Dân tộc Thái tỉnh Điện Biên là một dân tộc chiếm đa số trong tỉnh và được chia thành hai ngành: ngành Thái đen (Táy đăm) và ngành Thái trắng (Táy khao hay Táy đón). Mỗi ngành lại có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng, trong đó tập tục sinh đẻ dân tộc Thái, ngành Thái đen cũng có những ý nghĩa riêng.
Theo quan niệm của dân tộc Thái người phụ nữ ở giai đoạn thai nghén là hết sức quan trọng, nhưng kèm theo đó là sự lo lắng, nên có câu:
"Pé bẳng lượt khen có, ó bấu đảy pá tai".
Dịch: "Như ống máu treo cổ, đẻ không được cùng chết"
Qua câu nói trên có thể thấy được mức độ nguy hiểm đối với người phụ nữ trong quá trình mang thai, đặc biệt lúc sinh đẻ có thể sảy ra nhiều biến chứng không mong muốn, nên các gia đình có thai phụ sẽ tiến hành tổ chức các thủ tục nghi lễ như: lễ cúng để giải hạn (xên), lễ cúng tổ tiên (peng phi hướn), cầu các vị thần linh bảo vệ và che chở cho thai phụ được bình an.
Khi bắt đầu mang thai người phụ nữ thường kén ăn, trạng thái lúc nào cũng mệt mỏi, đây là giai đoạn cần chú ý bồi bổ, dưỡng thai và giữ gìn sức khoẻ là chủ yếu. Người nhà ưu tiên không cho làm những công việc nặng nhọc như: gánh vác, lên nương, cuốc rẫy. Ưu tiên khẩu phần ăn uống và động viên đi lại cho dễ đẻ sau này. Người mẹ sẽ chuẩn bị tã lót cho con cùng tất cả những thứ cần thiết cho bản thân để chờ ngày con chào đời.
Những điều kiêng kỵ thời kỳ mang thai: Cả hai vợ chồng phải kiêng không đào hố, mương, rãnh, bởi sau khi đào xong quên không lấp đi, vô tình thai phụ đi qua trượt chân ngã sẽ ảnh hưởng không tốt đến hai mẹ con thai phụ.
Kiêng giết mổ các con vật nuôi (bấu khả xắt khả xính): Nếu không kiêng được đứa bé sinh ra sẽ hay khóc hờn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ, kiêng không được đập và giết rắn sợ đứa trẻ sinh ra sẽ có tật thè lưỡi.
Phụ nữ có bầu không được đến thăm sản phụ nhà người khác, khi đứa trẻ chưa được đầy tháng, nếu đến thăm sẽ dẫm phải "dây tia sữa bà đẻ" nghĩa là sản phụ sẽ bị mất sữa, trong trường hợp đó bà bầu phải rót ngay một bát nước thuốc của sản phụ và mời sản phụ uống nước, nên có câu:
"Tảnh lụk ban, tảnh lan nhấư, nặm nủ nhá hẩư khôm, nặm nốm nhá hẩư xổm, kin nủ me nhá ôm, kin nốm me nhá cạp, hảo hăn mẳn dứn nớ".
Dịch: "Nuôi con chóng khôn, bé nhỏ mau lớn, giọt sữa đừng chua, tia sữa đừng đắng, bú sữa mẹ đừng ngậm, bú ti mẹ đừng cắn, chúc mẹ khoẻ con ngoan nhé".
Sau đó bà đẻ đón lấy chén nước tỏ lòng biết ơn bà bầu, qua đó sẽ không còn ảnh hưởng đến những điều kiêng kỵ do sự vô tình của bà bầu.
Giai đoạn ở cữ (năng pháy): Thời điểm tính ở cữ của sản phụ được tính từ khi sinh con được mẹ tròn con vuông, từ lúc này người sản phụ phải nằm bên bếp lửa bốn đến năm ngày (theo cách tính lịch của người Thái), hết thời gian ở cữ mới được chuyển vào buồng của hai vợ chồng phía trên và ban ngày vẫn phải xuống ngồi sưởi lửa cho đến hết một tháng mới thôi.
Chăm sóc cho sản phụ trong giai đoạn ở cữ: Sự quan tâm của gia đình và cộng đồng đối với sản phụ khi ở cữ trên tinh thần phấn khởi mừng cho "mẹ tròn con vuông", đồng thời để đảm bảo cho sức khoẻ được hồi phục nhanh và đứa trẻ bú sữa mẹ tốt, do vậy sản phụ phải ăn kiêng nhiều, không được ăn uống theo ý muốn như thời kỳ thai nghén. Thức ăn, đồ uống của sản phụ phải có chất bổ, có công thức chế biến riêng. Việc tắm gội cũng phải tắm gội bằng nước lá thuốc đun sôi để nguội và qua rất nhiều thủ tục nghi lễ, nghi thức cầu mong đứa trẻ chóng lớn khoẻ mạnh, thông minh và chăm chỉ.
Ngoài ra, trong tháng sản phụ ở cữ gọi là tháng lửa, tháng kiêng (bươn pháy, cắm bươn). Theo quan niệm từ xưa sản phụ mới sinh con được gọi là tháng chưa sạch, người còn yếu (kính ón) nên bà nội, bà ngoại hoặc cô, dì giúp chăm sóc giặt giũ, tắm rửa cho hai mẹ con (đàn ông kiêng không được làm việc này). Ngoài ra sản phụ phải kiêng tuyệt đối hai điều sau:
Không được đi phía có bàn thờ (khọ lọ hóng) sản phụ chỉ được đi lại và sinh hoạt trong phạm vi gian bên bếp và phía sàn (táng chán).
Không được lên nhà người khác, kể cả gia đình bố mẹ, anh chị em ruột thịt, (vì sản phụ còn trong thời gian ở cữ) nếu vi phạm gia đình sản phụ sẽ phải mất lợn, rượu đến cúng ma nhà người ta để tạ tội và ngược lại khi thấy gia đình sản phụ đã cắm "ta leo" người ngoài muốn lên thì khi đến sân phải gọi hỏi chủ nhà, nên có câu:
"Chảu hướn ới? khửn hướn bấu cắm xăng quá?
Ơ…bấu cắm xăng, khửn má í" .
Dịch: "Chủ nhà ơi? lên nhà có kiêng kỵ gì không ?
Ơ…không kiêng kỵ gì đâu, xin mời cứ lên".
Sau khi chủ nhà trả lời và mời lên nhà, khách mới được phép lên. Khi lên đến nhà khách đứng trước sản phụ và đứa trẻ rồi nói: xấu xí đừng dính, đừng lây bé nhỏ nhé (nhá chắp, nhá pét nớ é nọi nớ) thể hiện sự khéo léo qua lời đối đáp giữa hai bên, sự am hiểu sâu sắc về phong tục truyền thống trong tập tục sinh đẻ của dân tộc Thái nói chung, ngành Thái đen nói riêng.
Một số sinh hoạt cá nhân dành riêng cho sản phụ như:
Đối với ghế ngồi bên bếp lửa của sản phụ khi hết ở cữ phải lấy cất đi, kiêng không cho khách ngồi vào (nhất là đàn ông không được ngồi, vì theo quan niệm đàn ông không may ngồi phải chiếc ghế đó sẽ gặp phải những điều không tốt).
Hết ở cữ (nhá bươn pháy): Phụ nữ mới sinh đẻ trong một tháng ở cữ gọi là tháng lửa (bươn pháy) là tháng kiêng sợ hồn vía tách ra khỏi thể xác nên có câu: ba mươi hồn phía trước, năm mươi hồn phía sau (xam xíp khuân mang nả, hả xíp khuân mang lăng). Hồn không chịu được đã đi lang thang, mỗi hồn đi mỗi phương khắp cả mường trần, mường trời không biết đường về. Đồng thời quá trình sinh nở của sản phụ không tránh khỏi sự ồn ào, gây ảnh hưởng đến ma nhà. Do vậy, khi sản phụ đầy tháng mẹ tròn, con vuông khoẻ mạnh được tắm gội sạch sẽ mới không phải kiêng kỵ nữa, có thể đi lại, chơi thăm cô bác nhà trên, nhà dưới và làm những công việc nhẹ nhàng trong gia đình như giặt giũ, cơm nước…
Trong thời gian ở cữ, người Thái quan niệm là tháng không được sạch, có thể gây ảnh hưởng đến ma nhà, nên gia đình sẽ làm lễ "sửa lỗi tháng bẩn" và mời thầy đến làm lễ cho gia đình, gồm các bước cúng như:
Cúng ma nhà (peng phi hướn);
Cúng gọi hồn lạc (hịa khuân lông);
Cúng tụ hồn cho sản phụ (xú khuân);
Cúng vía nhỏ cho trẻ (tám khuăn nọi);
Lễ đặt tên cho trẻ (hún ha chư);
Lễ cúng tổ tiên kết hợp nhập tổ tiên cho bé (xên hướn, nếp tạy);
Tục cắm “taleo” trong thời kỳ thai sản cho đến khi sinh đẻ: đến thời điểm gần tháng sinh đẻ gia đình sẽ làm lễ để động viên tinh thần cho sản phụ được thoải mái và được gọi là lễ (xên kẻ khọ) trong nghi lễ cũng sử dụng "ta leo" để cắm ngoài cổng hoặc chân thang với ý nghĩa để trừ tà. Đến khi sinh đẻ cũng phải cắm "ta leo". Do vậy ông nội, ông ngoại lấy tre về đan "ta leo" để cắm,"ta leo" được chia thành hai loại chính gồm:
Ta leo một lớp (ta leo): cài thêm lá cây xanh buộc vào cạnh cầu thang phía "chán" nhằm xua đuổi ngăn chặn không cho ma quỷ và hồn khách lạ vào quấy rối và làm hại đến người sản phụ và đứa trẻ.
Ta leo chín lớp (ta leo cảu chặn) buộc nơi ngưỡng cửa: được đan thành chín lớp, cài thêm cành cây xanh nhỏ (theo quan niệm là các ma "phi" rất sợ). Buộc vào ngưỡng cửa trên phía chán để ngăn chặn ma, ma không dám qua và chui vào trong nhà .
Ta leo chín lớp (ta leo cảu chặn) buộc nơi dây vịn: có buộc thêm quyển sách, bút, vải vụn nhiều màu, kim chỉ…tạo thành một chùm rồi buộc vào chỗ đầu dây vịn phía trên, nơi sản phụ ngồi vịn hơ lửa, đối với người sinh con gái thì buộc thêm chiếc vợt xúc cá (ca xa), với ý nghĩa bảo vệ cho sản phụ và trẻ nhỏ, cầu mong cho con cái thông minh, giỏi dang trong mọi công việc, nên có câu:
"Lụ nhính tắt phả khăn lái,
Lụ chái khiên sư san sấư mứ cằm vạy,
Lả căm vạy mướng bản hắk hên"
Dịch: "Là con gái phải thông thạo dệt cửi thêu thùa,
Là con trai viết chữ vào bàn tay nắm chặt,
Út nắm để trong tay mường bản khác thấy"
Trẻ nhỏ ngay từ ngày đầu sinh ra đã được người bố viết vào lòng bàn tay những nét nghệch ngoạc tượng trưng, mong sao cho con mình lớn lên được bản mường chú ý, học hành chăm chỉ, thông minh, thành đạt nên có bài bùa cắm "ta leo" như:
"Leo cu pắc, phi chí khảm pên heo, phi chí téo pên phắng, phí chí dắng, hó cu téng, leo cu sắc, quám cu cẳn, sốp cu dằm".
Dịch: "Leo ta cắm, ma muốn qua thành hố, ma định nhảy thành vực, ma thò chân xuống Mác ta đâm, leo ta chọc, lời ta chặn, miệng ta thiêng".
Theo phong tục tập quán dân tộc Thái cũng như một số dân tộc khác sinh sống trong tỉnh Điện Biên, khi đến nhà nào thấy cắm hoặc buộc "ta leo" thì không được phép vào nhà, vì gia đình ấy đang có điều kiêng kỵ.
Trong tập tục sinh đẻ của dân tộc Thái nói chung, ngành Thái đen nói riêng, tất cả các giai đoạn “Từ lúc đứa trẻ còn trứng nước” và ngày một lớn dần trong bụng mẹ cho tới lúc chào đời đều rất quan trọng, mỗi giai đoạn lại có những nghi thức, nghi lễ cúng khác nhau với các cấp độ khác nhau. Các nghi thức cúng lễ đều mang tính chất cầu mong bình an khỏe mạnh đến với thai phụ và em bé. Bên cạnh các nghi lễ, nghi thức đó còn có tục cắm “taleo” mang tính chất tâm linh nhằm ngăn chặn những điều không may mắn, những nghi lễ và tập tục trên chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc Thái nói chung, ngành Thái đen nói riêng cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghi lễ./.