng.
Múa Ong eo
Sự tồn tại và phát triển của Nghệ thuật múa Khơ Mú đến nay là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước đối với văn hóa các dân tộc, một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ. Nghệ thuật múa Khơ Mú được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào, được coi là phương thức cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời Nghệ thuật múa Khơ Mú còn là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Nghệ thuật múa Khơ Mú là nét đẹp văn hóa được cộng đồng gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, Nghệ thuật múa Khơ Mú còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng sóng đôi sánh bước thể hiện những điệu múa nhịp nhàng và bày tỏ tình cảm của mình. Nghệ thuật múa Khơ Mú đã mang đậm tính dân tộc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.
Di sản Nghệ thuật múa Khơ Mú là tài sản vô giá của đồng bào, là sợi dây gắn kết cộng đồng và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần tăng cường giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các quốc gia đồng thời nâng cao cả về thể lực, trí lực, trình độ thẩm mỹ cho công chúng yêu và có sở thích nghiên cứu, thực hành nghệ thuật múa Khơ Mú. Vì vậy, cần hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể trong Nghệ thuật múa Khơ Mú. Ngày nay Nghệ thuật múa Khơ Mú có thể khai thác, phát huy giá trị để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.