Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch công kiên đánh lớn dài ngày, đây là chiến dịch đầu tiên có sự hiệp đồng tác chiến của các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Dòng chảy thời gian có thể cuốn theo dấu vết chiến tranh, nhưng không thể xoá mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc. Trong chiến thắng vang dội đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong - nhân tố góp phần làm nên “Trang sử vàng” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “... trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.
Khó khăn lớn nhất của công tác hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ là nguồn bảo đảm tại chỗ không đủ, vật chất hậu cần chủ yếu phải vận chuyển từ xa đến, phải qua nhiều địa hình phức tạp, bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Trong suốt thời gian khi chuẩn bị cho đến kết thúc chiến dịch, trên các tuyến từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Sơn La dài hơn 600km; tuyến từ Nho Quan (Ninh Bình) và Thanh Hóa lên Sơn La dài hơn 300km, quân Pháp dùng máy bay đánh phá 1.186 trận, ngày cao nhất sử dụng 250 lần chiếc máy bay (có cả B26)... Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông quan trọng như Cò Nòi, Tuần Giáo... là các trọng điểm đánh phá của địch. Để bảo vệ các tuyến vận tải, ta đã điều 2 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, các tiểu đoàn súng máy 12,7 ly đánh máy bay và 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công bám các trục đường bảo đảm giao thông nên suốt thời gian chiến dịch chỉ có 37 đêm đường bị tắc ở một số đoạn.
Trong thành tích làm đường, giữ đường đảm bảo giao thông được thông suốt phải kể đến chiến công phá bom nổ chậm của các đồng chí Cao Xuân Thọ, Nguyễn Tiến Thụ, Trần Văn Cam trong đó đặc biệt phải kể đến đồng chí Trịnh Văn Huyền Đội trưởng đội phá bom Đại đội 293, Đội thanh niên xung phong 34 - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng chí Trịnh Văn Huyền tên thật là Lê Văn Huyền (bí danh Lê Đình Cường), sinh ra ở làng Tràng Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nghèo khó. Năm 1941, mới 11 tuổi nhưng đã có 3 năm đi ở, làm thuê, do không may làm mất con trâu của địa chủ Nguyễn Cựu Yêm mà ông phải bán mình cho trung nông Trịnh Văn Hinh ở Can Lộc với giá 100 đồng Đông Dương và từ họ Lê, Huyền được đổi thành họ Trịnh. Về sống trong gia đình họ Trịnh, đồng chí Huyền tích cực cày bừa, chăn nuôi phụ giúp cha nuôi và tham gia các hoạt động ở địa phương. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được bầu làm Phân đoàn trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đội trưởng Đội Du kích thôn Phúc Trường. Tiếp tục tham gia dân công phục vụ các chiến dịch, rồi chuyển sang bộ đội chủ lực, giữa năm 1953, ông xin đơn vị chuyển sang thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1953, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, chàng trai Trịnh Văn Huyền xung phong đi bộ từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa để thành lập đội thanh niên xung phong đặc biệt có chức năng, nhiệm vụ như quân đội phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Với những thành tích xuất sắc khi còn công tác ở đơn vị cũ, Trịnh Văn Huyền được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Đội trưởng đội phá bom Đại đội 293 thuộc Đội thanh niên xung phong 34. Đội của ông có hơn 200 người có nhiệm vụ phá bom mìn và đảm bảo các tuyến đường thông suốt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong quá trình tham gia phục vụ chiến dịch, ông đã có nhiều sáng kiến đặc biệt. Ở đèo Chẹn, ngày đêm địch ném bom đánh phá không cho bộ đội và xe chở hàng của ta vào chiến dịch. Dù địa hình hiểm trở, lực lượng chủ yếu làm thủ công, ông đã đề xuất chia đèo Chẹn làm 3 đoạn, đoạn khó nhất, dốc nhất thì bố trí lực lượng khỏe, không sợ hy sinh, làm ngày 3 ca và kết quả đã tăng năng suất lên 600%. Đồng thời, đưa ra sáng kiến đan sọt đổ đá ngăn suối để cho xe vận chuyển hậu cần, vũ khí trang bị qua suối kịp thời phục vụ chiến dịch.
Khi làm nhiệm vụ ở Cò Nòi, đèo Pha Đin, nơi địch đánh phá vô cùng ác liệt, lực lượng thanh niên xung phong hy sinh rất nhiều, ông đưa ra sáng kiến phá bom nổ chậm bằng cách dùng cây hóp đá (thuộc họ tre) dài từ 4m đến 5m, người nằm dưới hố an toàn rồi dùng cây hóp đá chọc cho quả bom lăn và tự nổ, chỉ trong 2 giờ đã phá được 39 quả bom bươm bướm. Với kinh nghiệm này, có ngày toàn đội phá được 130 quả bom các loại. Chính đồng chí Huyền là người đưa năng suất đục lỗ, nhồi thuốc mìn phá đá tăng gấp 5 lần định mức. Ngay cả công việc tưởng chừng đơn giản như đốn tre, nứa, đồng chí Huyền cũng có sáng kiến đưa năng suất cao gấp 8 lần định mức.
Đặc biệt, ngày 26/4/1954, 10 xe chở hàng hóa, vũ khí khi đến đèo Pha Đin thì bị địch phát hiện, cho nhiều tốp máy bay đánh phá. Một xe đi đầu bốc khói, dù bị thương nặng nhưng đồng chí Trịnh Văn Huyền đã dũng cảm nhảy lên xe dập lửa và hô hào đồng đội đến ứng cứu. Nghe tiếng hô của đồng chí Huyền, cả đội đã vận chuyển hàng vào nơi an toàn, cứu được 8 xe ô tô, 437 viên đạn đại bác 105 ly, riêng Huyền cứu được 19 quả đạn ở xe đang bị cháy. Hành động dũng cảm của đồng chí Trịnh Văn Huyền đã mở đầu cho hàng loạt tấm gương dũng cảm. Thay mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Huyên (Thư ký của Đại tướng) đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhất cho ông và gửi thư khen.
Đồng chí Trịnh Văn Huyền còn 3 lần được Bác Hồ khen, trong bài viết "Tình hữu ái giai cấp" trên Báo Nhân dân số 140 ra năm 1954, đồng chí được Bác Hồ biểu dương vì đã nhường nhịn, lo toan cho đồng đội, không chút nghĩ đến lợi ích bản thân. Đồng chí còn thường giúp những đồng đội bị đau chân, sưng vai nên đã gánh từ 50kg đến 60kg, nhiều ngày gánh tới 80kg. Đi đường, đồng chí Huyền còn để mắt hái rau rừng, xin lá khoai lang của người dân ven đường để thêm chất tươi cho bữa ăn của anh em...
Trên bài báo “Thanh niên kiểu mẫu” cũng bút danh C.B đăng trên Báo Nhân dân ngày 17/3/1955 có kèm theo chân dung, biểu dương đồng chí Huyền siêng năng, nhiều sáng kiến, gan dạ, tinh thần đoàn kết. Đến giữa tháng 5/1962, trong bài nói chuyện tại trường cán bộ Thương nghiệp Mai Dịch, Hà Nội với nhan đề: “Thanh niên xung phong tiếp tục được phát huy”, Bác Hồ một lần nữa tuyên dương đồng chí Trịnh Văn Huyền về tinh thần kiên trì học tập. Vào thanh niên xung phong mới thoát nạn mù chữ, khi chuyển lên xây dựng nhà máy Việt Trì, ông tranh thủ học bổ túc văn hóa ban đêm cách nơi làm việc 12 km. Vừa học, vừa nghiên cứu các giáo trình về cơ khí, ông đã nâng cao được trình độ học vấn, tiếp tục xứng danh là “cây sáng kiến”.
65 năm đã trôi qua nhưng tinh thần sẵn sàng xung phong, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi thử thách ác liệt của thế hệ TNXP trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn luôn là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ thanh niên Việt Nam vươn lên. Hào khí của thanh niên xung phong trong cách mạng Việt Nam vẫn âm vang, thôi thúc hàng triệu trái tim của tuổi trẻ Việt Nam tình nguyện “lên rừng, xuống biển” làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc./.