Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo.

         1. Các tổ chức tiền thân và sự ra đời của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

         Giai đoạn trước năm 1930: khi Đảng Cộng sản chưa ra đời, khắp các vùng miền trên cả nước đã xuất hiện các tổ chức phụ nữ: Ở Bắc Ninh có nhóm phụ nữ học nghề đăng ten, ở Vinh có tổ phụ nữ Giải phóng, Sinh Hội đỏ ở trường nữ Đồng Khánh (Huế) (theo nguồn Sách Lịch sử Hội LHN Việt Nam 1930-1976).
         Giai đoạn từ năm 1930:
        - Tại Hội nghị thành lập Đảng cộng sản từ ngày 6/1/1930- 8/2/1930, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng ( nguồn: tr55-56, Sách Lịch sử Hội LHN Việt Nam 1930-1976, NXB Phụ nữ, 2016)
        - Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14- 31/10/1930, BCH Trung ương Đảng đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất tại Hương Cảng Trung Quốc. Bên cạnh thảo luận Luận cương chính trị của Đảng, tại Hội nghị này đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động và đã tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ hiệp hội”. Trung ương Đảng đã đề ra điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Với tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tổ chức vào tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
           Với tính chất như trên, căn cứ Điều lệ phụ nữ Liên hiệp Hội, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV(1974) đã quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Tại thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của BCH TƯ Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam (Tr 57-58, Sách Lịch sử Hội LHN Việt Nam 1930-1976, NXB Phụ nữ, 2016)
          Giai đoạn 1936-1939: ta có Phụ nữ Dân chủ, Phụ nữ Ái hữu, Phụ nữ Tân Tiến, Phụ nữ Hỗ trợ (lúc này ở các địa phương vẫn còn xuất hiện nhiều tổ chức phụ nữ với các tên gọi khác nhau). Ở Nam Kỳ thì Hội phụ nữ Giải phóng vẫn tiếp tục duy trì và đổi tên thành Hội Liên hiệp Giải phóng phụ nữ.
          Từ năm 1939 ta có thêm tổ chức Hội phụ nữ phản đế, nhưng lúc này ở các xứ Bắc-Trung- Nam kỳ, các tổ chức phụ nữ vẫn chưa thống nhất được thành “Đoàn thể Phụ nữ giải phóng trong toàn xứ”.
         Năm 1941, tổ chức Phụ nữ cứu quốc gia đời và hoạt động sôi nổi. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều các tổ chức phụ nữ nhỏ lẻ khác cùng hoạt động. Đoàn phụ nữ Cứu quốc tổ chức hoạt động ở 3 xứ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng chứ cũng chưa là một tổ chức thống nhất từ trên xuống. Tuy nhiên với sự lớn mạnh của Đoàn phụ nữ Cứu quốc, các tổ chức phụ nữ đã đóng góp rất lớn vào thành công Cách mạng tháng 8/1945. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, với sự  ra đời của Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, Đảng đã quyết định thành lập tổ chức Hội lấy tên là Hội LHPN Việt Nam với nòng cốt là Đoàn phụ nữ Cứu quốc, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ trên mọi mặt lĩnh vực. Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội LHPN Việt Nam. Ngày 20/10/1946, Hội LHPN Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường  Nhà hát Lớn, Hà Nội. Tên gọi Hội LHPN Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay.
         Trong bối cảnh đó, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) chính thức được thành lập, bà Lê Thị Xuyến được bầu là  Hội trưởng. Hội LHPN Việt Nam là một mặt trận gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột.
            Năm 1946 Hội LHPN Việt Nam gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế.
            Năm 1947, tại Nam bộ để lãnh đạo phong trào phụ nữ, Ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc Nam bộ được thành lập.
            Tháng 10/1947, tại Việt Bắc, Hội nghị cán bộ phụ vận toàn quốc họp đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Hội Phụ nữ Cứu quốc, đồng chí Hoàng Ngân (Tên thật là Phạm Thị Vân) được bầu là  bí thư.
            Thực hiện nghị quyết của Đảng, Hội LHPN Việt Nam mà nòng cốt là Hội phụ nữ Cứu quốc đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú và là lực lượng nòng cốt hăng hái tham gia vào các phong trào thi đua ái quốc "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
            Năm 1950, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong cả nước, Đảng chủ trương thống nhất các lực lượng kháng chiến thành một khối thống nhất và Hội quyết định: “Hoà hợp Đoàn phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, giản đơn tổ chức và thống nhất lực lượng phụ nữ”. (Lịch sử Hội LHPNVN, trang 180)
            Thực hiện chủ trương của Đảng, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 14-19/4/1950 tại thôn La Bằng, xã Cù Vân (nay là xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã ra Quyết nghị hợp nhất Đoàn phụ nữ Cứu quốc Việt Nam vào Hội LHPN Việt Nam thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, lấy tên là Hội LHPN Việt Nam. Sự ra đời của Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất sự chỉ đạo phong trào phụ nữ cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
            Đại hội đề ra 10 nhiệm vụ và 2 chương trình lớn giai đoạn 1950 – 1956, bầu 32 ủy viên BCH. Bà Lê Thị Xuyến được bầu là  Hội trưởng.
            2. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
          Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Đế quốc Mỹ thay chân Pháp xâm chiếm miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam đã khẳng định: “... Phụ nữ nước ta là lực lượng quan trọng trong cách mạng. Đảng có nhiệm vụ lớn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ...” và chỉ đạo “Hội LHPN Việt Nam phải đoàn kết hơn nữa tất cả các tầng lớp phụ nữ, giáo dục và cổ vũ phụ nữ ra sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng”.
          * Ở miền Bắc
         - Tháng 5 năm 1956, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần II đã tổng kết những thành tích của phong trào phụ nữ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đề ra 6 nhiệm vụ trong nhiệm kỳ (1956 – 1961).  Bà Nguyễn Thị Thập được bầu là Hội trưởng.
           Thực hiện Chỉ thị 137– CT/TW ngày 10/4/1959 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác vận động phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đồng thời chủ động nghiên cứu để đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành những chính sách, chế độ phù hợp. Kết quả của công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của Hội trong thời gian này là sự tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật: Hiến pháp (1959) và Luật Hôn nhân và gia đình (1960)… Vai trò của Hội trong tham mưu đề xuất các chính sách, pháp luật, chế độ liên quan đến phụ nữ và trẻ em đã thể hiện sự chuyển biến trong phương thức chỉ đạo của Hội và tăng cường sự phối hợp với các ngành góp phần thực hiện công tác bảo vệ, chăm lo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em ngày càng có hiệu quả thiết thực.
            Từ sau khi hòa bình lập lại (1954), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo, vận động các tầng lớp phụ nữ ở miền Bắc tham gia khôi phục kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất, tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa.
          - Tháng 3/1961: Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt; Chấp hành chính sách tốt; Tham gia quản lý tốt; Học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt; Xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt.  Bà Nguyễn Thị Thập tiếp tục được bầu là Hội trưởng.
          - Tháng 3/1965: TW Hội LHPN Việt Nam phát động Phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau đổi thành “Ba đảm đang”) với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
         Phong trào Ba đảm đang đã có 42 chị và 9 tập thể được tuyên dương Anh hùng, 5.000 chiến sỹ thi đua, 1718 chị được thưởng huy hiệu Bác Hồ và gần 4 triệu chị em đạt danh hiệu “Ba đảm đang”. Phong trào “Ba đảm đang” có ý nghĩa toàn diện về tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống lao động sáng tạo, ý chí tự cường phấn đấu vươn lên của phụ nữ miền Bắc. Phong trào đã nâng trách nhiệm, vị trí người phụ nữ lên tầm cao mới, tạo bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển của phụ nữ và phong trào phụ nữ. 
         Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm được rút ra từ phong trào “Ba đảm đang” vẫn vẹn nguyên giá trị, mà trên hết là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân tố quyết định sự thành công của phong trào. Được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ, bản thân phụ nữ thấm nhuần ý nghĩa cách mạng của phong trào, hăng hái quyết tâm vươn lên, sẵn sàng gánh vác, làm tròn nhiệm vụ. Sự thành công của phong trào Ba đảm đang cho thấy sự nhạy bén nắm bắt tình hình của Hội LHPN Việt Nan đã kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng những chủ trương, biện pháp động viên, tạo điều kiện phát huy mọi khả năng của phụ nữ, phù hợp với yêu cầu của đất nước.
        * Ở miền Nam
         Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 1954 cách mạng miền Nam chủ yếu đấu tranh chính trị, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Phụ nữ miền Nam đi đầu trong đấu tranh cách mạng, chống lại âm mưu tàn bạo của Mỹ với phong trào “Đồng Khởi”, “Đội quân tóc dài”.
          Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng và thúc đẩy hoạt động của phong trào phụ nữ tại miền Nam, ngày 8/3/1961 Hội LHPN Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập. Bà Nguyễn Thị Tú được bầu là Hội trưởng.  Phong trào thi đua 5 tốt đã được phát động khắp miền Nam với nội dung:
1. Đấu tranh chống địch tốt
2. Đoàn kết lao động sản xuất tốt
3. Phục vụ tiền tuyến, đảm đang công tác hậu phương tốt
4. Quảng lý gia đình và nuôi dạy con tốt
5. Rèn luyện tư cách đạo đức tốt
         Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), phụ nữ miền Nam luôn đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Nơi nào khó khăn, phụ nữ đều có mặt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lực lượng phụ nữ được rèn luyện trong chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
         3. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn (1975 - 1985)
        Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IV diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7/3/1974, tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đánh giá những thành tích to lớn mà Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo phụ nữ miền Bắc thực hiện trong phong trào “Ba đảm đang” và đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể cho toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện trong nhiệm kỳ là: xây dựng người phụ nữ Xã hội chủ nghĩa, làm tốt nghĩa vụ với Tổ quốc, xã hội và gia đình; vận động phụ nữ tham gia phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm; cùng các cơ quan, đoàn thể chăm lo quyền lợi, đời sống, sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, hướng dẫn tổ chức tốt gia đình; làm tròn nghĩa vụ với cách mạng miền Nam; tăng cường đoàn kết hữu nghị với phụ nữ trên thế giới đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội, cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; củng cố tổ chức Hội ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ nữ, cải tiến sự chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội.
          Sau ngày đất nước giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng về thống nhất các đoàn thể nhân dân;
         Hội nghị hợp nhất tổ chức Phụ nữ ở hai miền (6/1976) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh:
         - Quyết định hợp nhất 2 tổ chức phụ nữ ở 2 miền: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam thành một tổ chức thống nhất lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
         - Đề ra 06 nhiệm vụ công tác trước mắt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
        - Hội nghị đã quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thập là Chủ tịch danh dự và bà Hà Thị Quế được bầu là Chủ tịch Hội. 
       Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ V diễn ra từ ngày 19- 20/5/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra 05 nhiệm vụ là (i) Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, ý thức và năng làm chủ tập thể cho phụ nữ, xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa; (ii) Động viên phong trào phụ nữ tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm 1981-1985; (iii) Giáo dục, vận động, tổ chức hướng dẫn phụ nữ phát huy vai trò người mẹ, góp phần xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt; (iv) Phát huy quyền làm chủ tập thể của phụ nữ tham gia quản lý xã hội, quản lý nhà nước; (v) Tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới, đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; Cải tiến phương thức, tổ chức hoạt động của Hội, khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bà Nguyễn Thị Định được bầu là  Chủ tịch Hội.
        4. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước (1986 - nay)
           Thông qua những hoạt động phong phú trong phong trào "Ngư­ời phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", những nét đặc trư­ng cho tính cách của ngư­ời phụ nữ mới Xã hội chủ nghĩa đang đ­ược hình thành từng b­ước và thể hiện tập trung nhất ở những tập thể và cá nhân điển hình của các ngành, các địa phư­ơng. Tiêu biểu cho những điển hình đó là 112 nữ anh hùng (Số nữ anh hùng đư­ợc tuyên dư­ơng từ 1965 đến năm 1980) và hàng chục vạn những chị em ­ưu tú đ­ược tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua và các danh hiệu khen thư­ởng khác. Quốc hội và Chính phủ đã tặng thư­ởng hàng trăm Huân ch­ương và Bằng khen cho phong trào phụ nữ các địa phư­ơng. Năm 1980, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phong trào phụ nữ cả nước đã đư­ợc vinh dự đón nhận Huân ch­ương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý ghi nhận những thành tích và cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ lịch sử này.
           Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ (1987 - 1992)
           Đại hội bầu ra BCH TW Hội gồm 98 ủy viên. Đ/c Nguyễn Thị Định, UVBCHTW Đảng tiếp tục được bầu là  Chủ tịch.
Đại hội đã xác định phương hướng công tác Hội và phong trào phụ nữ trong giai đoạn này là: đoàn kết, giáo dục, động viên phụ nữ tham gia phong trào: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, góp phần thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn.
          Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ (1992 -1997)
         Diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/5/1992 tại Thủ đô Hà Nội.
         Đại hội khẳng định: các cấp Hội đã có những bước đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, do đó phong trào phụ nữ đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội nêu rõ: tiếp tục thực hiện hai cuộc vận động của Hội “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”; đề ra các mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ của phong trào phụ nữ những năm 1992 -1997 và 5 chương trình công tác trọng tâm, đó là: Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho phụ nữ; Chương trình hỗ trợ các hoạt động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ; Chương trình chăm sóc sức khoẻ phụ nữ trẻ em, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và giáo dục gia đình; Chương trình đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ, tập hợp quần chúng và xây dựng qũyHội; Chương trình tổ chức nghiên cứu và vận động quần chúng tham gia xây dựng, giám sát, kiểm tra chính sách, luật pháp, cơ chế mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ. Nghiên cứu một số vấn đề về gia đình.
            Đại hội đã bầu Ban Chấp hành TW khoá VII gồm 96 Ủy viên. Ban Chấp hành tôn vinh bà Nguyễn Thị Định làm Chủ tịch danh dự Hội LHPN Việt Nam; bầu Đoàn Chủ tịch gồm 11 ủy viên.
          Bà Trương Mỹ Hoa được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; 3 Phó Chủ tịch Hội là các bà: Võ Thị Thắng, Vương Thị Hanh, Nguyễn Thị Phương Minh.
           Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VII đã vinh dự thay mặt cho phụ nữ cả nước đón nhận Bức trướng có nội dung “Đoàn kết, Đổi mới, Trung hậu, Đảm đang” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khen tặng phong trào phụ nữ cả nước.
            Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (Nhiệm kỳ 1997 - 2002) Diễn ra từ ngày 19 - 20/5/1997 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội
Dự Đại hội có 1.289 đại biểu (trong đó có 900 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên và gần 24 triệu phụ nữ cả nước). Tham dự Đại hội còn có 25 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế của 22 nước và đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Uỷ ban vì tự do và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
          Đại hội vinh dự đón đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đến dự và phát biểu.
          Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII là Đại hội “Đoàn kết, Đổi mới vì Bình đẳng, Phát triển và Hoà bình, vì sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước”.
          Đại hội đã khẳng định những thành tích đạt được của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong 5 năm (1992-1997).
         Đại hội nhấn mạnh: Tiếp tục thực hiện 5 chương trình trọng tâm: Chương trình giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ; Chương trình vận động phụ nữ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập; Chương trình chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc; Chương trình xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Chương trình nghiên cứu và kiểm tra giám sát.
        Đại hội quyết định phát động phụ nữ cả nước thực hiện hai phong trào thi đua yêu nước: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”.
         Đại hội quyết định số lượng Ban chấp hành Trung ương Hội khoá VIII gồm 130 ủy viên, tại Đại hội bầu 126 ủy viên. Ban chấp hành quyết định số lượng Đoàn chủ tịch gồm 21 ủy viên, tại Đại hội bầu 19 ủy viên.
         Bà Trương Mỹ Hoa được bầu lại làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Các bà: Lê Thị Thu, Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Phương Minh được bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
       Tháng 2/1998, bà Trương Mỹ Hoa đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Hà Thị Khiết được BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
         Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (Nhiệm kỳ 2002 - 2007)
        Diễn ra tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội từ ngày 22 - 23/2/2002 với chủ đề "Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, bình đẳng, năng động, sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"
         Đại hội có gần 1.200 đại biểu tham dự (trong đó có 900 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11 triệu hội viên; có 19 đoàn với gần 100 đại biểu phụ nữ quốc tế các nước và đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Uỷ ban Vì tự do và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN...)
         Đại hội vinh dự đón các đồng chí: Tổng Bí thư BCH TW Đảng Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đến dự. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu và trao tặng Đại hội bức trướng với dòng chữ “Phụ nữ Việt Nam Năng động - Sáng tạo - Trung hậu - Đảm đang”.
          Với tinh thần “Đoàn kết - Bình đẳng -Năng động - Sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định những thành tích đạt được của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 1997 - 2001 và kêu gọi phụ nữ cả nước tích cực thực hiện phong trào thi đua yêu nước: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 chương trình trọng tâm: Chương trình Giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ; Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; Chương trình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Chương trìnhxây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; Chương trình tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng nam - nữ; Chương trình hoạt động đốingoại nhân dân.
            Đại hội quyết định bầu Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khoá IX gồm 132 ủy viên. Ban chấp hành bầu Đoàn chủ tịch gồm 23 ủy viên.
            Bà Hà Thị Khiết được bầu lại làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
           Bà Lê Thị Thu, Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Phương Minh, Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thị Kim Liên được bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. 
           Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (Nhiệm kỳ 2007 - 2012): 
          Đại hội đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2007 - 2012 với các chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ là 6 nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội cụ thể như sau:
          1. Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới, xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu.
           2. Tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới
           3. Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
           4. Hỗ trợ Phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
           5. Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
           6. Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế vì bình đẳng, phát triển và hoà bình.
          Đại hội quyết định tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Các cấp Hội đã tích cực vận động phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ sôi nổi hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’ gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”. Với sự trợ giúp thiết thực đã có hàng triệu phụ nữ được cung cấp kỹ năng và hàng chục nghìn tỷ đồng vốn để chị em vay phát triển sản xuất, tạo việc làm để cuộc sống thêm no ấm, hạnh phúc.
        Đại hội bầu BCH Hội LHPNVN khoá X gồm 154 ủy viên; Đoàn Chủ tịch gồm 25 ủy viên. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà được bầu làm Chủ tịch Hội, các bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyễn Thị Kim Thuý, Hoàng Thị Ái Nhiên, H’Ngăm Niê K’Đăm được bầu làm Phó Chủ tịch.
         Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (Nhiệm kỳ 2012 - 2017): 
       Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, trách nhiệm, Đại hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.
Khâu đột phá:
1. Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững.
2. Xây dựng được cơ chế qui định trách nhiệm của Hội trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ.
3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt cấp Trung ương và cơ sở.
Nhiệm vụ trọng tâm:
1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ, nhận thức.
2. Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
3. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.
4. Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.
5. Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
6. Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Giải pháp lớn:
1. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
3. Cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý trong hệ thống Hội, khắc phục biểu hiện hành chính hóa, hình thức.
4. Đầu tư nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và phản biện xã hội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp Hội.
5. Mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, vận động nguồn lực.
           Đại hội quyết định tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.
            Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Thanh Hoà tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội, các bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Hoàng Thị Ái Nhiên, Nguyễn Thị Tuyết, Trần Thanh Bình, Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Hoà, Trần Thị Hương được bầu là Phó Chủ tịch.
            Từ tháng 4/2016, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa về nghỉ chế độ, bà Nguyễn Thị Thu Hà được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
            Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (Nhiệm kỳ 2017 - 2022): 
           Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII - một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3 năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 1.153 đại biểu phụ nữ tiêu biểu đại diện cho các tầng lớp phụ nữ cả nước.
          Phát huy tinh thần Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập, Đại hội đã tập trung trí tuệ thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XI trình và nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội xác định: Ba nhiệm vụ trọng tâm:
- Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc
- Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường
          - Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân
         Đại hội đề ra 06 nhóm giải pháp lớn gồm Cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; Phát huy vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ; Đầu tư nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội; Mở rộng các hoạt động liên kết, phối hợp.
        Đại hội tiếp tục phát động phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
         Đại hội thống nhất tập trung nguồn lực để thực hiện hai khâu đột phá:
       - Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ.
       - Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ.
      Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội, các bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Nguyễn Thị Tuyết, Bùi Thị Hoà, Trần Thị Hương được bầu là Phó Chủ tịch.
        Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và hội nhập quốc tế./.
 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.304.837
    Online: 43