Nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và liên kết xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên vùng lòng hồ Sông Đà. Tháng11/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình đã tổ chức Chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng về tiềm năng, sản phẩm du lịch toàn tuyến đường thủy liên hồ trên sông Đà. Chương trình khảo sát theo lộ trình từ hồ thủy điện Lai Châu đi xuôi về hồ thủy điện Sơn La và kết thúc ở hồ Hòa Bình. Trên cơ sở của chuyến khảo sát, các tỉnh xây dựng giải pháp về sản phẩm du lịch đường thủy 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Sông Đà là một trong những dòng sông hùng vĩ, trữ tình và thơ mộng. Dòng sông Đà đã từng đi vào thi ca, sử sách với tác phẩm nổi tiếng “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân. Sông Đà hay còn gọi là sông Bờ, Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng với chiều dài 910km, diện tích lưu vực là 52.900km2. Lưu vực vùng lòng hồ sông Đà có nguồn điện năng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mỗi năm cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, tiềm năng về phát triển du lịch vùng hồ thủy điện Lai Châu, Hòa Bình và Sơn La là rất lớn do có diện tích mặt hồ rộng lớn với phong cảnh đẹp, đa dạng, thuận lợi và phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch đường thủy.

Để khai thác tiềm năng đường thủy liên hồ trên sông Đà trở thành sản phẩm du lịch đường sông, 4 tỉnh Tây Bắc bao gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình đã tổ chức Chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng về tiềm năng, sản phẩm du lịch toàn tuyến đường thủy liên hồ trên sông Đà và đề xuất các điểm để kết nối tuyến du lịch đường thủy với nhiều nội dung. Trên cơ sở đó, tổng hợp xây dựng chương trình và lịch trình khảo sát các điểm du lịch trên dọc tuyến sông Đà; phối hợp chuẩn bị phương tiện tàu thuyền, ô tô đi lại, thành lập đoàn tham gia  khảo sát.

Đoàn khảo sát xuất phát từ thành phố Lai Châu đi bằng phương tiện ô tô trải qua 70km đường bộ đến bến xuồng thủy điện Lai Châu, huyện Nậm Nhùn. Vùng lòng hồ thủy điện thuộc địa phận tỉnh Lai Châu trên sông Đà là một trong ba hồ thủy điện có diện tích rộng trải dài qua các vùng dân cư mang bản sắc truyền thống văn hóa khác nhau. Nơi đây có thể xây dựng các sản phẩm du lịch thông qua tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của các tộc người cư trú ven hồ như dân tộc Lự, Thái, Mông,… Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã có các dịch vụ như lưu trú với khoảng 80 phòng đảm bảo tiêu chuẩn cho khách du lịch thuê.

Đoàn công tác đã đến Bia Vua Lê Lợi, đây là điểm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1981. Do yêu cầu trong việc thi công lòng hồ thủy điện Sơn La nên năm 2006 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cơ quan chức năng của Lai Châu thực hiện việc di dời "Bia Lê Lợi" lên khu vực cách Bến Nghiêng khoảng 50m để tránh ngập. Đây được coi như là một điểm nhấn trên toàn tuyến du lịch đường thủy sông Đà của tỉnh Lai Châu, được xây dựng với kiến trúc cổ xưa, hòa hợp với thiên nhiên. Bên canh đó, nằm gần khu vực Đền vua Lê Lợi là khu phế tích Đèo Văn Long tay sai của Thực dân Pháp chống lại quân đội cách mạng Việt Nam.

Tại đây, du khách có thể tham quan nhà máy thủy điện Lai Châu, công trình này được xây dựng ở đầu nguồn của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La. Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt là 1.200MW, sản lượng điện bình quân ước đạt khoảng 4,7 tỷ kWh mỗi năm. Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ huyện Nậm Nhùn đoàn công tác di chuyển khoảng 20km đến thị xã Mường Lay - tỉnh Điện Biên, được coi là thủ phủ của người Thái trắng. Nơi đây có nhiều bản dân tộc Thái sinh sống như: Bản Na Lát, bản Hốc, bản Chi Luông,… Bên cạnh đó, một số làng nghề đang được khôi phục để đưa vào phục vụ du lịch du khách được trải nghiệm đan lát đồ gia dụng, làm bánh khẩu xén, dệt thổ cẩm,… Du khách đến với Điện Biên là đến với Điệu xòe nổi tiếng của dân tộc Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

Tiếp tục hành trình ngày thứ hai. Xuôi dòng Đà Giang, đoàn công tác đã khảo sát tại Bản Huổi Loóng, thuộc xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa là bản dân tộc Dạo với 90 hộ dân, bản còn lưu giữ được nét truyền thống của người dân tộc Dạo qua trang phục, kiểu tóc, tập tục sinh hoạt… Đoàn khảo sát nhận định rằng nơi đây có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng trở thành điểm dừng chân cho khách tham quan hoặc ăn trưa nghỉ dưỡng khi đi dọc tuyến hồ sông Đà của tỉnh Điện Biên.

Cảnh yên bình tại bản Huổi Lóng xã Huổi só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Dao sinh sống

 Ngày hôm sau, Đoàn công tác khảo tại bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Được biết, bản Bon có 109 hộ với 412 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái trắng. Đây là một quần thể được bao bọc bởi các dãy núi, đồi và vùng lòng hồ sông Đà rộng lớn. Kiến trúc nhà ở còn 98% nhà mang kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Cùng với đó, bản Bon vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán. Trước khi đến với di tích lịch sử Đền Nàng Han, đoàn công tác đã đi qua cây cầu Pá Uôn bằng đường thủy, cây cầu bắc ngang qua dòng sông Đà nối trung tâm huyện Quỳnh Nhai với các xã Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh,…Đây là cây cầu đã được xác lập kỉ lục Guiness Việt Nam có trụ cầu cao nhất Đông Nam Á là 98,3m. Hàng năm, tại đây sẽ diễn ra các lễ hội như: Lễ hội đua thuyền (ngày 10 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội gội đầu của các cô gái Thái (ngày 30 tháng 12 âm lịch),…

Đoàn khảo sát đã đến dâng hương tại đền Nàng Han và đền Linh Sơn Thủy Từ, hai ngôi đền này nằm trên đỉnh đồi bao quát cả một khu vực lòng hồ sông Đà rộng lớn thuộc xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Du khách đến đây có thể ngắm từ xa các làng chài ven hồ và khu vực nuôi trồng thủy sản rộng lớn.

Phong cảnh tuyệt đẹp nhìn tù Đền Nàng Han xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

Đoàn khảo sát di chuyển về phía Đông Bắc đến bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, bản có 103 hộ với 508 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường. Bản Ngậm là một quần thể nằm trọn trên một quả đồi và giáp vùng lòng hồ sông Đà. Kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, đánh bắt thủy sản,… Tại đây có thể đi bộ tham quan quanh bản, khu vườn cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi… Hiện tại, bản chưa tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng nhưng nhiều du khách vẫn coi đây là điểm dừng chân để ăn trưa, nghỉ đêm. Đoàn khảo sát đánh giá đây là nơi có tiềm năng để phát triển hình thành điểm du lịch cộng đồng trên tuyến du lịch trên sông Đà tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Đón bình minh trên sông và hít thở không khí trong lành buổi sớm mai tinh thần được sảng khóa như được nạp thêm năng lượng cho một ngày mới. Trong chuyến hành trình khảo sát trên sông Đà, dọc đường sông đoàn khảo sát suýt xoa, trầm trồ mê hồn bức tranh thiên nhiên ban tặng với những vách núi đá sừng sững chen rừng xanh ngả bóng xuống lòng hồ nước trong xanh thơ mộng, cũng như các sinh hoạt của cư dân sống dọc bờ sông thật yên bình. Điểm khảo sát cuối cùng của đoàn công tác tại tỉnh Hòa Bình. Dọc theo sông Đà, Đoàn công tác di chuyển từ cảng Tà Hộc, huyện Mai Sơn, Sơn La đến bản Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Với 42 hộ dân thân thiện mến khách nằm ven chân đồi, kiến trúc nhà sàn của bản Đá Bia mang đậm bản sắc văn hóa của người Mường. Hiện bản có 3 hộ đang tham gia làm du lịch cộng đồng là: Homestay Ngọc Nhềm, Đinh Thu, Quang Thọ. Tại đây, du khách sẽ được giao lưu cùng với đội văn nghệ của bản như múa hát, nhảy sạp, bơi bè mảng, chèo thuyền kayak… Bản Đá Bia được Đoàn công tác đánh giá là một điểm đến khá phù hợp với nghỉ dưỡng đơn thuần, du khách đến đây có được trải nghiệm vô cùng thú vị.       

Trải nghiệm chèo thuyền kayak tại Bản Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, Hòa Bình

Trước khi đến với bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, đoàn công tác đã khảo sát địa phận Hồ Tiên hay còn gọi là Hồ trên núi nằm tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi đây được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khám phá, phù hợp với những du khách thích phiêu lưu, mạo hiểm. Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến hành trình trên sông Đà, đoàn công tác đã đến khảo sát tại bản Ngòi, thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Nét đặc biệt của bản là những phong tục tập quán cổ xưa vẫn được lưu giữ trong những tiếng chiêng, điệu múa sênh tiền. Bên cạnh đó, du khách đến đây có thể nghỉ dưỡng tại các homestay, đồng thời có thể tìm hiểu đời sống văn hóa trong những nếp nhà sàn mái cọ. Ngoài ra, tại vịnh Ngòi Hoa du khách có thể tham gia trải nghiệm các môn thể thao dưới nước như mô tô nước, leo núi nhân tạo,... Theo đánh giá bản ngòi là điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích sự khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, hòa mình cùng với thiên nhiên và con người.

Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng đến dâng hương tại Đền Thác Bờ thuộc xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Di tích Đền Thác Bờ là một điểm đến chính trong chuỗi du lịch trên lòng hồ sông Đà. Theo tìm hiểu, từ khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công xây dựng, ngôi đền phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông. Đây được coi là ngôi đền linh thiêng, thường diễn ra các hoạt động tâm linh độc đáo như lễ cúng Bà hay hầu đồng vào ngày đầu xuân.

Thông qua những hoạt động trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã mang lại hiệu quả thiết thực như thu hút đầu tư xây dựng phát triển nhiều khu, điểm du lịch mới với sản phẩm du lịch phong phú, thu hút nhiều du khách. Trong thời gian tới, các tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều chuyến khảo sát trên vùng lòng hồ. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Hy vọng rằng, trong tương lai tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà sẽ được đưa vào triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương./.

Bài, ảnh: Thu Thủy


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.320.089
    Online: 36