Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nói chung và lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng, trong 5 năm qua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII của tỉnh Điện Biên, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các văn bản, cụ thể:
- Kết luận số 01-KL/TU ngày 20 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
- Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14 tháng 10 năm 2016 về việc thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
- Quyết định số 1430/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và một số văn bản của UBND tỉnh, văn bản của Sở hướng dẫn, chi tiết thực hiện các kết luận, kế hoạch của tỉnh.
Trong đó đa số các chỉ tiêu quan trọng của Kết luận số 01-KL/TU ngày 20 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, đã đạt và vượt, cụ thể như:
- Đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích, đạt 100% ; có 25/67 di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, đạt 41,4%; có 09/24 di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích quốc gia, 01 di tích cấp tỉnh), đạt 300%; toàn bộ số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung được bảo quản, đạt 100% so với mục tiêu Kết luận số 01-KL/TU.
- Có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đạt 94,7% . Đến nay tỉnh đã kiểm kê được 18 dân tộc.
- Có 11/19 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy, đạt 115,6% so với mục tiêu của Kết luận số 01-KL/TU.
- Có 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đạt 100%; có 02 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đạt 200%.
- Có 26 Nghệ nhân được lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đạt 200%, trong đó có13/13 nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chế độ theo quy định hiện hành, đạt 100%.
- Có 88/129 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và tự chủ được chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện, chiếm 68,2% tổng số xã, phường, thị trấn, đạt 157% ; có 635/1.441 thôn, bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, có chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện, chiếm 44,1% tổng số thôn, bản, tổ dân phố, đạt 147% so với mục tiêu; có 776/1.441 thôn bản, tổ dân phố được gắn biển tên, chiếm 53,8% tổng số thôn bản, tổ dân phố, đạt 53,8% so với mục.
- Có 218/225 cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa bàn, là người có thời gian sinh sống lâu dài trên địa bàn, có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương, chiếm 96,8% tổng số cán bộ văn hóa xã hội cấp xã, đạt 101,9% so với mục tiêu; có 225/225 số cán bộ văn hóa xã hội cấp xã được đào tạo đúng chuyên ngành, phù hợp với vị trí việc làm, đạt 200% so với mục tiêu của Đề án; có 100% số cán bộ văn hóa xã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm, đạt 100% so với mục tiêu.
- Đến nay có 09/10 huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu , đạt 90% so với mục tiêu; hoạt động du lịch tại cộng đồng đi vào nề nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Đã và đang đầu tư bảo tồn 02 bản văn hóa truyền thống dân tộc (bản Che Căn, xã Mường Phăng và bản truyền thống dân tộc Khơ Mú, tại bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ), đạt 66,6%; có 11 bản văn hóa - du lịch được quan tâm hỗ trợ (trong đó tập trung công tác đào tạo, tập huấn trang bị về kiến thức, kỹ năng trong hoạt động du lịch; chưa đầu tư bảo tồn văn hóa, nâng cấp về cơ sở hạ tầng để hoạt động du lịch), số bản văn hóa, du lịch được hỗ trợ đạt 220% so với mục tiêu.
- Tỉnh Điện Biên đã triển khai bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người (dân tộc Si La và dân tộc Cống) thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa. Đến nay đã bảo tồn Lễ cầu mùa và mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Si La. Đối với dân tộc Cống đã bảo tồn và lập hồ sơ khoa học di sản Tết Hoa (Tết truyền thống của người Cống) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời đã mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Cống; đã bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Cống và Si La.
Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực di sản văn hóa:
*Lĩnh vực văn hóa vật thể
- Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích
Trong 05 năm qua, tỉnh Điện Biên có 06 di tích được cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xếp hạng (gồm 02 di tích cấp quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh). Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 24 di tích được xếp hạng (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh).
- Công tác khoanh vùng, cắm mốc các khu vực bảo vệ di tích:
+ Năm 2016 thực hiện cắm mốc khoanh vùng bảo vệ cho di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (45 mốc).
+ Năm 2017: Thực hiện cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn tới các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
- Công tác trùng tu, tôn tạo di tích tiếp tục được đầu tư nhằm bảo vệ nguyên trạng, chống xâm hại, xuống cấp và phát huy giá trị các di tích triển khai với quy mô lớn, một số Dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã thực hiện như:
+ Bảo tồn, tôn tạo di tích tháp Mường Luân, di tích Tháp Chiềng Sơ, Hang Mường tỉnh, tại huyện Điện Biên Đông; động Pa Thơm huyện Điện Biên; Di tích thành Bản phủ tại huyện Điện Biên; hang động Xá Nhè và Khó Chua La, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.
+ Tham mưu trình UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; Sở tiếp tục tham mưu các nội dung: Dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Dự án Khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các điểm di tích thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030...
+ Tiếp tục triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo di tích khu trung tâm đề kháng Him Lam.
+ Tổ chức bảo trì, sửa chữa thường xuyên một số điểm di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng; Di tích đồi A1; cầu Mường Thanh; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa Khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng...) nhằm phục vụ lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Chỉ đạo tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa, trong đó trọng tâm là công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
- Công tác sưu tầm hiện vật đã được tổ chức thực hiện hàng năm. Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 416/KH-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2019 về tổ chức Lễ phát động hiến tặng tư liệu, tài liệu, hiện vật, kỉ vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trưng bày nhằm phát huy giá trị.
Từ năm 2016 đến tháng 7/2020 tổng số hiện vật được sưu tầm là 1.063 hiện vật; trong đó Bảo tàng tỉnh sưu tầm được 628 hiện vật, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sưu tầm được 435 hiện vật. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng mục hiện vật thuộc chuyên mục di sản văn hóa trên Cổng thông tin điện tử của Sở nhằm đăng tải, giới thiệu nội dung, ý nghĩa và giá trị của các hiện vật của Bảo tàng.
* Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
- Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, di sản “Nghệ thuật xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Xòe Thái” . Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm triển khai: Đã tiến hành kiểm kê chi tiết về di sản văn hóa của 07 dân tộc: Khơ Mú, Tày, Nùng, Mường, Thổ, Dao, Mông (gồm ngành Mông xanh và Mông đen).
- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính Phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn; đã có 20/28 Nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh theo quy định.
- Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện:
+ Đã tiến hành bảo tồn một số di sản từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với 05 lễ hội được bảo tồn.
- Công tác sưu tầm, bảo tồn và dịch thuật, in ấn tài liệu chữ cổ đang được triển khai thực hiện, đến nay đã sưu tầm được hơn 200 cuốn sách (tài liệu) cổ của các dân tộc Thái, Dao, Lự. Hiện tại, các sách được lưu trữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Kết quả giai đoạn 2016 - 2020 đã tổ chức 1.236 lớp tiếng Thái, thu hút 33.459 học sinh; 1.402 lớp tiếng Mông, thu hút 40.277 học sinh. Thông qua việc học tiếng nói, chữ viết dân tộc giúp các em học sinh có thể tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm các vấn đề về xã hội, tự nhiên, con người; đặc biệt là truyền thống văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó còn mở các lớp dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho cán bộ công chức, viên chức các ngành trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức có thể giao tiếp thuận lợi với người dân trong quá trình công tác.
Trong những năm qua, quá trình triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đã bám sát mục tiêu của Kết luận số 01-KL/TU đã đề ra. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
- Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả tích cực, song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt so với mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; số dân tộc được kiểm kê; các huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể; số bản văn hóa truyền thống được bảo tồn; số thôn bản, tổ dân phố được gắn biển tên.
Quá trình bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện. Nguồn lực đầu tư để triển khai Đề án một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả.
- Chưa chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc như: Trụ sở làm việc và nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh Điện Biên chưa được quy hoạch, đầu tư, hiện vẫn đang ở tạm tại Nhà kho hiện vật lòng hồ sông Đà thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên, do vậy rất khó khăn và hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học về các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu của khách du lịch và các nhà khoa học trong và ngoài nước.
- Công tác bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc rất ít người chưa được triển khai đồng bộ, hiện mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong dự án phát triển kinh tế xã hội. Dân tộc Si La và dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết các giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu; nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một.
- Số di tích mới phát hiện trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng còn thấp.
- Việc hỗ trợ đầu tư bảo tồn một số bản văn hóa truyền thống và hỗ trợ đầu tư, nâng cấp một số bản văn hóa - du lịch đến nay chưa thực sự được đầu tư.
- Chưa hoàn thành việc xây dựng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên theo hướng là Đoàn Nghệ thuật ca - múa - nhạc dân tộc và hiện đại: chưa xây dựng được dàn nhạc dân tộc truyền thống.
- Phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển chưa đồng đều; một số bài hát, điệu múa truyền thống của các dân tộc đã bị mai một, chưa thường xuyên tập luyện, trình diễn.
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Một số hủ tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để, các vi phạm chủ yếu là: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức ăn uống linh đình, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; để người chết quá 48 giờ mới chôn cất, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; khi gia đình có người ốm đau không đưa đến trung tâm y tế để khám chữa bệnh mà thực hiện cúng lễ để trừ ma tà...
- Tình trạng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo như vấn đề tuyên truyền đạo trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến việc giữ gìn và củng cố khối đoàn kết các dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở.
Một số giải pháp trong thời gian tới:
- Thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ theo văn bản số 1220/TTg-KGVX ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2020 phê duyệt “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”.
- Triển khai kế hoạch tìm kiếm, kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh; công bố danh mục di tích, xây dựng lộ trình xếp hạng các di tích được tìm kiếm, kiểm kê
- Tiếp tục triển khai lập hồ sơ, xếp hạng di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục xây dựng và triển khai các Dự án về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh. Nghiên cứu, đầu tư và triển khai các dự án: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại đồi E2); Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đồi F và cứ điểm khu đề kháng Him Lam; Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại Mường Phăng); Tượng đài Thanh niên xung phong tại Tuần Giáo...
- Tập trung triển khai công tác khảo cổ học, sưu tầm hiện vật, tài liệu đặc biệt là các hiện vật liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
* Tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
- Tiếp tục kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ di sản đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Kế hoạch thực hiện).
- Nghiên cứu xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Thực hiện việc xét chọn theo định kỳ các Nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
- Tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, tập trung vào dạy và học cho chính người dân tộc thiểu số.
- Tiếp tục đầu tư nghiên cứu đề tài khoa học về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
- Tiếp tục phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Cống, Si La.
- Đầu tư, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên
- Tiếp tục đầu tư cho Đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên theo hướng là một Đoàn nghệ thuật ca - múa - nhạc dân tộc và hiện đại: xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu; hỗ trợ việc sưu tầm âm nhạc dân gian truyền thống và sáng tác mới; từng bước xây dựng dàn nhạc dân tộc truyền thống;
- Tiếp tục hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhà văn hóa các xã và nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các thôn, bản.
- Hoàn thành việc gắn biển tên cho các thôn bản, tổ dân trên địa bàn tỉnh.
- Bảo tồn, phục dựng và tổ chức duy trì hoạt động thường xuyên một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh, duy trì việc đưa các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc vào chương trình giáo dục chính khoá, ngoại khóa và các hoạt động tập thể.
- Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục xây dựng và tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc như chiếu phim lưu động, tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, tổ chức lồng tiếng dân tộc thiểu số phim chuyên đề và phóng sự để phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới. Chú trọng phát triển đội văn nghệ thôn, bản; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng...
- Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc.