Nghệ thuật hát Then được sử dụng trong những dịp khác nhau trong đời sống xã hội của người Thái, bao gồm trong nghi lễ như Then cấp sắc, Then cầu con, Kin pang Then và các làn điệu Then trong các cuộc vui, hội hè

Đây cũng là di sản giữ vai trò quan trọng trong đời sống hôm nay như: đáp ứng nhu cầu tâm linh; phản ánh nhân sinh quan; đạo đức; lối sống; các nghi lễ liên quan đến vòng đời và môi trường sống của cư dân miền núi; những nét đẹp của văn hóa truyền thống; bảo lưu các hình thức nghệ thuật âm nhạc dân gian, dân ca, dân vũ đặc trưng của người Thái. Đặc biệt là khả năng chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần trong nhân dân; đề cao truyền thống giáo dục gia đình, cố kết cộng đồng, thôn, bản thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện tìm hiểu, trải nghiệm di sản.

Ở tỉnh Điện Biên, những chủ thể văn hóa tiêu biểu đang thực hành di sản Then phải kể đến ông Vàng Văn Thức ở bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; bà Lừ Thị Thiếm ở đội 7, bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên; bà  Lò Thị Xính ở bản Đán, phường Na Lay, thị xã Mường Lay;  ông Khoàng Văn Quán ở Bản Hốc, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; ông Khoàng Văn Dọng ở bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà.

Lễ Then cấp sắc

Với loại hình nghệ thuật Then Thái, thầy Then là những người đặc biệt trong cộng đồng, có năng lực giao tiếp với thế giới siêu nhiên, có khả năng hát then, đàn tính. Lễ được tổ chức do thầy Then làm chủ lễ (chủ lễ gọi là Chảu Then). Lời khấn, lời hát trong nghi lễ của thầy Then không lưu giữ bằng văn bản mà nằm trong tâm thức của các ông (bà) Then và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Thái trắng, trên Mường Trời có Mường Một là mường dành riêng cho các Then (quan hộ giá cho các then trần gian); các quan Then có nhiệm vụ giám sát, phán xét những việc đúng, sai, giúp đỡ người trần gian có cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc.

Nghệ thuật Then Thái là loại hình nghệ thuật tổng hợp vì đây là di sản chứa đựng cả kho tàng về Tri thức dân gian, Nghệ thuật trình diễn dân gian cũng như mang đậm sắc màu về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái, đặc biệt là người Thái Trắng. Đó là những tri thức về quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái; qua việc thực hành nghi lễ Then cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn, gìn giữ những tập tục tốt đẹp của dân tộc. Điều đáng nói là Nghệ thuật Then Thái có sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa khả năng đặc biệt của chủ thể thực hành di sản về việc ứng biến các giai điệu Then phù hợp với ngữ cảnh, nội dung nghi lễ hòa lẫn với âm thanh trầm bổng của Tính Tẩu.

Lễ Kin pang then thường diễn ra vào dịp đầu xuân (sau tết nguyên đán), đây là thời điểm đẹp nhất của mùa xuân, khi hoa ban nở trắng núi rừng, hoa đào, hoa bưởi khoe sắc tỏa hương khắp bản mường, tiết trời mát mẻ, vạn vật sinh sôi, cây cối nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái; thiên nhiên như hòa quyện với lòng người là lúc thầy Then tổ chức lễ Kin pang Then để gặp mặt các con nuôi về mừng mệnh Then được “vững như trụ bạc, chắc như trụ vàng". Diễn trình lễ Kin pang Then gồm các lễ thức: Mừng chúc lễ Kin pang then (chụm kiệu pang); Ra mắt, mời rượu (ók nả, mợ lảu); Niệm chú xin thông họng (cặm măn khọ púng); Trình báo bàn thờ kiểm tra lễ (lau chơng pạn then); Mở đường (đóng tạng); Then lên núi (Pú khău sam bắc; Then Dâng lễ thần núi (Pú khău sam bắc); Hành trình lên Mường Trời; Mời Vua Trời, Vua Then (mợi Pô Phạ, Pô Then) về dự lễ; Mời vua trời, vua then vào dự lễ; TiễnVua Trời, Vua Then (xúng báo xôông); Tiễn thầy của Then; Quét hoa tàn. Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm, người tham gia còn vui chơi như múa, hát và các trò chơi dân gian như: Tó má lẹ, ném còn, hái nấm, cày bừa, chọi trâu...

Lễ bắc cầu truyền nghề then (tiếng Thái  gọi là Cái khô hâư lụk liệng),  ngoài ra còn có tên gọi khác: lễ Bắc cầu then (cái khô mượng); lễ Kin pang then lên bậc; lễ Kin pang then lấy sắc phong hay lễ Kin pang then cấp sắc. Thầy then chủ trì tổ chức Lễ bắc cầu truyền nghề then cho các con nuôi có khả năng thực hành nghi lễ Then. Đối với các ông (bà) Then chưa được làm lễ bắc cầu then thì không được phép lên Mường Trời, chưa đủ sức mạnh để cứu giúp cho dân. Vì vậy, lễ bắc cầu truyền nghề then là minh chứng để cho một người đã có căn duyên hành nghề then được chính thức nối nghiệp và cũng là để đánh dâu sự trưởng thành của người làm nghề Then. Lễ chứa đựng yếu tố văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Bảo tồn loại hình nghệ thuật này có nét tương đồng như việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - đó là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng bắc bộ.

Đối với Lễ Then cầu con cũng mang sắc màu riêng của Nghệ thuật Then Thái.Cũng giống như Kin pang Then là phải dựng cây pang và chuẩn bị đồ lễ để Then đàn, hát và thực hiện các nghi lễ. Tuy nhiên có sự khác biệt  ở nghi lễ này là lập bàn thờ Me Bẩu - tên của một bà Then ở cõi Mường Then, bà có khuôn chuyên đúc dập thành hài nhi trai hoặc gái rồi giáng xuống đầu thai vào các bà mẹ ở cõi trần. Thầy Then sẽ cầu Me Bẩu ban phúc, cứu giúp những người hiếm muộn, mong muốn có con. Lễ Then cầu con là một trong những tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái mang tính nhân văn sâu sắc. Lễ cúng Then cầu Me Bẩu không những là tín ngưỡng được đồng bào tin theo mà còn là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của người Thái.

Lễ tụ hồn cho cho con nuôi  trong lễ Then cầu con

Hiện nay di sản Then Thái của tỉnh Điện Biên đã được tham gia vào bộ Hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm kiểm kê, nhận diện, đánh giá hiện trạng của di sản và xác định giá trị, vai trò của di sản Then trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Qua đó khẳng định, tôn vinh giá trị của Then Thái, giúp địa phương có những định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then Thái; để giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về di sản Then. Xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO còn là quá trình nghiên cứu, làm rõ vai trò của Then trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái; tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của những chủ thể văn hóa đối với di sản Then trong tổng thể những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung và góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa quốc tế. Qua đó thúc đẩy sự quan tâm, bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các tộc người Tày, Nùng, Thái với các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với Then.

Lan Anh - DSVH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.320.143
    Online: 80