Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án, sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức và phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục, phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ từ tỉnh đến cơ sở phù hợp từng đối tượng, độ tuổi, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng gắn liền với chủ trương xây dựng, phát triển con người theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị Quyết số 13-NQ/TU ngày 10/12/2014 của Tỉnh ủy Điện Biên về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh”; phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Chương trình, dự án, đề án, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung của Đề án như: Kế hoạch hành động "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên,...

Nhiều Chương trình phối hợp giữa ngành VHTTDL đã được các đơn vị triển khai hiệu quả góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa như: Chương trình phối hợp triển khai Đề án “Phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho thanh niên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên các tuyến biên giới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020”; Chương trình phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2017 - 2021; Chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh về “Đẩy mạnh các hoạt động VHTTDL&GĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 - 2022”; Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo về nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện giai đoạn 2018-2020; Chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã giai đoạn 2013 - 2020; Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo về “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025”...

Theo đó, trong nhiều năm qua, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, nâng cấp đã phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có có 01 Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh, 01 Nhà Thiếu nhi tỉnh, 02 bảo tàng , 01 rạp chiếu phim, 01 thư viện cấp tỉnh, 10 thư viện cấp huyện; 116 tủ sách pháp luật ở cấp xã.

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hệ thống thiết chế nhà văn hóa, CLB trên địa bàn tỉnh từng bước được xây dựng, củng cố và kiện toàn. 88/129 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, chiếm 68,2%; 635/1.441 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, chiếm 41%; 1273 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, duy trì trên 3.600 buổi biểu diễn hằng năm phục vụ trên 670 ngàn lượt người xem; các đội chiếu bóng lưu động thực hiện trung bình hơn 1.400 buổi chiếu mỗi năm. Hoạt động nhà văn hóa góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo nếp sống văn minh cho mỗi gia đình và tình đoàn kết gắn bó cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng nhà văn hóa hiện nay tại cơ sở hiện còn chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều nhà văn hóa đã bị xuống cấp do thời gian sử dụng đã lâu, diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 01 Câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 01 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Qua các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ Nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa dân gian các dân tộc. Đặc biệt đã tổ chức thể nghiệm mô hình khai thác lễ hội dân gian, loại hình văn hóa văn nghệ: Liên hoan văn nghệ quần chúng bản văn hóa, nhóm nhảy hiphop, âm nhạc cổ điển, khiêu vũ; Liên hoan hiphop khu vực Tây Bắc “PASSIO FOR LIFE”... Các thiết chế thể thao cũng được đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 09 sân vận động; 78 sân bóng đá (trong đó có 08 sân bóng đá có thảm cỏ nhân tạo); 01 sân điền kinh; 08 sân tennis; 98 nhà tập luyện; 22 bể bơi; 19 sân bóng rổ; 442 sân bóng chuyền ngoài trời; 832 sân cầu lông, đá cầu và trên 300 các khu thể thao, vui chơi giải trí khác.

Có 116 tủ sách, các điểm Bưu điện Văn hóa xã phục vụ bạn đọc.  Năm 2014, Thư viện tỉnh được lắp đặt 40 máy vi tính từ nguồn tài trợ của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” thuộc quỹ Bill & Melinda Gates, hiện nay đang dùng cho đọc giả truy nhập, tra cứu thông tin. Năm 2018 - 2019, được đầu tư phần mềm quản lý tổng thể thư viện Kipos, 01 trạm lập trình và lưu thông tài liệu, 01 thiết bị kiểm kê tài liệu cầm tay và còn tiếp tục được đầu tư các hạng mục khác trong giai đoạn tiếp theo.

Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tháng 4 năm 2018 Thư viện tỉnh Điện Biên đã được trao tặng xe Ô tô Thư viện lưu động đa phương tiện do Tập Đoàn VinGroup tài trợ. Sau khi được tiếp nhận Thư viện tỉnh Điện Biên đã tiến hành phục vụ lưu động tại các trường học, Đồn Biên phòng, Trại giam Nà Tấu… Hình thức phục vụ bạn đọc qua xe thư viện lưu động rất hiệu quả, giúp cho Thư viện tỉnh Điện Biên chủ động triển khai các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, khai thác có hiệu quả vốn sách, báo của thư viện, đưa công nghệ thông tin đến gần với người dân hơn, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Góp phần đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng... 

Thư viện lưu động phục vụ cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang

Hiện nay tỉnh Điện Biên có 02 Bảo tàng là Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đóng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, thực hiện phục vụ khách tham quan; trong đó Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng mới năm 2014 dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình kiến trúc quy mô, hiện đại xứng tầm với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954 đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Tại bảo tàng và các di tích, danh lam thắng cảnh tỉnh Điện Biên thực hiện miễn phí tham quan đối với người dưới 18 tuổi, cựu chiến binh, người khuyết tật đặc biệt nặng, các đoàn sinh viên, học sinh, lực lượng vũ trang đến học tập, nghiên cứu lịch sử; miễn phí 50% đối với người cao tuổi, người khuyết tật khi tham quan Bảo tàng và các Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Riêng khách tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh không thu phí.  

Đặc biệt trong những năm gần đây nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút công chúng, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - là điểm đến thu hút đông khách tham quan, tìm hiểu nhất khi đến với tỉnh Điện Biên đã tổ chức các chương trình trải nghiệm thực tế gắn với hoạt động trưng bày, giáo dục về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Theo đó, một số chương trình đã được tổ chức và thực sự hiệu quả đã thu hút sự đón nhận, tham gia và đánh giá cao của Nhân dân và du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên là “Chúng em là chiến sĩ Điện Biên”, “Đẩy xe đạp thổ”, “Bữa cơm chiến sĩ”, “Nấu ăn bằng Bếp Hoàng Cầm”, “Câu lạc bộ Em yêu lịch sử”, kết nạp Đảng, đoàn tại Di tích. Bằng các hoạt động mô phỏng lại cuộc sống đời thường, lúc chiến đấu gian khổ hay trăm ngàn khó khăn của bộ đội và chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các hoạt động trên đã giúp người tham gia hiểu và có cái nhìn đầy đủ hơn về một trong những chiến thắng vĩ đại của đất nước; thêm yêu quý và trân trọng lịch sử, từ đó có cái nhìn tích cực và hành động đúng đắn góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể nói đây là một trong những hoạt động nổi bật, thu hút được nhiều tổ chức tham gia và ngày càng tăng như khối các trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, sở VHTTDL tỉnh ĐB sẽ xây dựng và tổ chức nhiều mô hình trải nghiệm thực tế hơn nữa nhằm thu hút khách tham quan, cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.

Học sinh trải nghiệm Đẩy xe đạp thồ tại Di tích

Trong quá trình thực hiện Đề án, là một tỉnh miền núi, biên giới, Điện Biên gặp những khó khăn như:

Các phương tiện thông tin hiện đại bùng nổ, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với quá trình phát triển kinh - tế xã hội hiện nay, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Hệ thống Thư viện tỉnh tại cơ sở chưa phát triển, kinh phí dành cho đầu tư mua sách còn ít nên chưa có nhiều đầu sách; ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đầu tư nên chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Một số thư viện cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Các đối tượng đến thư viện chủ yếu là trẻ em, người già; các đối tượng khác hầu như ít hoặc không đến Thư viện. Bảo tàng tỉnh chưa có Nhà trưng bày nên gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thông tin triển lãm phục vụ nhân dân.

Công tác quản lý ở cơ sở cũng còn nhiều hạn chế, trình độ, năng lực hoạt động của cán bộ làm công tác văn hóa một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động, nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở cơ sở chưa được thường xuyên, phong phú. Sự phối phối hợp thực hiện của các ngành chức năng và của các đoàn thể chính trị xã hội cao cấp về việc học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ chưa cao.

Để đẩy mạnh việc thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tiếp tục thực có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, … hoặc mỗi cán bộ, CCVC, người lao động ngành văn hóa là một tuyên truyền viên. Tổ chức triển khai thực hiện việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đặc biệt là gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hoá phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động học tập, dịch vụ phục vụ học tập phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, luân chuyển, phục vụ sách, báo, tạp chí từ các thư viện công cộng đến thư viện các trường học. Tăng cường mở rộng hơn phạm vi hoạt động trưng bày, triển lãm, tuyên truyền đến với vùng xâu, vùng xa hoặc các địa phương khó tiếp cận tới hoạt động tại bảo tàng, di tích và  thư viện. 

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cấp xã, chủ nhiệm nhà văn hóa, chủ nhiệm các câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng.

Tăng cường công tác phối hợp, kêu gọi xã hội hóa trong các hoạt động bảo vệ di tích, đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập suốt đời. Trong thời gian tới sẽ thực hiện Ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các nhà văn hóa, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020 - 2025; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết, sơ kết, tổng kết theo định kỳ đồng thời tiếp tục ký kết các chương trình phối hợp trong những giai đoạn tiếp theo./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.304.884
    Online: 37