Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, phát huy truyền thống lịch sử anh hùng, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, giành được những thành tích đáng tự hào. Đặc biệt Đảng bộ và nhân dân Lai Châu đã có đóng góp to lớn cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, ghi thêm một chiến công chói lọi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã phải chịu nhiều ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, quan lại địa phương và bè lũ xâm lược, chủ yếu là thực dân Pháp. Chúng đã chiếm đóng và đặt ách thống trị tại đây từ năm 1890 với muôn vàn âm mưu, thủ đoạn và chế độ thâm độc, tàn ác. Nhiều cuộc khởi nghĩa, vùng lên chống lại thực dân Pháp đã nổ ra nhưng nhanh chóng bị dập tắt hoàn toàn.

Cách mạng Tháng tám thành công như ngọn đèn soi sáng phong trào đấu tranh của nhân dân trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp tới phong trào cách mạng đang trở nên bế tắc tại Lai Châu. Đến ngày 10 tháng 10 năm 1949, Ban cán sự Đảng Lai Châu được thành lập gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Bá Lạc (bí danh Trần Quốc Mạnh) làm trưởng ban, có nhiệm vụ “gây cơ sở quần chúng tạo nên điều kiện tiến tới lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai”, đã đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng tỉnh Lai Châu. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo.

Trung tuần tháng 11 năm 1953, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 - 1954, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc. Để ngăn chặn, ngày 20 tháng 11, Nava cho 6 tiều đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với khoảng 4.500 lính bằng cuộc hành binh Caxtro.. Đến ngày 3 tháng 12, Nava chính thức phê duyệt kế hoạch đánh chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng một Tập đoàn cứ điểm mạnh tại đây nhằm thu hút quân chủ lực Việt Nam đến để giao chiến.

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ chính trị họp đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên một bước ngoặt trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời khẳng định quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Mặc dù Điện Biên Phủ là địa bàn xa hậu phương, đường xá đi lại khó khăn, hâu cần là một vấn đề nan giải nhưng sẽ khắc phục được. Sức người, sức của sẽ được huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương lên. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ khi nhận chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, Ban cán sự Đảng tỉnh đã nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch, toàn Đảng, toàn dân  phải dồn sức thực hiện trận quyết chiến  chiến lược đó. Hơn nữa chiến dịch này lại diễn ra ở địa phương nên Lai Châu có vinh dự rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề. Ban cán sự Đảng tỉnh đã động viên các dân tộc trong tỉnh với những nỗ lực cao nhất góp phần cùng với cả nước thực hiện bằng được nhiệm vụ này. Công tác trọng tâm của tỉnh lúc này là phục vụ tiền tuyến, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo kháng chiến trong tình hình và nhiệm vụ mới, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh được thành lập trên cơ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính các huyện, xã đã có từ trước đó (Ủy ban Kháng chiến hành chính đầu tiên được thành lập ở hai huyện Điện Biên và Tuần Giáo) vào vào tháng 12 năm 1952 gồm 3 người do đồng chí Hoàng Bắc Dũng, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh làm Chủ tịch và 2 ủy viên là đồng chí Lò Văn Hặc và đồng chí Hoàng Hoa Thưởng. Ủy ban đã phân công mỗi đồng chí làm một công việc cụ thể: Đồng chí Hoàng Bắc Dũng – thường trực; đồng chí Lò Văn Hặc – phụ trách khu vực Điện Biên; đồng chí Hoàng Hoa Thưởng – phụ trách quân sự. Đến cuối năm 1953, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã được bổ xung thêm 1 đồng chí, trong đó: Đồng chí Lò Văn Hặc được cử làm Phó Chủ tích; đồng chí Lê San sẽ phụ trách về kinh tế.

Các Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện cũng được bổ xung, kiện toàn. Huyện Điện Biên: 4 đồng chí; huyện Tuần – Lai: có 5 đồng chí; huyện Quỳnh – Hồ: 2 đồng chí. Mỗi huyện đã cử một ủy viên phu trách công tác thuế và một ủy viên thường trực để giải quyết mọi công việc (Đến tháng 10 năm 1953 Ủy ban Kháng chiến hành chính liên huyện Tuần – Lai và Quỳnh – Hồ tách ra hoạt động độc lập). Toàn bộ 49 xã với 1.960 bản của tỉnh đã thành lập được Ủy ban Kháng chiến hành chính. Mỗi Ủy ban xã có tự 3 đến 5 ủy viên. Các ủy viên Ủy ban và trưởng bản đã số do cán bộ và bộ đội chỉ định. Việc giải quyết công việc của các Ủy ban xã còn nặng nề, mệnh lệnh, ỷ lại cán bộ. Có một số Ủy ban xã hoạt động tốt như Nà Tấu, Noong Hẹt (Điện Biên), ...

Nhận rõ sự cần thiết của công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng khẩn trương của cuộc kháng chiến, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã ra chỉ thị nhằm đôn đốc các huyện, các ngành phải tích cực thực hiện việc đào tạo cán bộ địa phương. Theo đó Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh mở được hai lớp huấn luyện cho 82 cán bộ chính quyền là các ủy viên Ủy ban huyện, chủ tịch xã, trưởng bản. Số cán bộ này sau khi đào tạo đã trở về địa phương công tác. Có nhiều cán bộ dân tộc Thái, Mông sau này trở thành cán bộ ưu tú của tỉnh nhà.

 Ngày 10 tháng 12 năm 1953 Bộ Chính trị quyết định mở màn chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954 bằng kế hoạch tiến công địch ở Lai Châu, ngăn chúng không cho co cụm về Điện Biên Phủ. 2 giờ sáng ngày 12 tháng 12 tiểu đoàn 439 đã cắm cờ ở vị trí trung tâm của địch. Thị trấn Lai Châu được giải phóng. Đến ngày 19 tháng 12, các huyện Mường Lay, Mường Tè, Sình Hồ cũng hoàn toàn được giải phóng.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 1954 Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh do đồng chí Lò Văn Hặc làm chủ tịch, đồng chí Hoàng Bắc Dũng làm Phó Chủ tịch.

Để tiện cho sự chỉ đạo công tác phục vụ chiến dịch, theo Chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã nhanh chóng chuyển văn phòng về Hang Thẩm Púa (xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo), gần Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ để kịp thời nhận nhiệm vụ củ cấp trên và triển khai xuống các huyện. Từ giữa tháng 1 đến hết tháng 1 năm 1954, Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ chuyển từ Thẩm Púa vào hang Huổi He, rùi Mường Phăng, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh cũng di chuyển theo. Tại đây, Ủy ban Kháng chiến hành chính, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lò Văn Hặc đã đẩy mạnh công tác dân vận, vận đồng bà con quyên góp tối đa sức người, sức của kịp thời phục vụ nhu cầu hậu cần của Bộ chỉ huy chiến dịch trong rừng Mường Phăng. Vào những ngày têt Giáp Ngọ năm 1954, đồng chí Lò Văn Hặc đã dẫn đầu đoàn đại biểu đồng bào người Thái, người Mông, người Dao, ... tới chúc tết Bộ chỉ huy mặt trận và bộ đội, khẳng định quyết tâm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc sẽ đứng lên sát cánh cùng bộ đội tiêu diệt giặc.

Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Kháng chiến hành chính, đồng bào và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào chiến thắng chung của cả nước. Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công, tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm mảng; góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Đúng như đồng chí Trần Đăng Ninh - Cục trưởng Cục hậu cần đã khẳng định: “một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”. Những sự đóng góp này là những sự cố gắng vượt bậc của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, từ ngày 11 tháng 9 năm 1954 các Ủy ban kháng chiến hành chính gọi là Ủy ban hành chính.

Đi lên từ Ủy ban kháng chiến hành chính các huyện, xã, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc. Tuy được thành lập muộn hơn so với các Ủy ban Kháng chiến hành chính các địa phương khác nhưng Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu đã phát huy vai trò quan trọng của mình, từng bước lao động, chiến đấu dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng và ủng hộ./.

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.364.998
    Online: 37