Tỉnh Lai Châu (cũ) nay được tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu trong đó trận địa chiến trường Điện Biên Phủ thuộc địa giới hành chính tỉnh Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và Ủy ban kháng chiến hành chính, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu cùng với nhân dân cả nước đã có những đóng góp to lớn, quý giá, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ghi thêm một chiến công chói lọi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Ngày 6/12/1953, Bộ chính trị họp đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên một bước ngoặt trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời khẳng định quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Mặc dù Điện Biên Phủ là địa bàn xa hậu phương, đường xá đi lại khó khăn, hậu cần là một vấn đề nan giải nhưng sẽ khắc phục được. Sức người, sức của sẽ được huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương lên. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ khi nhận chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, Ban cán sự Đảng tỉnh đã nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch, toàn Đảng, toàn dân phải dồn sức thực hiện trận quyết chiến chiến lược đó. Hơn nữa chiến dịch này lại diễn ra ở địa phương nên Lai Châu có vinh dự rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề. Ban cán sự Đảng tỉnh đã động viên các dân tộc trong tỉnh với những nỗ lực cao nhất góp phần cùng với cả nước thực hiện bằng được nhiệm vụ này. Công tác trọng tâm là phục vụ tiền tuyến, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói.
Theo đó, ngành Công an tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch, bảo đảm an toàn các cuộc hành quân, trú quân, vận chuyển của bộ đội dân công và bảo vệ các kho tàng, đường xã. Ngành lương thực cùng bộ đội đi vận động nhân dân cho Chính phủ vay thóc, gạo, thực phẩm, làm kho chứ lương thực; ngành Y tế tổ chức các trạm quân y phục vụ dân công hỏa tuyến, tải thương; ... Đồng bào các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn; phụ nữ xưa nay chỉ quen ở nhà dệt vải, làm nương nay cũng hổ hởi làm đường, gánh gạo; nhiều người mang cả ngựa nhà chở lương thực, nhiều gia đình lùa gia súc, gia cầm vào rừng cho bộ đội. Nhân dân hai bên dòng Nậm Na, một tuyến tiếp tế quan trọng, có nhiều ghềnh thác dữ, đã cùng bộ đội vượt thác ghềnh đảm bảo các bè mảng chở vũ khí, đạn dược còn nguyên vẹn tới mặt trận. Bên cạnh đó du kịch các địa phương, được thành lập từ năm 1949 đã được tổ chức lại làm nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc truy quét của địch vào những vùng nghi của Việt Minh chiếm đóng, bảo vệ cơ sở cho bộ đội, đảm bảo giữ bí mật các trận địa ta an toàn tuyệt đối.
Phần lớn Tây Bắc đã được giải phóng từ cuối năm 1952, một số vùng tại Lai Châu cũng được giải phóng. Cánh đồng Mường Thanh, nơi diễn ra trận đánh lịch sủ vô cùng phì nhiều, mãu mỡ là vựa lúa lớn nhất trong số bốn cánh đồng phía Tây Bắc, đã huy động để dành cho bộ đội. Đồng bào các dân tộc vừa thu hoạch vụ mùa, sôi nổi hưởng ứng nộp thóc và đi dân công. Được sự giúp đỡ của dân công miền xuôi hướng dẫn người dân ở đây giã thóc bằng cối thay vì bằng sức nước như trước, công việc giã thóc đã đỡ vất vả hơn, đem lại năng xuất cao hơn, bà con thêm phấn khởi.
Để tiện cho sự chỉ đạo công tác phục vụ chiến dịch, theo Chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã nhanh chóng chuyển văn phòng về Hang Thẩm Púa (xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo), gần Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ để kịp thời nhận nhiệm vụ củ cấp trên và triển khai xuống các huyện. Từ giữa tháng 1 đến hết tháng 1 năm 1954, Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ chuyển từ Thẩm Púa vào hang Huổi He, rồi Mường Phăng, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh cũng di chuyển theo. Tại đây, Ủy ban Kháng chiến hành chính, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lò Văn Hặc đã đẩy mạnh công tác dân vận, vận đồng bà con quyên góp tối đa sức người, sức của kịp thời phục vụ nhu cầu hậu cần của Bộ chỉ huy chiến dịch trong rừng Mường Phăng. Vào những ngày têt Giáp Ngọ năm 1954, đồng chí Lò Văn Hặc đã dẫn đầu đoàn đại biểu đồng bào người Thái, người Mông, người Dao, ...tới chúc tết Bộ chỉ huy mặt trận và bộ đội, khẳng định quyết tâm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc sẽ đứng lên sát cánh cùng bộ đội tiêu diệt giặc.
Khối tượng minh họa hình ảnh Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vận chuyển lượng thực cho bộ đội, được giới thiệu tại Nhà trưng bày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban kháng chiến hành chính, đồng bào và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào chiến thắng chung của cả nước, bao gồm 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công, tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm mảng; góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Đúng như đồng chí Trần Đăng Ninh - Cục trưởng Cục hậu cần đã khẳng định: “một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”. Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu. Trong điều kiện đời sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng khi biết bộ đội đến đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, những kẻ trước đó cướp của, giết người, cào nhà, phá bản của dân nên đồng bào sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội, đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận" đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là tiếng vang lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám; miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề vững chắc tiếp tục đánh đuổi đế quốc Mỹ, để rồi bằng cuộc tiến công và nổi dậy năm 1975 ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
Hồng Nhung