Ngày 17/5/2019 UBND tỉnh Điện Biên đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 02 di sản Lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của người Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo và Lễ cấp sắc (Tủ cải) của người Dao, ngành Dao quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của người Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul bắt nguồn từ sự tích về câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về cội nguồn, gắn kết cộng đồng.

Lễ hội Pang Phoóng được tổ chức  2 hoặc 3 năm một lần vào khoảng tháng 11-12 dương lịch và diễn ra trong 02 ngày. Đây được coi là lễ hội đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò, ngành Lò Khul, mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có nhằm để tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, những người đã có công dựng bản, xây mường và là dịp để con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn vui buồn, thắt chặt tình đoàn kết anh em ruột thịt. Hiện nay nghi lễ vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, được giữ gìn, kế thừa, trao truyền qua các thế hệ và đã trở thành di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul. Điều đó cho thấy ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ phong tục tập quán lâu đời của cha ông truyền lại, đây cũng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc Kháng.

Lễ cấp sắc (Tủ cải) của người Dao, ngành Dao quần chẹt là nghi lễ quan trọng để người đàn ông được công nhận trưởng thành; được đặt tên để báo cáo, thờ cúng tổ tiên, công nhận là con cháu Bàn Vương; được trao quyền làm thầy…Bên cạnh đó lễ cấp sắc còn là dịp để người Dao cũng như các dân tộc khác hiểu rõ hơn về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, hiếu thuận với cha mẹ, làm việc thiện, tránh điều ác; nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần tạo nên sức mạnh to lớn, vượt mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đặc biệt trong quá trình thực hiện các quy trình của lễ Tủ cải, người Dao rất chú trọng đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, có định hướng và mục đích rõ ràng, cụ thể thông qua việc cho lớp trẻ tham gia trực tiếp vào các công đoạn và thực hành các nghi lễ hỗ trợ các thầy cúng chính trong khi làm lễ. Việc được tham gia, được thực hành, được quan sát di sản đã góp phần rất lớn vào việc duy trì bảo tồn di sản, lớp trẻ thấy tự hào với vai trò của bản thân, càng ý thức học tập và giữ gìn di sản. Vì vậy việc lập hồ sơ khoa học đối với Lễ Tủ cải đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bổ sung thêm nguồn tư liệu di sản văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa của người Dao./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.166.129
    Online: 82