Khi hoa dã quỳ rực vàng ven đường, lúa ngô đã thu hoạch xong, người Mông ở tỉnh Điện Biên lại nhộn nhịp tổ chức ngày Tết của dân tộc mình. Tết cổ truyền "Nào pê Chầu" là một lễ hội đặc trưng, tiêu biểu nhất về văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.

Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động sản xuất, tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng, là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên qua đó cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vào ngày tết cổ truyền "Nào pê chầu", bên cạnh thờ cúng tổ tiên, hệ thống ma nhà, trong một năm mới người Mông rất coi trọng việc thờ cúng bàn thờ "Xử Ka". Bàn thờ "Xử Ka" là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà người Mông, gắn liền với sự giàu có, nhất là tiền bạc. Nơi thờ "Xử Ka" ở gian giữa nhà. Chỗ thờ được dán một miếng giấy màu trắng và dán 3 hoặc 5 nhúm lông gà đã bôi tiết. Mỗi năm cúng xử cả một lần vào đêm 30 tết, đồ cúng là một con gà trống màu đỏ, một bát cơm, một bát canh và hai chén rượu. Người Mông quan niệm rằng ma "Xử Ka" là vị thần canh của cải, tiền bạc trong nhà nên các gia đình của người Mông đều có bàn thờ "Xử Ka".

Với người Mông, "Xử Ka" được coi là vị thần quan trọng nhất mà bất kỳ gia đình nào cũng phải thờ, dù họ sinh sống ở đâu hay là ngành Mông gì nếu không thờ cúng  "Xử Ka" thì không phải là người Mông. Vì vậy, mỗi dịp tết đến các gia đình thường dán lại giấy tại bàn thờ “Xử Ka” (Lý thay bàn thờ Xử Ka). Việc dán lại giấy tại bàn thờ "Xử Ka" với ý nghĩa làm cho bàn thờ mới hơn, gọn gàng hơn và cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ. Khi việc dán lại giấy tại bàn thờ đã xong, chủ nhà sẽ thắp hương và tay cầm một con gà trống (có lông màu đỏ) còn sống tiến hành khấn lần thứ nhất để giao lễ vật, nội dung lời khấn:

 “Năm cũ qua đi năm mới đến, hôm nay đầu xuân năm mới tôi sẽ thay nhà cửa mới, trang phục mới, thắp hương thắp nến, có cơm, có thịt gà kính dâng lên “Xử Ka” về nhận, ăn tết cùng với gia đình”.

Khấn xong, chủ nhà (thầy cúng) đi cắt tiết và nhổ 3 hoặc 5 túm lông gà ở cổ rồi nhúng vào tiết để dán lên mảnh giấy thờ "Xử Ka" với ý nghĩa đã dâng tặng con gà, sau đó mổ gà , luộc chín và bày lên mâm cùng với một bát cơm, 1 bát canh và hai chén rồi tiếp tục khấn:  

“Năm cũ qua đi năm mới đã về, gia đình làm mâm cỗ có cơm mới, thịt ngon, rượu ngọt, kính mời "Xử Ka" về hưởng thụ. Về ăn, về uống, ăn uống rồi phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn được khỏe mạnh không ốm đau, bệnh tật. Phù hộ cho mùa màng luôn tốt tươi bội thu, phù hộ cho chăn nuôi phát triển nảy nảy, chuông trại đầy đàn. Có nhiều tiền bạc, của cải. Phù hộ cho những cái may mắn, xua đuổi những điều xấu, rủi ro, bênh tật theo năm cũ. Năm mới đến làm nương làm rẫy gặp nhiều thuận lợi, đi đường xa không gặp mưa gặp gió, năm mới cơm mới được ăn, nước mới được uống, chăn nuôi không dịch bệnh, mùa màng thì làm ít được nhiều, làm nhiều sẽ có của ăn, của để cho gia đình nha”.

Lễ cúng bàn thờ "Xử Ka" nói riêng cũng như các nghi lễ trong lễ tết cổ truyền “Nào pê chầu” của dân tộc Mông nói chung, đây là một nghi lễ, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông, Tết là ngày đoàn tụ của mọi người trong gia đình, dù ai đi làm việc hay con cháu đi học xa, họ thường cố gắng dành thời gian để về ăn Tết với gia đình. Đó là mong mỏi của của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết để gặp mặt quây quần cùng gia đình. Tết cũng là dịp để các gia đình nhớ đến cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, cầu mong tổ tiên, các vị thần sẽ phù hộ cho năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng tươi tốt, nhiều tiền tài, may mắn và an lành hạnh phúc cho gia đình.

Trong mấy ngày Tết mọi người trong bản thường đi chúc tụng nhau, cùng nhau bỏ qua những hiềm khích trong năm cũ và là dịp để chuộc lỗi, mọi người cùng vui chơi, cùng uống rượu và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Các chàng trai, cô gái Mông đều rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống. Ngày Tết họ kiêng không nóng giận, không cãi cọ, họ chỉ nói những điều hay, mọi người cùng vui, cùng uống rượu và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa, cùng đánh tù lu, ném pao, hát ống, múa khèn, hát giao duyên, các chàng trai, cô gái có dịp để vui xuân, tìm kiếm bạn đời và cũng từ đây có nhiều đôi trai gái tìm được hạnh phúc. Họ theo nhau về để xây dựng tổ ấm và lại bắt đầu một cuộc sống mới khi những ngày Tết - “Nào pê chầu” kết thúc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.138.009
    Online: 59